Pháp đình

Bị cáo Trần Hùng nói "sẽ theo đuổi vụ án để bảo vệ danh dự" vẫn bị tuyên y án 9 năm tù

23/01/2024, 19:28

Cấp phúc thẩm xác định bị cáo Trần Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông qua Nguyễn Duy Hải nhận 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận, hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai.

Vì sao tòa án khẳng định ông Trần Hùng không oan?

Sau hai ngày xét xử, chiều muộn 23/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án ông Trần Hùng 9 năm tù về tội nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Công ty In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường (QLTT) 17 Hà Nội.

HĐXX chấp nhận kháng cáo, tuyên giảm án cho Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) từ 10 năm (sơ thẩm) còn 8 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Tương tự, bị cáo Lê Việt Phương (cựu cán bộ Đội QLTT số 17) được chuyển hình phạt từ 30 tháng tù giam (sơ thẩm) sang cho hưởng án treo. Nhiều bị cáo khác cũng được tòa chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt hoặc tuyên án treo.

Bị cáo Trần Hùng nói "sẽ theo đuổi vụ án để bảo vệ danh dự" vẫn bị tuyên y án 9 năm tù- Ảnh 1.

Ông Trần Hùng bị bác kháng cáo kêu oan, lĩnh y án 9 năm tù.

Theo bản án phúc thẩm, lời khai nhận tội của Cao Thị Minh Thuận và đồng phạm cơ bản phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm của các bị cáo, người làm chứng, người liên quan và hồ sơ vụ án.

Qua đó, HĐXX kết luận từ đầu năm 2020, Thuận và đồng phạm tổ chức sản xuất hơn 9 triệu cuốn sách giáo khoa giả, với tổng giá trị hơn 260 tỷ đồng. Sau đó, các bị cáo tiêu thụ được trên 6,3 triệu cuốn sách giả với tổng trị giá trên 164 tỷ.

“Với tôi, Tổ quốc, danh dự, phụng sự nhân dân là niềm cao quý nhất. Muốn chống hàng giả phải có người thật”, bị cáo Trần Hùng nói.

Quá trình tiêu thụ, nhóm của Cao Thị Minh Thuận được thanh toán khoảng 30 tỷ đồng. Trong vụ án, Thuận là người điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất sách giả, chỉ đạo một số bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.

Đối với bị cáo Trần Hùng, tại phiên phúc thẩm ông Hùng không thừa nhận cáo buộc về hành vi nhận hối lộ. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm kết luận sai phạm của ông Hùng dựa vào nhiều căn cứ.

Cụ thể, ông Hùng là người có chức vụ quyền hạn ở thời điểm xảy ra vụ án. Trong đợt kiểm tra kho sách lậu của Công ty Phú Hưng Phát, sau khi tiếp nhận nguồn tin, ông Hùng với tư cách là Tổ trưởng Tổ 304 đã bút phê xác minh thẩm tra nguồn tin để giải quyết.

Sau đó, ông Trần Hùng sử dụng xe của Tổng cục Quản lý thị trường cùng tổ công tác và Đội QLTT số 17 bắt quả tang hành vi của nhóm sản xuất sách giả liên quan Cao Thị Minh Thuận.

Theo lời khai của Lê Việt Phương (cựu cán bộ Đội QLTT số 17), ông Hùng là cấp trên đã có một số chỉ đạo. Ngoài ra, ông Hùng là người đại diện cho Tổng cục QLTT, nên cấp dưới như Phương phải chấp hành.

Kêu oan vì bảo vệ danh dự

Căn cứ vào lời khai của Lê Việt Phương cùng các cựu cán bộ Đội QLTT số 17 và một số bị cáo khác, trong đó có Cao Thị Minh Thuận, căn cứ vào các biên bản đối chất và những tài liệu thu giữ được, HĐXX nhận thấy ngày 9/7/2020, khi bị lực lượng QLTT phát hiện, ban đầu Thuận trình bày số sách mua lại từ người khác nhưng khi bị kiểm tra Thuận không xuất được hóa đơn.

Sau khi bị thu giữ sách, Cao Thị Minh Thuận nhiều lần liên lạc để nhờ ông Trần Hùng giúp đỡ công ty không bị xử lý hình sự, song bị ông Hùng từ chối. Đến giữa tháng 7/2020, Nguyễn Duy Hải (người môi giới hối lộ) mang 300 triệu đồng do Thuận đưa, đựng trong túi nylon màu đen rồi đến phòng làm việc của ông Trần Hùng.

Trên thực tế, bị cáo Thuận đã liên hệ với Lê Việt Phương để thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách. Quá trình xét xử, bị cáo Hùng không thừa nhận đã nhận hối lộ, nhưng ông Hùng thừa nhận việc Thuận đã thông qua Nguyễn Duy Hải để đặt vấn đề cám ơn Tổ 304.

Bị cáo Trần Hùng nói "sẽ theo đuổi vụ án để bảo vệ danh dự" vẫn bị tuyên y án 9 năm tù- Ảnh 2.

Luật sư của ông Trần Hùng xuất trình hàng loạt chứng cứ cho rằng ông Hùng bị oan. Song HĐXX không chấp nhận kháng cáo.

Cũng theo HĐXX, lời khai của hai nhân chứng là ông Nghiệp và ông Kim thể hiện khi Nguyễn Duy Hải đến phòng làm việc của ông Trần Hùng, các nhân chứng đã nhìn thấy Hải cầm túi màu đen. Sau đó, Hải gọi điện cho bà Thuận để trao đổi với ông Hùng.

Tòa phúc thẩm xác định lời khai của hai nhân chứng phù hợp với lời khai của các bị cáo Cao Thị Minh Thuận, Nguyễn Mạnh Hà và phù hợp với kết quả thực nghiệm điều tra, phù hợp diễn biến sự việc và kết quả trích xuất dữ liệu điện thoại của Hải.

Lời khai đó còn phù hợp với diễn biến khách quan của sự việc. Từ đó, tòa phúc thẩm khẳng định ông Trần Hùng sau nhiều lần từ chối đã đồng ý giúp Cao Thị Minh Thuận thay đổi lời khai.

Việc Thuận thay đổi lời khai đã làm thay đổi bản chất vụ việc nhóm cán bộ quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện số sách giả tại kho của Công ty Phú Hưng Phát. Thực tế sau đó, công ty của Thuận chỉ bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng.

Như vậy, cấp phúc thẩm kết luận bị cáo Trần Hùng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông qua Nguyễn Duy Hải nhận 300 triệu đồng từ Cao Thị Minh Thuận, hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai.

Ông Hùng còn chỉ đạo Lê Việt Phương xử lý nhẹ đối với hành vi của Thuận. Từ những căn cứ này, tòa phúc thẩm nhận thấy mức án 9 năm tù mà cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với ông Trần Hùng là tương xướng, không nặng.

Trước đó, trong lời nói sau cùng, ông Trần Hùng giãi bày trong hơn 10 năm công tác trên lĩnh vực quản lý thị trường, bản thân luôn trăn trở, mong muốn ngăn chặn, đẩy lùi hàng giả trên thị trường.

"Với tôi, Tổ quốc, danh dự, phụng sự nhân dân là niềm cao quý nhất. Muốn chống hàng giả phải có người thật", bị cáo Hùng nói và cho biết, ông khẳng định những việc làm của mình không hề vi phạm pháp luật.

Theo bị cáo Hùng, suốt quãng thời gian hơn 850 ngày đêm ở nơi tạm giam, ông luôn có niềm tin về việc bản thân không nhận hối lộ. "Tôi sẽ theo đuổi vụ án này để bảo vệ danh dự của tôi", ông Hùng quả quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.