Đường sắt đô thị

TP.HCM cần gì để làm nhanh 8 tuyến metro?

19/09/2023, 12:39

9 năm chỉ để chuẩn bị thủ tục đầu tư một tuyến metro là quá dài. Mạng lưới metro cần cách làm mới để rút ngắn thủ tục, hoàn thành 7 tuyến, tương đương 200km còn lại trong 12 năm tới.

TP.HCM cần gì để làm nhanh 8 tuyến metro? - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Ảnh: Chí Hùng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng thẳng thắn nhận định nếu vẫn làm như cách cũ, phải mất hơn 100 năm TP.HCM mới có thể hoàn thành 8 tuyến metro.

Trong khi đó, Kết luận 49 của Bộ Chính trị ấn định đến năm 2035, tức là 12 năm nữa TP.HCM phải hoàn thành 200km metro còn lại. Vậy cách làm cũ đang tồn tại những gì? Muốn hoàn thiện hệ thống metro phải làm sao?

Kỳ 1: 16 năm chưa xong 1 tuyến metro

Chỉ tính riêng công đoạn chuẩn bị thủ tục, quá trình đầu tư một tuyến metro hiện nay đã mất gần một thập kỷ. Thực tế, 16 năm qua, vẫn chưa có tuyến metro nào ở TP.HCM hoàn thành.

Thủ tục quá rườm rà

Trong 8 tuyến metro được quy hoạch đến năm 2035 với chiều dài gần 220km, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang xây dựng đạt trên 95%; metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang giải phóng mặt bằng. Còn metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) mới trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Các dự án còn lại đang xúc tiến kêu gọi đầu tư.

Với tốc độ này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định là quá chậm. Một trong những nguyên nhân cốt lõi là vấn đề nguồn lực. Theo ông, thành phố cần có giải pháp mới, đặc biệt là nghiên cứu đề xuất cơ chế vay 20 tỷ USD để sớm hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị.

Điển hình, metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án được duyệt năm 2007, đến năm 2012 mới khởi công.

Với cột mốc này, công trình dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác vào năm 2018. Sau đó, dự án liên tục gặp khó khăn về vốn trong quá trình triển khai, khiến TP.HCM nhiều lần tạm ứng ngân sách thanh toán cho nhà thầu, nhân viên...

Phải đến cuối năm 2019, Quốc hội mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư metro số 1, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với trước.

Để hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch TP.HCM cần 25,8 tỷ USD - theo tính toán của 20 năm trước. Nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào đầu tư công và vay ODA. Trong đó, vốn vay ODA cho các dự án đầu tư metro tại TP.HCM là khoảng 6,5 tỷ USD (đạt khoảng 23%). Vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu để đạt mục tiêu xây dựng hạ tầng TP.HCM giai đoạn 2021-2025.

Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư các dự án đường sắt đô thị theo hợp đồng đối tác công - tư (PPP) từng được đề xuất áp dụng. Tuy nhiên, thủ tục đầu tư metro theo hình thức PPP phải trải qua hàng chục bước rất rườm rà.

TP.HCM cần gì để làm nhanh 8 tuyến metro? - Ảnh 2.

Tàu metro số 1 chạy thử nghiệm đoạn trên cao hồi tháng 4. Ảnh: Chí Hùng - Thư Trần.

Theo thống kê của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) trong trường hợp nhà đầu tư chủ động đề xuất thực hiện dự án, quy trình thực hiện gồm 52 bước, chia thành 4 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 là chấp thuận nhà đầu tư thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gồm 7 bước. Giai đoạn 2, phê duyệt được chủ trương đầu tư trải qua 6 bước. Giai đoạn 3, phê duyệt dự án của Chính phủ qua 7 bước. Giai đoạn 4, lựa chọn nhà đầu tư trải qua 32 bước.

Chính vì phải làm quá nhiều thủ tục nên không có nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng các dự án metro tại TP.HCM.

Theo ông Hoàng Ngọc Tuân, quyền Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư metro số 1, riêng công tác chuẩn bị đầu tư cho một tuyến metro phải mất 7-9 năm. Trên thực tế, hai tuyến metro trải qua 2 năm để điều chỉnh dự án, 1,5 năm để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án dù không thay đổi nét vẽ thiết kế nào.

“Quá trình này quá dài, làm nản lòng các nhà đầu tư, cần có cơ chế đặc thù rút ngắn thủ tục, thời gian phê duyệt, thời gian thẩm định, có thể bỏ qua bước báo cáo tiền khả thi”, ông Tuân nói.

Vì sao metro đội vốn?

Ngoài thủ tục, việc chậm trễ trong công tác giải tỏa cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án metro chậm tiến độ.

Tại tuyến metro số 1, riêng việc lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp giữa các tuyến metro 1, số 2, 3a và số 4 khiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến được dời lần thứ hai đến cuối năm 2021, lùi lần 3 đến cuối năm 2023. Thời gian kết thúc dự án từ năm 2024-2028. Thời gian kéo dài khiến chi phí đầu tư tăng là điều khó tránh khỏi.

Mới đây, nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) đã có thư khiếu nại chủ đầu tư liên quan các vấn đề chậm thanh toán. Trong quá trình khiếu nại, nhà thầu từ chối đào tạo; bảo dưỡng và bảo trì; phối hợp với tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống…

TP.HCM cần gì để làm nhanh 8 tuyến metro? - Ảnh 3.

Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM có 3 lần lùi thời gian hoàn thành sau 16 năm thực hiện. Ảnh: Chí Hùng

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một xí nghiệp đường sắt đang tham gia với vai trò tư vấn giám sát cho dự án metro số 1 cho rằng, ngoài chuyện quy hoạch, việc cấp thiết cần thực hiện song hành đó là xây dựng định mức, đơn giá, suất đầu tư các công trình metro trên cả nước. Và trách nhiệm này thuộc về Bộ Xây dựng.

Theo vị này, từ trước đến nay, tổng mức đầu tư các tuyến metro ở Hà Nội, TP.HCM được xây dựng trên cơ sở nhà tài trợ song hành cùng các cơ quan trong nước để đưa ra chỉ số đầu tư, tổng mức đầu tư khái toán.

“Chẳng hạn, phần xây dựng ngầm bao nhiêu, phần đường đi trên cao bao nhiêu, cơ điện bao nhiêu… rồi so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… để thấy sự tương đồng với Việt Nam. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án”, vị này phân tích.

TP.HCM cần gì để làm nhanh 8 tuyến metro? - Ảnh 4.

Sơ đồ 8 tuyến metro ở TP.HCM theo quy hoạch.

Đối với các dự án vay vốn ODA, 80% đội ngũ tư vấn, nhà thầu, thiết bị và công nghệ sẽ do nhà thầu nước ngoài bố trí theo điều khoản hợp đồng. Điều này dẫn đến trường hợp dự án dù đã được phê duyệt, nhưng khi áp vào thực tế các chi phí, tổng mức đầu tư bị đội lên, có dự án đội lên trên 200%.

Theo quy định, dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải xin chủ trương của Quốc hội. Để có báo cáo trình Quốc hội, trước đó thành phố phải mất nhiều thời gian lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

“Nghịch lý là trong thời gian chờ phê duyệt tổng mức đầu tư mới, các hạng mục vẫn phải thi công nhưng không thể thanh toán cho các nhà thầu mà chỉ được tạm ứng. Điều này khiến việc thi công đình trệ, có nhà thầu thậm chí còn kiện chủ đầu tư vì thanh toán không đúng tiến độ”, vị này nói.

Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM dài 220km với 8 tuyến, tổng vốn đầu tư khoảng 25,8 tỷ USD. MAUR đang triển khai 2 tuyến metro. Trong đó, metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng được thành phố lên kế hoạch đưa vào khai thác vận hành vào đầu năm 2024.

Metro số 2 có mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, dự kiến khởi công vào năm 2025. Bên cạnh đó, MAUR đang chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành - Tân Kiên), metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) và kêu gọi xúc tiến đầu tư cho các tuyến còn lại.

Những bài học khi làm metroNhững bài học khi làm metro

Ngoài câu chuyện liên quan đến vốn ODA, mặt bằng cũng là vấn đề nan giải, góp phần làm chậm tiến độ các dự án metro.

Những đề xuất đột phá làm metro TP.HCMNhững đề xuất đột phá làm metro TP.HCM

Những cách làm, phương án mang tính đột phá được đề xuất để sớm hoàn chỉnh mạng lưới metro tại TP.HCM, không chỉ là câu chuyện vốn, mặt bằng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.