Xã hội

Tiết kiệm 25.600 tỷ đồng nhờ tinh giản biên chế, dành để tăng lương

04/11/2022, 16:06

Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà bắt đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tiết kiệm 25.600 tỉ đồng từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế

Tại phiên chất vấn chiều 4/11, đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về tác động của hoạt động tinh giản biên chế tới việc cải cách tiền lương. Ngoài ra, đại biểu cũng chất vấn nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cục bộ một số lĩnh vực tại địa phương.

img

Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu)

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua, cả hệ thống đã sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại, giảm đơn vị hành chính cấp huyện, xã; giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách... Mục tiêu là cải cách hệ thống bộ máy, cải cách đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, dành ra được nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.

Theo Bộ trưởng Nội vụ, giai đoạn 2019- 2021 đã tiết kiệm hơn 25.600 tỷ đồng, nguồn này được đưa vào cải cách tiền lương. "Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế tác động rất rõ, tạo ra nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương", Bộ trưởng nói, cho biết tới đây tiếp tục việc này để có nguồn lực cải thiện đời sống người lao động khu vực công.

img

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Còn 7.700 biên chế viên chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) hỏi, hiện nay nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa được giao biên chế sự nghiệp nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, như thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng. Phương án giải quyết vấn đề này là gì?

Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, một số cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng lại giao biên chế viên chức đã tồn tại từ rất lâu, chủ yếu ở các đơn vị có khả năng tự chủ.

Quá trình phối hợp giữa Bộ Nội vụ với các đơn vị chức năng của các bộ ngành như Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường chưa chặt chẽ. Vì vậy, hiện toàn quốc còn khoảng 7.700 biên chế viên chức nhưng đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Các bộ có hơn 2.000 người, địa phương hơn 5.000 người, chủ yếu rơi vào ngành nông nghiệp, kiểm lâm, kiểm ngư. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế xem xét, đánh giá cụ thể, để chuyển đổi biên chế từ viên chức sang công chức. "Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ tham mưu sớm về vấn đề này", bà Trà nói.

img

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn)

Xếp loại cán bộ còn nể nang, ngại va chạm

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) nêu thực trạng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức viên chức hiện nay chưa thực chất, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Ông đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp đánh giá cán bộ chính xác, hiệu quả.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đánh giá cán bộ nên kết quả có chuyển biến tích cực. Năm 2021, số cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 22%, trong khi trước đó là 30%; số không hoàn thành nhiệm vụ từ 1,7% những năm xuống chỉ có 0,5-0,6%.

Tuy nhiên, bà Trà cũng thừa nhận, về tổng thể, việc đánh giá chưa sát với thực tiễn, chưa căn cứ vào sản phẩm, kết quả, như đại biểu nêu.

Để đánh giá kết quả công việc tốt hơn, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng cần hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, liên thông quy định của Đảng theo hướng xuyên suốt, đa chiều; tập trung hoàn thành xác định vị trí việc làm, khung năng lực làm cơ sở đánh giá cán bộ, công viên chức.

Bộ, ngành địa phương căn cứ vào quy định để xếp loại, đánh giá công khai, công bằng, làm động lực cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, cơ quan đơn vị cũng cần ứng dụng công nghệ để việc đánh giá cán bộ được hiệu quả, minh bạch, công bằng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.