Quản lý

TP.HCM "cân não" bài toán giải ngân đầu tư công

20/11/2023, 07:50

TP.HCM đứng trước áp lực lớn khi còn chưa đến 50 ngày để hoàn tất mục tiêu giải ngân 95% của năm 2023.

Tính đến cuối tháng 10, TP.HCM đã giải ngân hơn 24.000 tỷ đồng trên 70.000 tỷ đồng tổng kế hoạch vốn được giao. Tỷ lệ tương đương 35% kế hoạch. Kết quả này đứng thứ 3 trên 114 tỉnh, thành, bộ, ngành về con số tuyệt đối nhưng vẫn còn xa so với kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá đầu tư công còn chậm và kết quả thấp. Tuy nhiên, thành phố giữ nguyên mục tiêu giải ngân 95% vốn giao. Và đây là nhiệm vụ TP.HCM xác định phải tập trung "ngày đêm" trong 2 tháng cuối năm.

Giải ngân quá chậm

Theo thống kê của UBND TP.HCM, đến nay có 18 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào dù được giao hơn 5.900 tỷ đồng. 

Đến cuối năm, thành phố dự kiến có 1.807 dự án giải ngân đạt 95% và khoảng 233 dự án giải ngân dưới 95% với số vốn không thể giải ngân là hơn 19.500 tỷ đồng. Nhiều nhất ở TP Thủ Đức với 26 dự án, Củ Chi 11, Bình Chánh 10, Hóc Môn 9...

Nguyên nhân là nhiều dự án chưa được quận, huyện khảo sát, tính toán kỹ chi phí bồi thường khi lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, đến khi duyệt phương án bồi thường thì chi phí thực tế thấp hơn số được duyệt, dẫn đến không thể giải ngân.

Mặt khác, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận có tình trạng ban bồi thường giải phóng mặt bằng một số địa phương chưa làm hết sức. "Tối đa có thể làm được 10 thì đăng ký chỉ tiêu thực hiện chỉ 6-7".

Đến nay, TP.HCM có 479 dự án giải ngân trên 95%. Tuy nhiên vốn không lớn, chỉ hơn 1.100 tỷ đồng cùng 320 dự án đã giải ngân trên 100%.

"Với các dự án còn lại, nếu chủ đầu tư và dự án có khó khăn khách quan, lý do chính đáng thì quyết tâm giải ngân không dưới 80%", ông Mãi giao chỉ tiêu.

TP.HCM “cân não” bài toán giải ngân đầu tư công  - Ảnh 1.

Vành đai 3 TP.HCM là một trong những dự án được tập trung, ưu tiên giải ngân. Ảnh: TCIP

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu Ban Giao thông phải chủ động tính toán và không để tỷ lệ giải ngân chung dưới 80%. 

Sở Kế hoạch - Đầu tư và Văn phòng Ủy ban đề xuất kế hoạch điều hòa vốn, tức chuyển vốn đầu tư công nội bộ nhằm tối đa hóa khả năng giải ngân. 

Trong tuần, hai đơn vị trên phải xác định được địa chỉ giải ngân cho khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương thức này.

Với những dự án gặp khó khăn vì lý do khách qua, chủ đầu tư phải quyết tâm giải ngân không dưới 80%
imgChủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Tại hội nghị về Công tác giải ngân vốn đầu tư công trước đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã yêu cầu UBND TP.HCM ra một văn bản sớm nhất có thể để đưa ra những giả định, quy định về chế tài cụ thể trong những ngày còn lại của năm 2023 cho từng sở, từng ngành, người đứng đầu.

Đối với việc xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, cản trở làm chậm giải ngân, ông Mãi cho rằng UBND TP sẽ thực hiện việc xử lý này như đã xác định ban đầu. 

Đến nay, UBND TP cũng đã phê bình, hạ bậc thi đua trong từng quý đối với những cá nhân cụ thể theo thỏa thuận từ năm 2022 và năm nay tiếp tục thực hiện.

Giải pháp "nước rút"

Là đơn vị được giao hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm tương đương gần 44% tổng vốn đầu tư công toàn TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông), cho biết Ban đã giải ngân gần 1/2 vốn được giao, khoảng 13.700 tỷ đồng.

Song, ông Lương Minh Phúc nhìn nhận chỉ còn chưa đến 50 ngày và thời gian rất thách thức để giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2023.

Hiện, Ban Giao thông triển khai 4 nhóm giải pháp, đặc biệt là đẩy nhanh phần khối lượng xây lắp và các gói thầu thi công còn lại ở các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với 6 địa phương triển khai 2.000 tỷ đồng vốn giải phóng mặt bằng để đảm bảo chi phí cơ cấu nguồn vốn còn lại.

Mặt khác, ông Lương Minh Phúc cho biết đang phối hợp sở GTVT trình 5 dự án BOT như quốc lộ 1, 13, 22, trục Bắc - Nam và cầu đường Bình Tiên, tạo ra cánh cửa, đón tiếp nguồn lực từ xã hội, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trên địa bàn.

Với việc triển khai đồng bộ 5 dự án BOT theo Nghị quyết 98, thành phố sẽ giảm được áp lực nguồn vốn đầu tư công, đồng thời cũng mở ra tiền lệ, cách làm mới, huy động được nguồn lực của xã hội trong đầu tư công ở lĩnh vực giao thông.

"Khi khu vực 5 cửa ngõ được mở rộng đồng bộ, cùng với việc khép kín vành đai 2, vành đai 4 sẽ trở thành bộ khung giao thông chủ lực để TP.HCM phát triển mạnh hơn trong thời gian tới", ông Phúc nói.

Trong thời gian tới, Ban Giao thông xác định tập trung hoàn tất đấu thầu đối với 10 gói thầu xây lắp còn lại của 3 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn.

Còn chưa đến hai tháng và thời gian rất thách thức để giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2023
imgÔng Lương Minh Phúc


Một trong những địa phương cam kết giải ngân 95%, ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án để theo kịp mục tiêu ngay từ đầu năm.

Năm 2023, địa phương được giao 628 tỷ đồng. Tính đến tháng 10, Bình Chánh giải ngân được 63% so với kế hoạch. 

Địa phương đặt mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân 82% trong tháng 11 và quyết tâm đạt 95% tổng vốn đã giao năm 2023 vào đúng 31/12.

"Tiến độ này có chậm so với kế hoạch ngay từ đầu năm, tuy nhiên đến thời điểm này, những khó khăn về công tác bồi thường, vướng mắc về thủ tục đầu tư đã được tháo gỡ, giải quyết", ông Thanh cho hay.

TP.HCM “cân não” bài toán giải ngân đầu tư công  - Ảnh 4.

Ông Võ Đức Thanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh. Ảnh: Thư Trần

Lãnh đạo huyện Bình Chánh cho hay tỷ lệ giải ngân trên địa bàn đặc biệt khả quan sau khi triển khai được dự án Vành đai 3 TP.HCM. Đây cũng là tiền đề triển khai giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

"Dự án Vành đai 3 đã được TP phê duyệt đơn giá, triển khai bồi thường giai đoạn 2 và phương án đến từng hộ dân. Hiện còn 144 hộ, huyện đang vận động, tiến độ bàn giao cho chủ đầu tư rất khả quan", ông Võ Đức Thanh nói.

Cam kết giải ngân ở ngưỡng 80-95%, TP Thủ Đức cũng đứng trước nhiều áp lực với số vốn được giao khá lớn, 2.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 2.200 tỷ (chiếm khoảng gần 87%); vốn xây lắp chỉ chiếm 13%.

Đến tháng 10, địa phương này chỉ mới giải ngân 13%, lũy kế giải ngân 352 tỷ đồng - theo báo cáo của TP Thủ Đức.

Hiện TP Thủ Đức có đến 26 dự án bồi thường chưa giải ngân đồng nào. Trong khi đó, đặc thù của bồi thường là trải dài qua nhiều giai đoạn, việc đo đạc và xác minh nguồn gốc chiếm nhiều thời gian nên 2 tháng còn lại sẽ là thử thách lớn của địa phương.

Ưu tiên dự án trọng điểm

Xác định kiên trì với mục tiêu giải ngân 95%, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP.HCM đang tập trung nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Trong đó, TP.HCM tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, đánh giá sát tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trên địa bàn, bảo đảm đạt kết quả giải ngân năm 2023 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành phố cũng tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư.

img
img
img

Nút giao thông An Phú với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng là một trong những dự án giao thông trọng điểm được TP ưu tiên tập trung. Ảnh: Chí Hùng

Đặc biệt, thành phố ưu tiên các dự án trọng điểm, cấp bách như: Các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, dự án nút giao thông An Phú, mở rộng quốc lộ 50, xây đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy, cầu Tân Kỳ Tân Quý, đường Dương Quảng Hàm… đồng thời khẩn trương tổ chức thẩm định và phê duyệt 125 dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật.

UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các đơn vị và địa phương rà soát nhu cầu bố trí vốn đầu tư công, chuẩn bị giao nhiệm vụ năm 2024 phù hợp với tình hình thực tế từng dự án trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, lộ trình giải ngân cụ thể.

Người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị nói trên và chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM về tiến độ, chất lượng dự án và khối lượng giải ngân.

3 dự án nghìn tỷ sớm khơi thông cửa ngõ TP.HCM3 dự án nghìn tỷ sớm khơi thông cửa ngõ TP.HCM

Mở rộng quốc lộ 50, xây nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn là những dự án trọng điểm ở TP.HCM dự kiến hoàn thành chậm nhất vào năm 2025. Các công trình được kỳ vọng khơi thông cửa ngõ TP, giảm áp lực giao thông khu vực cao điểm hiện nay.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.