Chính trị

Thủ tướng: Tận dụng nhưng không được lợi dụng cơ hội ngoại giao kinh tế

02/04/2024, 22:34

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để phát triển đất nước nhưng phải tôn trọng lợi ích chính đáng của đối tác, cạnh tranh lành mạnh nhưng phải chú ý đến tình người, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn.

Cần "ngoại giao tổng lực" cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo

Chiều 2/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các báo cáo tại cuộc họp cho thấy trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2023 đến nay của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, nội dung kinh tế trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất và nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác được xác lập.

Thủ tướng: Tận dụng nhưng không được lợi dụng cơ hội ngoại giao kinh tế- Ảnh 1.

Thủ tướng: Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta cả năm 2023 đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, nhiều nhất từ trước tới nay; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu bị thu hẹp; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, công tác ngoại giao kinh tế vẫn còn một số hạn chế, tồn tại còn hạn chế, có độ trễ trong triển khai các thỏa thuận đã đạt được. Việc giải quyết các vướng mắc tồn đọng với một số đối tác còn kéo dài, chưa dứt điểm.

Giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự phối hợp đôi lúc chưa đồng bộ và tính kết nối, liên kết vùng giữa các địa phương chưa cao.

Đề xuất hướng đi sắp tới, nhiều đại biểu tập trung tới một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đang tăng cường đẩy mạnh thời gian qua đó là ngành bán dẫn và công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và công nghệ thông tin cho biết qua làm việc, nhiều đối tác nước ngoài nhận định "Việt Nam là quốc gia được chọn và nguồn nhân lực Việt Nam được chọn" để tham gia hệ sinh thái bán dẫn của thế giới.

Phân tích lý do, ông Khoa cho biết Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, trong đó có gần 500 nghìn kỹ sư phần mềm, sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.

Ngành bán dẫn và công nghệ thông tin trên toàn cầu đang thiếu hụt nguồn lực, vì hầu hết thanh niên ở các nước mạnh về bán dẫn đang tập trung cho các lĩnh vực khác như tài chính, logistics… Mặt khác, lĩnh vực AI, bán dẫn, chip sẽ là xu hướng của tương lai.

Do đó, ông đề xuất "ngoại giao tổng lực" cho lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh kết nối với các trường đại học nước ngoài để chuyển giao chương trình, đào tạo nhân lực; xây dựng chính sách thu hút FDI bán dẫn; đẩy mạnh truyền thông hình ảnh Việt Nam gắn với ngành bán dẫn.

Không lợi dụng đối tác khó khăn để "đục nước béo cò"

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước thách thức lớn từ cả trong và ngoài nước, luôn giữ thăng bằng, "thắng không kiêu, bại không nản", giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì.

Ông nhấn mạnh cần tiếp tục công tác ngoại giao kinh tế để phục vụ nhiệm vụ phát triển đất nước nhưng đồng thời phải tôn trọng lợi ích chính đáng, hợp pháp của các đối tác.

Thủ tướng lấy ví dụ, hiện nay giá một số mặt hàng nông sản như gạo đang tốt thì chúng ta vừa phải tranh thủ cơ hội phát triển bền vững; vừa phải lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác, không lợi dụng khi các đối tác khó khăn; vừa tránh phát triển nóng, chú trọng xây dựng, giữ gìn thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, với giá cả hợp lý, không "ăn xổi ở thì".

Thủ tướng: Tận dụng nhưng không được lợi dụng cơ hội ngoại giao kinh tế- Ảnh 2.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: VGP).

"Càng lúc này thì các mặt hàng Việt Nam càng phải củng cố vị thế, uy tín. Giá cao thì mình cạnh tranh lành mạnh nhưng chú ý đến tình người, đạo đức kinh doanh. Khi họ khó khăn mà mình không chia sẻ với đối tác thì lúc mình khó khăn, ai sẽ chia sẻ với mình? Khi hợp tác làm ăn thì cả hai bên đều phải có lợi, lợi dụng lúc đối tác khó khăn để "đục nước béo cò" thì văn hóa Việt Nam không như vậy", Thủ tướng phát biểu.

Chỉ rõ 4 định hướng lớn với ngoại giao kinh tế thời gian tới, Thủ tướng cho biết cần đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại các cấp. Trong đó, cần xác định rõ các sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, khả thi với từng đối tác để thúc đẩy triển khai.

Thủ tướng: Tận dụng nhưng không được lợi dụng cơ hội ngoại giao kinh tế- Ảnh 3.

Thủ tướng nhấn mạnh cần luôn giữ thăng bằng, "thắng không kiêu, bại không nản", giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, kiên trì (Ảnh: VGP).

Thứ hai, cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (thương mại, đầu tư, tiêu dùng), đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…).

Ngoài ra, phải khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Cần nghiêm túc rà soát, theo dõi và thúc đẩy quá trình triển khai các cam kết với các đối tác quốc tế.

Cuối cùng đó là đẩy mạnh huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước. Phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kiều bào được đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, trở thành một chủ thể quan trọng trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới.

Một trong những biện pháp mà Thủ tướng nhắc tới đó là tổ chức thiết thực, hiệu quả diễn đàn trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài sắp tới để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước.

"Ngoại giao kinh tế phải có những đột phá trong năm 2024 với tinh thần: "Đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong sách lược, thống nhất trong nhận thức và hành động; cơ hội phải nắm bắt, vướng mắc phải tháo gỡ, giải pháp phải đột phá, triển khai phải quyết liệt, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm và bền vững", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.