Đô thị

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?"

28/11/2023, 13:39

Chi phí đầu tư phương tiện “xanh” rất lớn, gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, đây được cho là khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Đúng 14h chiều nay (28/11), Báo Giao thông tổ chức tọa đàm dưới hình thức trường quay ảo, phát trực tiếp trên Fanpage Báo Giao thông và Báo Giao thông điện tử bàn về chủ đề: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?".

Mời độc giả xem trực tiếp tọa đàm:

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, kế hoạch xanh hóa xe buýt

Trước khi kết thúc buổi toạ đàm, người điều phối chương trình lược lại vấn đề: Qua một thời gian trao đổi dù không dài nhưng chúng ta đã làm nổi bật được hiện trạng, giải pháp phát triển xe buýt xanh tại Thủ đô.

Chia sẻ quan điểm về giải pháp để Hà Nội có thể đạt được mục tiêu chuyển đổi phương tiện cộng xanh, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, về phía hiệp hội, chúng tôi khẳng định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và cơ quan chức năng để lộ trình chuyển đổi xe buýt xanh, sạch của thành phố Hà Nội sớm thực hiện.

Để đảm bảo tính khả thi cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan có thẩm quyền và sự chủ động tích cực của doanh nghiệp.

Cùng chia sẻ, ông Phạm Đình Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và mục tiêu của thành phố, với chức năng nhiệm vụ của cơ quan ham mưu, Tramoc cũng đề ra một số nhiệm vụ triển khai trong thời gian trước mắt.

"Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác truyền thông, một số nhóm giải pháp cũng cần thực hiện, đó là: nhóm cơ chế chính sách thông qua việc đánh giá tổng kết các chương trình, kết hoạch thực hiện của thành phố; Nhóm uy động nguồn lực; Nhóm triển khai cơ sở hạ tầng và một số giải pháp khác như: tăng cường ứng dụng công ghệ, giao thông thông minh, thẻ vé điện tử. 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kế hoạch xanh hóa xe buýt của Thủ đô mới đảm bảo được tính khả thi theo đúng kế hoạch đề ra", ông Tiến nói.

Chưa làm rõ với ngành điện thì chưa trả lời được câu hỏi về tỷ lệ phát triển xe buýt điện

Đề cập đến vấn đề trạm sạc phục vụ xe buýt năng lượng sạch, xe buýt điện trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, người có thể trả lời cụ thể nhất câu hỏi này là ngành năng lượng. 

"Hiện nay, các tuyến xe buýt hoạt động trong khu vực nội thành là chủ yếu. Từ thực tế đó, chúng ta cần làm việc với ngành năng lượng để xem xét khả năng cung ứng điện cho các depot ở khu vực nội thành ra sao, quy hoạch, lộ trình triển khai của ngành điện trên địa bàn Hà Nội thời gian tới thế nào. Chừng nào chưa làm rõ với ngành điện, chúng ta sẽ chưa trả lời được phát triển phương tiện điện đến mức nào, tỷ lệ phát triển đến đâu", ông Hải nói.

Trước câu hỏi về chính sách trợ giá, tài chính, ưu đãi vay, các chính sách của nhà nước để doanh nghiệp mua được phương tiện với giá rẻ hơn, chính sách nào sẽ là căn cơ?, ở góc độ hiệp hội, ông Hải cho biết NQ 07 đã ban hành có nhiều chính sách hấp dẫn, đã được duy trì và tiếp tục trợ giá cho các phương tiện công cộng.

Còn lại, làm sao cho các doanh nghiệp trên nền tảng chính sách đó vận hành theo tiêu chí của Nhà nước, bảo đảm chất lượng dịch vụ, song hành với chính sách này thì cần có bộ chế tài quản lý như đơn giá định mức. 

"Phải làm sao để bộ đơn giá định mức đưa ra những cấu phần hợp lý, các chi phí đầu tư về công nghệ, đặc thù mới của công nghệ, phù hợp với chất lượng dịch vụ yêu cầu... Như thế, các doanh nghiệp sẽ vận hành đúng với yêu cầu của TP, đủ để đầu tư, tái đầu tư, quản lý tốt việc vận hành", ông Hải nói.

Phía Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành cho biết, cơ chế chính sách trợ giá tại TP. HCM khác so với Hà Nội, do đó, kết quả vận hành của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau.

Ngoài ra, theo ông Tiến, trong định mức kinh tế kỹ thuật của xe buýt cỡ lớn đã đưa chi phí đầu tư khoa học công nghệ vào trong giá thành. Đây là cơ chế rất mạnh mẽ để khuyến khích đầu tư phương tiện xanh dành cho các doanh nghiệp.

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 2.

Xe buýt điện sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ để góp phần phát triển hệ thống phương tiện công cộng xanh.

Hà Nội đang tập trung nghiên cứu để phát triển xe buýt điện cỡ nhỏ và trung bình

Liên quan tới cơ cấu và chủng loại phương tiện, ông Đạt cho rằng, với buýt hiện tại có nhiều kích thước khác nhau. Còn buýt điện mới có một kích cỡ. 

Trao đổi quan điểm về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, chúng ta phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất.

Thành phố Hà Nội đang có những rà soát về quy hoạch thành phố, ngành giao thông cũng có rà soát về việc vận tải, mạng lưới giao thông. Xương sống của ngành giao thông hiện nay là 19 mạng lưới đường sắt. Tốc độ phát triển của các mạng lưới đều đang rất mạnh và ta đang chờ sự thay đổi của các mạng lưới để vận động theo.

"Trong tương lai gần ta cần nhiều xe buýt cỡ vừa và nhỏ để gom cho các tuyến trục. Tuy nhiên, đây là điều gây ảnh hưởng tới lộ trình đặt ra nên ta phải vừa làm vừa rà soát, điều chỉnh phù hợp. Ta có thể có những kế hoạch, kịch bản để khi cần có sự thay đổi phù hợp", ông Hải nói.

Về câu hỏi "có nên quy hoạch bổ sung thêm các loại phương tiện xanh, sạch cỡ trung và cỡ nhỏ để người dân tiếp cận vận tải hành khách công cộng xanh, sạch thuận lợi hơn thay vì mới chỉ có xe buýt xanh cỡ lớn đang vận hành trên các tuyến đường trục chính hay không?", ông Đỗ Phan Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, hiện nay mới hoàn thành xong định mức cho xe buýt điện cỡ lớn còn cỡ nhỏ và trung bình chưa có do chưa có phương tiện hoạt động.

Song ông Phan Anh cho rằng việc có thêm xe buýt cỡ trung và nhỏ rất cần thiết để trung chuyển hành khách đến các tuyến buýt trục chính, trong bối cảnh hệ thống đường sá ở Hà Nội có nhiều tuyến phố, ngõ nhỏ, xe buýt lớn không thể lưu thông.

Hiện nay, Sở GTVT Hà Nội cũng đang giao Trung tâm quản lý Giao thông công cộng Hà Nội rà soát lại mạng lưới buýt, trong đó tập trung nghiên cứu để phát triển thêm loại hình buýt cỡ nhỏ và trung bình.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội cho biết, trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách GTCC, Trung tâm đã xây dựng lộ trình căn cứ trên hiện trạng mạng lưới tuyến.

Hiện trong tổng số 132 tuyến buýt có trợ giá, số tuyến buýt nhỏ chiếm khoảng 25-30%, căn cứ thời gian đấu thầu tuyến búyt, sau 10 năm sẽ phải thay phương tiện.

Trung tâm đã lồng ghép nội dung này vào kế hoạch, ngoài ra, hàng năm trung tâm cũng thông báo để doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực và các điều kiện cần thiết để chuyển đổi phương tiện, cùng với sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng quan điểm với ông Phan Anh, ông Tiến cũng cho rằng khi có xe buýt điện cỡ nhỏ và cỡ trung tham gia vào mạng lưới tuyến buýt, sẽ triển khai xây dựng định mức kinh tế cho phương tiện này hoạt động.

Ba nguyên tắc phát triển phương tiện vận tải công cộng

Theo người điều phối tọa đàm, qua trao đổi có thể thấy, thời gian qua, cơ quan quản lý rất tích cực trong xây dựng ban hành cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp thúc đẩy phương tiện vận tải công cộng xanh cùng các doanh nghiệp với tỷ lệ hiện tại là tương đối khả quan.

Song, cũng phải thừa nhận, mục tiêu Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu của TP Hà Nội là khá cao. Thực hiện mục tiêu ấy đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp.

Chuyển sang phần hai của tọa đàm về đề xuất các cơ chế chính sách liên quan, ông Đạt đặt câu hỏi đầu tiên đến đại diện Tramoc "định hướng cơ cấu tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh của Hà Nội trong thời gian tới thế nào?".

Trả lời câu hỏi, ông Tiến cho biết, cho đến nay, căn cứ nguồn lực thực tế và so sánh, đánh giá các yếu tố: hạ tầng, nguồn vốn, quy hoạch, cơ chế hỗ trợ, Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản phát triển phương tiện VTCC.

Mặc dù vậy, việc xác định cơ cấu tỷ lệ chính xác giữa các loại phương tiện là rất khó. Việc này sẽ được xác định sẽ linh hoạt theo từng giai đoạn/thời kỳ.

"Tramoc cũng sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi của từng năm để thông báo các đơn vị vận hành biết, chuẩn bị. Tựu trung lại, chúng tôi sẽ vẫn bám sát mục tiêu kế hoạch đề ra đến năm 2035, khoảng 90% tổng phương tiện xe buýt trên địa bàn thủ đô sẽ chuyển sang năng lượng sạch", ông Tiến nói.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Đỗ Phan Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, để việc triển khai trên cơ sở hàng năm bảo đảm linh hoạt, bám sát với quyết định, Sở cũng xây dựng 3 nguyên tắc.

Thứ nhất, việc từ sử dụng buýt điện hay xanh phải đảm bảo điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng, khả năng cung cấp điện, năng lượng xanh tại khu vực này, ưu tiên chuyển đổi về đô thị trung tâm.

Nguyên tắc thứ hai là các tuyến buýt mới ưu tiên chuyển đổi năng lượng sạch, việc chuyển đổi các phương tiện này có phạm vi hoạt động ở khu vực trung tâm, kết nối với các thành phố lớn.

Thứ 3 đảm bảo tính hiệu quả, hạn chế gây xáo trộn việc đi lại của hành khách, bảo đảm cân đối nguồn lực, hiệu quả cân đối của nhà nước.

Có những rào cản doanh nghiệp không tự giải quyết được, cần hỗ trợ của Nhà nước

Đánh giá về sự tích cực tham gia của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xe buýt điện, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ chuyển đổi phương tiện xanh, sạch, chất lượng dịch vụ mới nhằm tăng sản lượng, doanh thu.

Song họ cũng gặp nhiều rào cản mà bản thân họ không thể giải quyết được mà cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, của TP Hà Nội, đặc biệt là về chính sách như hỗ trợ vốn, lãi vay, …

Phía doanh nghiệp rất mong mỏi và phía UBND TP Hà Nội cũng đang khẩn trương triển khai hướng dẫn kịp thời theo Quyết định của Thủ tướng cũng như Nghị quyết của TP.

Đối với hỗ trợ lãi suất, Sở GTVT Hà Nội đang hoàn tất các thủ tục để trình UBND thành phố xem xét.

Trả lời thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, tất cả chủ trương, chính sách khi ban hành đều có sự đồng hành cùng doanh nghiệp.

Trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp trong thay đổi tư duy, phương thức quản lý để tạo ra mặt bằng chung trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, để không còn sự so sánh đi xe buýt tuyến này tốt tuyến kia không tốt trong tâm lý người dân.

Hiện nay, Thành phố và Sở GTVT Hà Nội cũng đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các doanh nghiệp, đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp nhìn nhận lại để có những giải pháp đổi mới tư duy, phương thức quản lý cũng như ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân tốt hơn.

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 3.

Ông Đỗ Phan Anh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội.

Bổ sung ý kiến, ông Đỗ Phan Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, Sở GTVT Hà Nội sẽ có buổi làm việc với các doanh nghiệp xe buýt để tuyên truyền quyết định 876 đã ban hành; đồng thời nắm bắt tâm tư, vướng mắc. 

"Cái gì liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chúng tôi sẽ đồng hành tháo gỡ. Vấn đề gì nhiệm vụ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần nỗ lực làm", ông Phan Anh nói.

Kế hoạch đưa ra không nên đặt câu hỏi nghi ngờ

Nêu vấn đề, xanh hóa xe buýt hiện đại mới đạt được 13,6%. Trong khi đó, mục tiêu Quyết định 876 đặt ra và mục tiêu TP Hà Nội đặt ra rất cao, người điều hành tọa đàm đặt câu hỏi đến đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội về tính khả thi trong thực hiện mục tiêu? Để làm được điều đó, cần giải pháp nào mang tính căn cơ?

Trả lời câu hỏi, ông Tiến cho biết, thành phố đã phân ra các giai đoạn, lộ trình phù hợp với nguồn lực của TP để đảm bảo tính khả thi cao nhất là phục vụ hành khách, ổn định doanh nghiệp. Khi xây dựng kế hoạch, Sở Giao thông cũng tính toán, làm việc với các cơ quan ban ngành, đưa ra các kịch bản với các mức khác nhau.

Trong đó, kịch bản cao là 100% chuyển sang buýt điện. Kịch bản thấp hơn có 70% buýt điện và 30% các phương tiện sử dụng các nguồn năng lượng sạch như CNG, LNG. Kịch bản thấp là 50% buýt điện và 50% sử dụng nhiên liệu CNG, LNG. Tương ứng mỗi kịch bản có những nguồn lực khác nhau.

Nguồn lực cho kịch bản thấp nhất, và kịch bản cao sẽ sử dụng nguồn lực cao gấp 2, thậm chí gấp 3, 4 lần.

Theo định hướng, thành phố vẫn ưu tiên chuyển đổi sang buýt điện. Nhưng với hạ tầng như hiện nay, đòi hỏi hoàn chỉnh ngay có thể chưa khả thi.

Các kịch bản cũng linh hoạt. Hàng năm trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra các kịch bản và Sở sẽ có kế hoạch để thực hiện bao nhiêu % buýt điện , bao nhiêu là nhiên liệu CNG để phù hợp với lộ trình và mục tiêu, phấn đấu đến 2030, 2035 để đạt được mục tiêu.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nói: "Tôi nghĩ khi kế hoạch đưa ra không nên đặt câu hỏi nghi ngờ. Nên vận động để thực hiện vì đây là lộ trình đã có sự cân nhắc, linh hoạt của ngành vận tải. Nhưng để khả thi còn nhiều vấn đề như đã bàn. Việc chuyển đổi phương tiện cần sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan từ điện, tài chính, công nghệ kèm theo, depot chuyển... Phải đổi đồng bộ mới vận hành được hiệu quả tối đa.

Chúng tôi cũng cho rằng chúng ta mới nhìn vào nhiên liệu sạch như CNG, LNG, điện, nhưng các công nghệ động cơ hiện nay đang thay đổi hàng ngày, nhiều loại đang ra đời. Chúng ta cần có cái nhìn lạc quan về công nghệ thay đổi, và với sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, ta sẽ đạt được lộ trình này", ông Hải nói.

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 4.

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm.

Rào cản lớn nhất đến sản lượng hành khách là đặc thù giao thông Thủ đô

Đề cập đến vấn đề truyền thông, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội khẳng định, truyền thông là công tác rất quan trọng trong phát triển phương tiện VTCC và được Sở GTVT Hà Nội tham mưu là một trong những giải pháp cơ bản đầu tiên trong kế hoạch phát triển xe buýt năng lượng sạch.

Trước câu hỏi về nguyên nhân khiến tỷ lệ hành khách sử dụng phương tiện xe buýt năng lượng sạch hiện nay vẫn thấp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, sản lượng hành khách là vấn đề mạng lưới vận tải công cộng nói chung, chung, không chỉ xe điện.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng hành khách tham gia như: hạ tầng, mạng lưới, chất lượng phương tiện, thái độ phục vụ…

Cũng cần phải nhấn mạnh, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hiện nay chính là đặc thù giao thông Thủ đô.

"Tạm bỏ qua câu chuyện xe đẹp, xe xấu, nếu xe buýt chạy nhanh, chạy đúng giờ, đảm bảo đúng tốc độ vận hành, giờ theo biểu đồ, lượng khách sẽ tăng lên rất nhiều.

Có thể thấy, thời gian qua, tỷ lệ công,viên chức đi xe buýt có nhích lên nhưng vẫn thấp. Đây là những người có yêu cầu cao về giờ giấc. Xe buýt cải thiện tính đúng giờ được sẽ thu hút được nhiều hơn thành phần hành khách này.

Trong giải pháp tổng thể, chúng ta phải tạo điều kiện cho xe buýt vận hành trong giao thông hỗn hợp. Làm giao thông chung có thể ùn nhưng làn xe búyt cần được đảm bảo lưu thông thông suốt.

Đẩy mạnh chuyển đổi số cũng sẽ là giải pháp mang lại bộ mặt mới cho công tác quản lý, chất lượng dịch vụ xe buýt nói chung, xe buýt sử dụng năng lượng sạch nói riêng. 

Như ngày hôm nay thành phố khai trương dịch vụ thẻ vé điện tử, nó sẽ tạo nên sự hấp dẫn. Nói một cách khác, nếu chúng ta chọn được những cái trọng yếu để tập trung phát triển sẽ mang lại lượng hành khách lớn cho xe buýt", ông Hải nói.

"Nhận định xe buýt điện chưa chắc đã xanh sạch là không chính xác"

Bước sang phiên thảo luận về "Cách nào xanh hóa đoàn phương tiện xe buýt ở Hà Nội theo đúng lộ trình", trước những lo ngại về việc, xe buýt điện tại Hà Nội đã thực sự là phương tiện xanh, sạch hay chưa, ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, đây là không chỉ là phương tiện xanh, sạch mà còn mang lại hiệu suất cao, ứng dụng công nghệ thông minh, giảm ô nhiễm, giảm tiếng ồn.

Đồng thời cho rằng, đặt vấn đề xe buýt điện xanh, sạch chưa tại thời điểm hiện nay không phù hợp. Rõ ràng, hiện nay, TP Hà Nội và nhân dân đều rất cần phương tiện này, ông Hải cho rằng, cần nỗ lực đẩy nhanh đưa phương tiện này vào vận hành rộng khắp Thủ đô, kiên trì với phương hướng đã đặt ra tại Quyết định 876 của Chính phủ.

"Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục cập nhật, theo dõi các diễn biến, tác động trong quá trình triển khai, để có những bổ sung, điều chỉnh cho hợp lý, tạo thuận lợi cho sự phát triển của loại hình phương tiện này", ông Hải nói.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý GTCC Hà Nội cho rằng, nhận định xe buýt điện chưa chắc đã xanh sạch là không chính xác.

Ngay cả trong hoạt động sản xuất, xử lý pin xe điện, nhà sản xuất cũng phải tuân thủ đáp ứng các tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như toàn cầu.

Bổ sung thêm ý kiến về vấn đề này, ông Hải cho rằng, lo ngại có lẽ bắt nguồn từ việc nguồn điện sử dụng cho các xe buýt điện hiện nay, có lẽ vẫn chưa hoàn toàn sử dụng nguồn điện bằng năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện nay Chính phủ cũng rất quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh sản xuất nguồn điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, do đó, thay vì phán xét, cần quan tâm đưa càng nhiều phương tiện xanh, sạch vào vận hành trong mạng lưới xe buýt Thủ đô hiện nay để người dân có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ xanh, sạch, chất lượng.

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 5.

Lượng khách đi xe buýt điện có chiều hướng gia tăng nhưng tỷ lệ còn thấp so với mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ lãi suất vay

Theo người điều phối tọa đàm, đơn giá định mức đóng vai trò quan trọng trong phát triển phương tiện VTCC nói chung, phương tiện xanh nói riêng. Vậy việc rà soát sửa đổi đơn giá định mức đang được thành phố Hà Nội triển khai đến đâu?

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo, Tramoc đã tham mưu Sở GTVT trình UBND Thành phố phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện hạng lớn. Trung tuần tháng 11/2023, thành phố đã ban hành đơn giá chi phí vận hành cho xe buýt điện hạng lớn.

Để có cơ sở triển khai xanh hóa xe buýt giai đoạn kế tiếp, trong chương trình kế hoạch năm 2023, Tramoc đã đề xuất triển khai xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho xe buýt điện trung bình và hạng nhỏ.

Liên quan đến chính sách, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, chính sách gần nhất TP Hà Nội đã triển khai để phát triển phương tiện VTCC là theo Nghị quyết 07 của HĐND Thành phố. Ngoài cơ chế liên quan đến đấu thầu, đặt hàng còn có chính sách liên quan đến lãi vay.

"Song, thực tế, việc tiếp cận lãi vay của doanh nghiệp còn hạn chế. Tôi được biết, cho đến nay mới chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ và cũng chưa được sở, ngành hướng dẫn cụ thể.

Để chính sách vào cuộc sống, chúng tôi mong cơ quan chức năng có thông tin hướng dẫn doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi hiện nay cũng nên được rà soát, cập nhật để các phương tiện sạch được đưa vào hoạt động nhiều .

Tôi cũng được biết trong quỹ đầu tư của Thành phố có hợp phần đầu tư cho phát triển vận tải công cộng. Doanh nghiệp rất cần thông tin cơ quan chức năng để tiếp cận sự hỗ trợ này một cách dễ dàng", ông Hải nói.

Nói về chính sách ban hành, theo ông Tiến, trong Nghị quyết 07 ban hành vào năm 2019, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay cho các đơn vị đầu tư phương tiện sử dụng năng lượng xanh, đầu tư cơ sở hạ tầng sử dụng nhiên liệu sạch.

Đại diện Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội thông tin, Sở GTVT đang chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn trên cơ sở Nghị quyết của HĐND thành phố. Sở cũng đang xin ý kiến của các cơ quan liên ngành để sau khi thống nhất sẽ trình Thành phố ban hành cơ chế hướng dẫn, triển khai cho các doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch.

Ba khó khăn, rào cản khi chuyển đổi phương tiện xanh, sạch

Từ chia sẻ của các khách mời, ông Lê Văn Đạt - người điều phối tọa đàm nhận định, xanh hóa xe buýt mang lại nhiều lợi ích và tiếp tục đặt câu hỏi: "Dưới góc độ các nhà quản lý, đâu là khó khăn về cả chủ quan và khách quan?".

Theo ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt sang phương tiện xanh, sạch có nhiều khó khăn. Có thể kể đến ba thách thức chính.

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 6.

ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội.

Thứ nhất là vốn đầu tư. Theo tính toán, chi phí đầu tư phương tiện xanh cao gấp 2,4 lần so với xe buýt truyền thống sử dụng diesel. Chi phí này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực của doanh nghiệp. Kèm theo đó là nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng liên quan đến trạm sạc điện, hệ thống trạm biến áp, nguồn cấp điện, hệ thống điều khiển.

Thách thức thứ hai là việc chuyển đổi đòi hỏi triển khai đồng bộ quy hoạch điện từ trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu, chiến lược xây dựng hạ tầng sạc điện cung cấp cho phương tiện xanh

Thứ ba là hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa hiện nay chưa có cơ chế hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh cho phương tiện, phục vụ quá trình chuyển đổi xe buýt xanh.

Sở GTVT đã làm việc với tổng công ty Điện lực TP HN và Tổng công ty khí VN để trao đổi, khảo sát, tính toán nguồn cấp điện làm cơ sở cho lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh

Qua các thông tin trao đổi cho thấy, các công ty điện lực cũng có những giải pháp phục vụ trước mắt cho kế hoạch chuyển đổi đến năm 2030.

Phía Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng cho biết, có ba rào cản đối với phát triển xe buýt xanh đó là: cơ chế chính sách, nguồn lực chuyển đổi phương tiện, hạ tầng (nguồn điện, trạm sạc).

Trong đó, để xây dựng hạ tầng nguồn điện, trạm sạc cho phương tiện xanh, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của ngành điện, các depot của xe buýt điện đều cần hệ thống sạc rất lớn đủ cho đoàn xe hoạt động 2 ca/ngày; trạm biến áp sử dụng cũng phải là trạm biến áp trung áp.

Do đó, cần phải đưa vào quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho phương tiện xanh để đủ đáp ứng nhu cầu cho mạng lưới xe buýt xanh và cả các phương tiện khác.

Với lộ trình chuyển đổi 2.000 xe buýt điện trong 15 năm, trung bình mỗi năm, Hà Nội phải thay thế 160 phương tiện, chưa kể tuyến mới khi đấu thầu, phương tiện cũng phải là xe xanh, sạch.

Hiện nay, ban ngày là cao điểm tiêu thụ điện nhưng khi toàn bộ xe buýt được chuyển đổi sang phương tiện năng lượng xanh thì ban đêm cũng là cao điểm sử dụng điện khi toàn bộ xe buýt sẽ sạc điện vào thời điểm này.

Theo ông Hải, bên cạnh cơ chế, chính sách cũng cần quan tâm đến đầu tư cho chuyển đổi công nghệ, nguồn nhân lực; và doanh nghiệp cần phải chủ động trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, cũng cần chọn lộ trình sao cho phù hợp, phương tiện nào hết hợp đồng, hết tuổi thọ thì mới chuyển đổi sang phương tiện mới sử dụng năng lượng xanh, sạch, sao cho giữ được ổn định trong hoạt động của mạng lưới.

Bổ sung ý kiến, ông Đỗ Phan Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, từ lúc tiếp cận Quyết định 876, chúng tôi đã nhận diện một số vấn đề như các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các văn bản pháp lý liên quan để triển khai loại hình mới. Cùng đó là nguồn lực đầu tư, như cơ chế chính sách, cơ chế đầu tư hạ tầng trạm sạc, các vấn đề về giao thoa trong chuyển đổi giữa phương tiện cũ và mới.

"Giai đoạn từ khi triển khai tới nay, Sở GTVT đã dần hình thành phương pháp, lộ trình chuyển đổi, cố gắng bám sát Quyết định 876", ông Phan Anh nói.

Cần có những điều chỉnh tuyến, xây dựng đơn giá mới

Ở góc độ Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, có thể nói, trong việc triển khai Quyết định 876 của Chính phủ, Sở GTVT Hà Nội đã đi đầu khá tích cực, đưa vào vận hành các phương tiện xanh, sạch. Hiện nay, tại Hà Nội đã có tuyến xe buýt sử dụng CNG và xe buýt điện.

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

Phương tiện xanh là phương tiện sử dụng nhiên liệu tái tạo, có hiệu suất cao, có ứng dụng công nghệ thông minh, có tác động tích cực, giảm thiểu tác hại cho môi trường.

Các phương tiện CNG và buýt điện do Hà Nội vận hành đã đem đến những hiệu ứng tích cực, được nhân dân tiếp nhận, bằng chứng là sản lượng tăng không ngừng, lượng khách đi lại thường xuyên cao.

Hiện nay, TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội cũng đã đưa vào một loạt những cơ chế để quản lý loại hình này, điển hình là Nghị quyết 07 đã có những chính sách ưu tiên cho các phương tiện năng lượng sạch.

Tuy nhiên, quá trình vận hành sẽ có nhiều vấn đề, cần tiếp tục điều chỉnh những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho sự phát triển của loại hình phương tiện này.

Đặc biệt, TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo, xây dựng ngay đơn giá định mức cho loại hình phương tiện mới, đây là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ từ đó quyết định lượng hành khách sử dụng.

Cùng đó, cần có những điều chỉnh tuyến, điều chỉnh mô hình quản lý (trong đó có quản lý vé).

Xe điện là điển hình cho phương tiện xanh khi không chỉ sử dụng năng lượng sạch mà còn có nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo thông minh, giảm phát thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Người dân Hà Nội có thích xe buýt điện?

Trả lời câu hỏi của người điều phối tọa đàm về việc đưa các phương tiện mới vào thay thế có ảnh hưởng tăng trưởng tới sản lượng hành khách hay không?, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, tỉ lệ sử dụng phương tiện năng lượng xanh của Hà Nội hiện nay khoảng 13,6%. Con số này còn khiêm tốn so với những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra.

Qua hơn 1 năm đưa các phương tiện vào sử dụng, chúng tôi nhận thấy nhân dân và hành khách đi buýt đều ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng dịch vụ. Xe buýt vận hành êm ái, không dầu mỡ, khí thải, bên trong có hệ thống âm thanh, đèn led, thái độ nhân viên lịch sự, thân thiện.

Thống kê cho thấy với 9 tuyến vận hành xe buýt điện, sản lượng đạt được năm 2023 khoảng 19,6 triệu lượt hành khách, tăng 16,9% so với kế hoạch năm 2023 và tăng 136% so với cùng kỳ.

Xe buýt Hà Nội đang xanh hóa

Với vai trò người điều phối tọa đàm, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và phân tích dữ liệu, Viện Chiến lược và phát triển GTVT, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc chuyển đổi phương tiện xe buýt từ nhiên liệu diezel sang xe điện, sử dụng năng lượng xanh là xu thế tất yếu đã được Chính phủ giao cho ngành GTVT. 

Tọa đàm: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 8.

Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và phân tích dữ liệu, Viện Chiến lược và phát triển GTVT - người điều phối tọa đàm.

Những năm gần đây, việc thúc đẩy, chuyển đổi sang xe buýt điện ở Hà Nội đã có những bước tiến mới khi tỷ lệ sử dụng buýt điện, xe CNG được các doanh nghiệp buýt trong cùng mạng lưới quan tâm, đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đưa thêm phương tiện vào vận hành.

Nhưng thực tế việc chuyển đổi đang gặp rất nhiều thách thức về khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp buýt, trợ giá, trạm sạc cho xe điện…

Trực tiếp: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia tọa đàm "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?".

Trả lời câu hỏi đầu tiên của tọa đàm về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội trình HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết 07/2019 về việc ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô,… áp dụng công nghệ cao trong công tác quản lý, điều hành GTVT.

Trong đó, ưu tiên sử dụng phương tiện sạch trong đấu thầu, đặt hàng, mở các tuyến xe buýt mới, cùng đó là các chính sách ưu đãi về lãi suất vay, đầu tư phương tiện. Đến nay, tại Hà Nội đã vận hành 10 tuyến xe buýt CNG, 9 tuyến xe buýt điện đầu tiên trên cả nước.

Ngày 22/7/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 876, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở GTVT Hà Nội báo cáo TP Hà Nội xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện diezel sang phương tiện sử dụng năng lượng xanh, sạch.

"Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỷ lệ chuyển đổi đạt 50-60%, dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi đạt 90-100%.

So với Quyết định 876, dự kiến TP Hà Nội đi sớm hơn 15 năm so với yêu cầu tại Quyết định này", ông Tiến nói.

Ông Đỗ Phan Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Hà Nội là thành phố triển khai Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, số lượng đoàn phương tiện xanh của Hà Nội đang nhiều nhất, chiếm ưu thế nhất. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo tích cực của cấp có thẩm quyền thành phố.

Trực tiếp: "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?" - Ảnh 3.

Toạ đàm "Hà Nội làm gì để xanh hóa xe buýt?".

Theo lộ trình về chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Song, thực tế hiện nay, Hà Nội có tới 2.034 xe buýt trợ giá nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện đạt 13,6% toàn mạng. Trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu diezel cần thay thế. 

Tuy nhiên, chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel đang là những khó khăn, thách thức lớn. Để thực hiện mục tiêu trên, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp.

Khách mời tham dự Tọa đàm:

Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng ATGT và phân tích cơ sở dữ liệu, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (điều phối tọa đàm).

Ông Đỗ Phan Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội.

Ông Phạm Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch - Vận hành, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.