Xã hội

Tổng Bí thư ký ban hành nghị quyết về đổi mới hoạt động Hội Nông dân Việt Nam

21/12/2023, 15:59

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Tại nghị quyết này, Bộ Chính trị đặt mục tiêu cụ thể hằng năm kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.

Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết về đổi mới hoạt động Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết về đổi mới hoạt động Hội Nông dân Việt Nam.

Hằng năm cũng phấn đấu thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp; vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp.

Để đạt mục tiêu trên, bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được đề ra. Trong đó, bên cạnh đổi mới công tác tuyên truyền, Bộ Chính trị lưu ý, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ hội được xây dựng bảo đảm số lượng, chất lượng. "Cán bộ hội phải có uy tín, trình độ, năng lực thực tiễn, trưởng thành từ phong trào quần chúng, nhất là cán bộ chuyên trách, cán bộ cơ sở, chi hội trưởng", nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ.

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ lãnh đạo, bố trí chủ tịch hội là cấp uỷ viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có uy tín, tâm huyết, trách nhiệm và kinh nghiệm công tác.

Nhiệm vụ, giải pháp nữa là đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của hội nông dân, chú trọng giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hoạt động của chính quyền; đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân"

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, nghị quyết quan triệt phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân"; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân.

Có cơ chế để hội nông dân tham gia cung cấp một số dịch vụ công hỗ trợ cho hội viên, nông dân.

Vẫn theo nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý, bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước, đồng thời vận động nguồn lực xã hội cho quỹ hỗ trợ nông dân để xây dựng các mô hình điểm trong phát triển nông nghiệp ở nông thôn.

Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là phong trào "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh" phải được đẩy mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.