Điều tra

Toàn cảnh vụ Chủ tịch An Giang bị bắt liên quan đường dây cát lậu

26/12/2023, 16:43

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan mỏ cát lậu lớn nhất nước, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn ra văn bản chỉ đạo khẩn chống "cát tặc" trên địa bàn.

Ngày 25/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam để điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Bình bị cáo buộc can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. 

Cơ quan điều tra xác định hành vi này giúp doanh nghiệp thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Toàn cảnh vụ Chủ tịch An Giang bị bắt liên quan đường dây khai thác cát lậu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị bắt liên quan đến vụ khai thác cát lậu lớn nhất từ trước đến nay.

Chỉ đạo khẩn "bảo vệ tài nguyên" trước khi bị bắt

Bốn tháng trước khi bị bắt, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình từng có chỉ đạo khẩn về "nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản" khi các cấp dưới vướng vòng lao lý liên quan đến cát lậu và nhận hối lộ.

Theo đó, ngày 25/8/2023, ông Bình ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu trên địa bàn tỉnh.

Khi đó, chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhìn nhận, dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu xây dựng, nhưng vẫn còn một số tổ chức, cá nhân sai phạm.

Do đó, chủ tịch tỉnh An Giang giao Sở TN&MT khẩn trương đo đạc, kiểm tra ngay địa hình đáy sông; đánh giá trữ lượng còn lại của tất cả các khu mỏ cát sông, dự án nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản; báo cáo quy trình cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, nạo vét kết hợp thu hồi khoáng sản.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản. Đề xuất chấm dứt ngay việc khai thác khoáng sản tại các khu vực không đủ điều kiện.

Chủ tịch tỉnh An Giang cũng yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương thành lập các chốt kiểm soát; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các hành vi khai thác khoáng sản không đúng quy định...

Lật ngược hồ sơ

Liên quan vụ án này, trước đó cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, với cáo buộc nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác cát vượt công suất. 

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cũng bị cáo buộc tội nhận hối lộ.

Trong hàng chục người đã bị khởi tố còn lại có 7 cựu cán hộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và Trung tâm quan trắc, bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ.

Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Trung Hậu 68, bị điều tra tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, đưa hối lộ và in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Theo điều tra ban đầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát cung cấp cho 4 công trình thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam. Mỏ cát khai thác nằm trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Chủ tịch Lê Quang Bình đã chỉ đạo khai thác tới hơn 4,7 triệu m3 cát, trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng. Công ty bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính với số cát khai thác vượt giấy phép 3,2 triệu m3 này.

Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, ông Bình cùng đồng phạm đã thông qua các công ty trung gian do mình thành lập để quản lý mua hóa đơn đầu vào khống. Số tiền thu được, Bình khai chi cho một số cán bộ.

Toàn cảnh vụ Chủ tịch An Giang bị bắt liên quan đường dây khai thác cát lậu - Ảnh 2.

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang bị bắt vì nhận 1,2 tỷ tiền hối lộ.

Trong các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam còn có Phùng Mỹ Luông, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Mỹ Luông. Bị can này đã thỏa thuận, chi tiền cho Lê Quang Bình để được khai thác cát, trái phép tại mỏ của Công ty Trung Hậu 68.

Từ đó, Phùng Mỹ Luông khai thác và bán trái phép 197.112m3 cát, thu lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.

Bị can khác là Phạm Quốc Văn, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại Văn Anh,  đã thỏa thuận, chi tiền cho Lê Quang Bình để được phép khai thác, bán trái phép cát tại mỏ của Công ty Trung Hậu 68.

Bước đầu xác định Văn bán trái phép 27.195m3 cát, thu lợi bất chính gần 2,8 tỷ đồng.

Toàn cảnh vụ Chủ tịch An Giang bị bắt liên quan đường dây khai thác cát lậu - Ảnh 3.

Từ trái qua phải, các bị can gồm: Lê Quang Bình, Nguyễn Việt Trí và Phùng Mỹ Luông.

Khai thác cát lậu quy mô lớn

Sau thời gian điều tra xác minh, công an đã làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Kết quả xác định, Công ty CP Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (trụ sở tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) do Lê Quang Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng 1.531.200m3 cát.

Theo đó, công ty này sẽ cung cấp cho 4 công trình gồm: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; công trình đường kênh Long Điền A-B và Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác 4.780.894m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công ty bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.

Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống để hợp thức nguồn gốc cát.

Toàn cảnh vụ Chủ tịch An Giang bị bắt liên quan đường dây khai thác cát lậu - Ảnh 4.

Nhiều xáng cạp và sà lan chở cát vẫn bị neo đậu tại mỏ cát thuộc xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Trước khi cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí, Thanh tra Chính phủ đã công bố thông báo kết luận thanh tra, trong đó có đề cập đến công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2020.

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn từ tháng 7/2011 - 12/2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khoáng sản cát sông tại khu vực không đấu giá nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản. Từ sau ngày 1/7/2011, An Giang gia hạn 15 giấy phép khai thác cát không đúng quy định.

Tỉnh này cấp 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng không xác định phục vụ riêng cho các công trình xây dựng sử dụng ngân sách nhà nước, công trình hạ tầng giao thông và công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới là không đúng quy định.

Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương không thực hiện việc kiểm kê trữ lượng cát tại các mỏ cát lòng sông đã cấp phép, không có biện pháp đảm bảo giám sát chặt chẽ khối lượng cát khai thác thực tế hằng năm tại các mỏ được cấp phép…

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm, hạn chế nêu trên thuộc về chủ tịch UBND tỉnh An Giang, phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011-2020 và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Mỏ cát hiện giờ ra sao?

Giữa tháng 8/2023, ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Và cũng từ đó, mỏ cát thuộc xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới đến nay vẫn nằm im bất động, các tàu cát là tang vật vụ án vẫn được niêm phong giữa sông.

Có mặt tại mỏ cát, PV Báo Giao thông ghi nhận có 13 xáng cạp múc cát dưới lòng sông đang trong tình trạng ngưng hoạt động. Nhiều sà lan chở cát giá trị hàng tỷ đồng cũng nằm im và chờ được xử lý theo quy định.

Toàn cảnh vụ Chủ tịch An Giang bị bắt liên quan đường dây khai thác cát lậu - Ảnh 5.

Người dân vẫn canh cánh nỗi lo sạt lở sau vụ khai thác cát lậu quy mô lớn.

Chị N (45 tuổi, ngụ xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, từ khi những người liên quan khai thác cát trái phép tại đây bị bắt, cũng từ đó cho đến nay lòng sông trở nên lặng sóng.

Dù việc khai thác cát đã ngưng nhưng người dân sống dọc bờ sông vẫn canh cánh nỗi lo sạt lở.

Ông Nguyễn Thanh Bình sinh năm 1964, tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Từ tháng 9/1986 đến tháng 5/2007, ông Bình công tác tại Trường Đại học An Giang, giữ chức vụ Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm Khoa Sư phạm.

Sau đó, ông được điều động, bổ nhiệm lần lượt giữ các chức vụ Phó giám đốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang.

Tháng 1/2013, ông Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động giữ chức vụ Bí thư Thị ủy Tân Châu.

Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh An Giang khóa VIII vào tháng 7/2014, ông Bình được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2011- 2016.

Ngày 27/5/2019, ông Bình được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2016-2021.

Đến ngày 30/6/2021, tại kỳ họp thứ nhất, khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), ông Bình tái đắc cử Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.