Xã hội

Thủ tục nhiêu khê sẽ khiến nhân tài tự ái, nản lòng

Với người tài, việc thu hút là mời họ về làm việc chứ không phải họ đi xin việc, vì thế nếu thủ tục nhiêu khê sẽ khiến họ tự ái, nản lòng.

Mặc dù đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt về làm việc tại các sở, ngành, đơn vị của TP.HCM trong nhiều năm qua vẫn chưa nhiều. Câu hỏi đặt ra là vì sao?

Thủ tục nhiêu khê, mất thời gian

Ban quản lý Khu nông nghiệp Công nghệ cao là nơi ươm mầm cho nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao của các nhà khoa học, từ đó nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn thành phố và khu vực.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, từ tháng 7/2022, Ban đã đề xuất cần 10 chuyên gia cho các lĩnh vực khác nhau. Sau khi qua nhiều khâu rà soát, thành phố đồng ý cho Ban được tiếp nhận 5 chuyên gia. Thế nhưng, các thủ tục đánh giá về hồ sơ, chuyên môn qua các sở ngành của thành phố đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa xong.

img

Những chính sách thu hút chuyên gia, nhân tài ở TP.HCM có vẻ hấp dẫn nhưng khi đi vào thực tiễn mới thấy vẫn còn nhiều bất cập

Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao cho rằng, Nhà nước có chính sách đãi ngộ với các chuyên gia, nhà khoa học là rất cần thiết. Nhưng các thủ tục để đánh giá quá lâu khiến các nhà khoa học nhiều lúc tự ái, nản lòng.

“Họ là những chuyên gia, chúng ta mời họ về làm việc chứ không phải họ đi xin việc mà các thủ tục hành chính làm mất thời gian”, ông Dũng nói và cho rằng đó là một trong những nguyên nhân khiến một số nhà khoa học không đến được với Ban trong thời gian qua.

Và đó cũng là lý do khiến thành phố chưa thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học theo chương trình thu hút nhân tài của thành phố.

Trực tiếp làm việc tại Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao gần 15 năm và có nhiều đề tài nghiên cứu về rau an toàn, giống cây, tham gia các dự án quốc tế…, TS. Võ Thế Dân là người thấy rõ những bất cập của chính sách thu hút chuyên gia, nhân tài của thành phố khi triển khai vào thực tiễn.

Ông dẫn chứng ví dụ, việc nghiên cứu một đề tài về nông nghiệp với các loại giống ngắn ngày mất ít nhất 2 năm. Có những đề tài nghiên cứu cả chục năm mới cho ra kết quả thành công nhất.

Nhưng một số đề tài khi nhà khoa học làm việc với Nhà nước, sử dụng tiền ngân sách thường bị ấn định thời gian ngắn, từ 2 - 3 năm, rất khó để triển khai.

“Cần bỏ tư duy đề tài nào nghiên cứu cũng thành công, cũng ứng dụng vào thực tế được. Có những đề tài nghiên cứu nhiều năm chưa xong, thậm chí hơn 10 năm mới thành công, cũng có thể thất bại, đó là điều bình thường trong nghiên cứu khoa học”, TS. Dân cho biết.

Chuyên gia cần gì?

Từ những năm 2000, TP.HCM đã có những chính sách để thu hút các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ về làm việc.

Giai đoạn 2014 - 2019, TP.HCM đã thu hút được 19 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia Việt Nam, 6 chuyên gia nước ngoài cùng 8 trường hợp là kiều bào về công tác tại 4 đơn vị, gồm Khu Công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học.

Năm 2020, UBND TP.HCM mời gọi chuyên gia các cơ quan, đơn vị gồm: Sở KH-ĐT, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao, BQL Khu công nghệ cao và Viện Khoa học - công nghệ tính toán thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, có tổng cộng 14 vị trí cần người tài.

Kết quả chỉ có BQL Khu Công nghệ cao tuyển được người đáp ứng 5 vị trí, 3 cơ quan còn lại không tìm được ai.

Sang năm 2021, Sở Văn hoá và Thể thao đăng tuyển 6 người có tài năng đặc biệt nhưng chỉ có 1 hồ sơ đăng ký. Năm 2022, Sở KH-ĐT và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng tuyển dụng 5 chuyên gia.

Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cho biết các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học của thành phố là cần thiết nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa hợp lý.

Lấy ví dụ, chính sách của thành phố là hỗ trợ lương 150 triệu đồng/chuyên gia/tháng, hỗ trợ nhà ở, xe đi lại… ông Thắng cho rằng chính sách đãi ngộ vậy là tốt nhưng chưa đủ, thậm chí là khập khiễng, bởi có người cho là ít, người nói nhiều.

“Nhà khoa học họ sống bằng các công trình nghiên cứu chứ không chỉ dựa vào lương hàng tháng. Nhà khoa học mà không có công trình khoa học, công trình đó không được áp dụng vào thực tế thì lâu dần nhà khoa học cũng mất giá trị”, ông Thắng nói và cho rằng điều các nhà khoa học cần là Nhà nước, thành phố hỗ trợ họ về các chính sách, thủ tục pháp lý để công trình khoa học của họ có thể áp dụng vào thực tế. Tất nhiên, khi áp dụng vào thực tế rồi, có lợi nhuận, nhà khoa học sẽ được bù đắp lại là đương nhiên.

img

Điều các chuyên gia cần là môi trường làm việc để họ nghiên cứu khoa học, phát huy những tài năng chứ chưa hẳn là tiền lương hàng tháng được trả cao

TS. Võ Thế Dân cũng khẳng định, với nhà khoa học không phải cứ trả lương cao là thu hút được, quan trọng là môi trường làm việc để họ phát huy tài năng.

“Tôi có người bạn được một tỉnh mời về làm phó giám đốc sở theo chính sách thu hút nhân tài, lương rất cao, nhưng về làm một thời gian thì nghỉ, bởi ở đó không có các cơ sở vật chất để họ nghiên cứu những đề tài khoa học”, TS. Dân kể.

Để có một công trình nghiên cứu khoa học, ngoài chuyên gia, còn có sự hỗ trợ của nhiều cộng tác viên khác. Thế nhưng, chính sách hiện nay mới chỉ thu hút, trả thù lao cho chuyên gia, còn chế độ cho những cộng tác viên tham gia đề tài gần như chưa đề cập đến. Đây là điều còn khập khiễng.

Theo ông Phạm Đình Dũng, thành phố cần có sự phân cấp, phân quyền, cho các đơn vị chủ động hơn trong việc thu hút, tuyển dụng các chuyên gia. Tất nhiên khi sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, đòi hỏi phải chặt chẽ, hiệu quả.

“Các cơ quan Nhà nước có thể giám sát về việc sử dụng tiền ngân sách, nhưng không nên để các thủ tục nhiêu khê, mất thời gian sẽ không thu hút được những chuyên gia giỏi”, ông Dũng kiến nghị.

Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm

Tại Dự thảo hồ sơ xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Bộ KH&ĐT (cơ quan soạn thảo) đề xuất hàng loạt ưu đãi nhằm thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại thành phố.

Cơ quan soạn thảo đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.

Bộ cũng đề xuất miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn thành phố.

HĐND TP.HCM quyết định tiêu chí, điều kiện chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo được hưởng các ưu đãi; đồng thời quy định tiền lương, công, chế độ phúc lợi, chính sách ưu đãi với chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, dựa trên trình độ, năng lực và yêu cầu công việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.