Chính trị

Thường trực Ban Bí thư: DN Việt phải chiếm lĩnh được thị trường bán lẻ

02/08/2019, 13:47

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đặt vấn đề, dù hội nhập quốc tế nhưng DN Việt Nam phải chiếm lĩnh được thị trường bán lẻ trong nước.

img
Ông Trần Quốc Vượng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới

Tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận những kết quả đã làm được của Cuộc vận động, như việc nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong hệ thống phân phối; tỷ lệ người dân khẳng định sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam (qua điều tra xã hội học) tăng dần qua các năm (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%”...

“Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định cuộc vận động là chủ trương đúng, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về sản xuất và tiêu dùng hàng hóa Việt Nam; đồng thời, tạo nên diện mạo mới về hàng Việt trên thị trường, khẳng định sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam”, Thường trực Ban Bí thư nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Vượng cũng cho rằng việc triển khai cuộc vận động còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành các cấp chưa quan tâm đúng mức triển khai cuộc vận động. Ban chỉ đạo địa phương chưa chủ động tham mưu cấp ủy thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cuộc vận động này.

Về nội dung, hình thức tuyên truyền “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, theo đánh giá của Thường trực Ban Bí thư, là chưa đổi mới nhiều. Một số chương trình quảng cáo hàng Việt trên báo chí chưa bảo đảm định hướng, nhiều gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động chưa được nhân rộng. Cá biệt, ông Vượng lưu ý có những bài báo, do nguyên nhân khác nhau, đánh thẳng vào mặt hàng truyền thống của người Việt.

Ông Vượng cũng lưu ý cần đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. Bởi đây là vấn đề rất nhức nhối, đánh vào uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất trong nước.

Đặc biệt, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, một đất nước có tới gần 100 triệu dân thì thị trường rất lớn, khâu bán lẻ phải hết sức chú ý. "Chúng tôi nhiều lúc thấy thông tin rất giật mình là hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều bị người nước ngoài thôn tính. Dĩ nhiên hội nhập quốc tế, nhưng làm sao người Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Nếu người nước ngoài vào đây phải có điều kiện gì chứ?”, ông Vượng đặt vấn đề.

Theo ông Vượng, trong thời gian tới, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu, cạnh tranh hàng hoá, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn nhất là khi thực hiện theo các thoả thuận, hiệp định đa phương, song - Việt Nam đã ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại. Rồi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ cũng tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân. Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng. Vì thế, cuộc vận động cần phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.