Hàng hải

Thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc phải được đào tạo những gì?

14/02/2024, 17:17

Tại Thông tư 57/2023 vừa ban hành, Bộ Giao thông vận tải bổ sung chương trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện nâng cao cho thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc.

Thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc phải được đào tạo những gì?- Ảnh 1.

Chương trình đào tạo thuyền viên, hoa tiêu hàng hải bổ sung chương trình huấn luyện cơ bản và huấn luyện nâng cao cho thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc (Ảnh minh họa).

Theo đó, các chương trình huấn luyện được xây dựng theo các yêu cầu cơ bản của Bộ luật quốc tế về an toàn tàu cao tốc (Bộ luật HSC 2000) và các sửa đổi về huấn luyện cho thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc. Các cơ sở đào tạo căn cứ vào từng khoá đào tạo cụ thể, loại tàu, cỡ tàu và tuyến hành trình để xây dựng nội dung huấn luyện phù hợp.

Ở mỗi chương trình huấn luyện, thuyền viên được đào tạo những kiến thức khác nhau để đáp ứng đủ tiêu chuẩn khi làm việc trên tàu cao tốc.

Cụ thể, với các học viên sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản phải được trang bị đầy đủ các kiến thức cơ bản để làm việc an toàn trên tàu cao tốc như thiết bị cứu sinh trên tàu cao tốc; lối thoát hiểm và hệ thống sơ tán người trên tàu cao tốc; hệ thống cứu hỏa trên tàu cao tốc; hệ thống chống ngập trên tàu cao tốc; hoạt động làm hàng trên tàu cao tốc và các phương pháp liên lạc và kiểm soát hành khách trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, còn có kiến thức về vị trí và cách sử dụng các thiết bị khác được liệt kê trong sổ tay huấn luyện.

Đối với thuyền viên tham gia khóa học nâng cao, sau khi hoàn thành chương trình phải nắm được các kiến thức như kiến thức về hệ thống động lực và máy phụ; chế độ sự cố hệ thống điều khiển, máy lái và động lực; hệ thống thiết bị hàng hải; các đặc tính điều khiển tàu và giới hạn khai thác; các quy trình buồng lái.

Ngoài ra, thuyền viên phải có hiểu biết, tính được ổn định của tàu trong các điều kiện tải trọng khác nhau, cũng như hiểu biết về các thiết bị an toàn trên tàu, lối thoát hiểm và hệ thống sơ tán hàng hải. Ngoài ra, nắm được các hoạt động làm hàng trên tàu cao tốc, cùng các phương pháp liên lạc và kiểm soát hành khách trong trường hợp khẩn cấp.

Riêng với các chương trình nâng cao, học viên tham gia khoá học phải đáp ứng những điều kiện như hoàn thành chương trình huấn luyện nghiệp vụ cơ bản thuyền viên làm việc trên tàu cao tốc, có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, sỹ quan hạng tương đương hoặc cao hơn với cấp của tàu cao tốc mà học viên dự định tham gia học để nhận chứng chỉ.

Bên cạnh đó, đối với tàu cao tốc sử dụng động cơ tuabin khí, các sĩ quan máy phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình huấn luyện về tuabin khí đã được phê duyệt cho loại máy tương tự trang bị trên tàu cao tốc.

Đáng chú ý, quy định cho phép các cơ sở đào tạo, huấn luyện được tổ chức dạy trực tuyến, đáp ứng xu hướng số hóa. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo chỉ được phép tổ chức đào tạo trực tuyến các nội dung lý thuyết phù hợp nếu có trang bị hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến. Số giờ học trực tuyến không vượt quá 30% tổng số thời lượng của chương trình.

Các giảng viên, huấn luyện viên phải có kinh nghiệm tối thiểu 3 tháng làm việc trên tàu cao tốc tương tự hay tương đương với loại tàu mà thuyền viên dự định tham gia học hoặc có giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ nâng cao tàu cao tốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.