Quản lý

TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng, phát triển công nghệ số cho xe buýt

06/01/2024, 16:10

Chỉnh trang bến bãi nhà chờ, xây thêm bến xe buýt, triển khai mở rộng vé điện tử... là những nỗ lực của Trung tâm quản lý giao thông TP.HCM trong năm qua và 2024.

Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, để nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút hành khách đi xe buýt, trong năm 2024 đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng xe buýt, phát triển công nghệ số.

Theo đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 công trình xây dựng bến bãi quan trọng gồm: Xây dựng đường giao thông kết nối Bến xe buýt Hóc Môn; Xây dựng bến xe buýt Hóc Môn; Xây dựng bến xe buýt Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng, phát triển công nghệ số cho xe buýt- Ảnh 1.

Đến cuối năm 2023 đã có 11,3 triệu lượt sử dụng thẻ vé điện tử trên các tuyến xe buýt. Ảnh Đỗ Loan

Bên cạnh đó, trung tâm sẽ ứng dụng khoa học công nghệ số trong việc cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trên toàn hệ thống xe buýt.

Đồng thời triển khai số hóa lệnh vận chuyển điện tử trên các tuyến xe buýt có trợ giá, hồ sơ nghiệm thu, thanh toán phục vụ công tác quản lý, lưu trữ, thanh quyết toán trợ giá xe buýt; Tiếp tục khai thác, phát triển hệ thống quản lý xe buýt (BMS) từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera.

Trung tâm cũng chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm an toàn, chất lượng phục vụ. Đặc biệt tập trung các tuyến có sản lượng giảm liên tục trong thời gian dài, các tuyến có chất lượng phục vụ giảm và các đơn vị vận tải có số lượng vi phạm về chất lượng phục vụ…

Nhìn lại kết quả hoạt động trong năm 2023, ông Lê Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, sản lượng vận tải hành khách tăng, đạt 416 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 10,3% so với kế hoạch.

TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng, phát triển công nghệ số cho xe buýt- Ảnh 2.

Phối cảnh bãi đậu xe tại ga Rạch Chiếc trong dự án kết nối xe buýt với các tuyến metro số 1.

Theo ông Hoàn, trong năm qua đơn vị đã khởi công nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, bến bãi quan trọng phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Đơn cử như dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga metro số 1 được khởi công ngày 25/12, xây dựng bến xe và đường giao thông kết nối với bến xe buýt Hóc Môn, xây bến xe buýt Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh)...

Đáng chú ý là khởi công dự án tăng cường xe buýt kết nối với nhà ga metro số 1 với tổng mức đầu tư 92,3 tỷ đồng. Dự án nhằm kết nối các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị số 1 với các phương thức vận tải khác tạo thành một hệ thống giao thông công cộng hợp nhất đa phương thức.

TP.HCM chú trọng đầu tư hạ tầng, phát triển công nghệ số cho xe buýt- Ảnh 3.

Các nhà chờ, trạm dừng xe buýt, nhà vệ sinh được chỉnh trang, sạch đẹp.

Bên cạnh việc xây dựng các bến bãi mới, trung tâm đã thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa điểm dừng, bến bãi. Đặc biệt sửa chữa các nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các bảng thông tin điện tử trực tuyến...

Triển khai vé điện tử trên 23 tuyến xe buýt

Trong năm 2023, Trung tâm quản lý giao thông công cộng đã triển khai mở rộng vé điện tử trên các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố. Hiện đơn vị đã lắp đặt trên 23 tuyến xe buýt. Qua thống kê, đến cuối năm 2023 đã có 11,3 triệu lượt sử dụng thẻ vé điện tử trên các tuyến xe buýt.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.