Hạ tầng

TP.HCM đề xuất đổi loại hình xe tuyến buýt nhanh BRT số 1

28/12/2021, 14:10

Thay vì làm tuyến buýt nhanh BRT số 1, các bên liên quan đang đề xuất đổi loại hình bằng tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên.

Sở GTVT TP.HCM và chủ đầu tư tuyến BRT số 1 đã thống nhất đề xuất tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh nhưng điều chỉnh loại hình xe bằng tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn ưu tiên thay cho tuyến BRT số 1. Ý kiến này đang chờ trình lãnh đạo UBND TP.HCM quyết định.

Tuyến buýt nhanh sẽ đồng bộ với metro

img

Phối cảnh tuyến buýt nhanh BRT số 1 của TP.HCM.

Dự án phát triến Giao thông xanh TP.HCM có mục tiêu chính là xây dựng và đưa vào phục vụ tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 với chiều dài 26km (từ vòng xoay An Lạc đến nhà ga Rạch Chiếc) và kết nối vào trạm trung chuyển Bến Thành và Bến xe Chợ Lớn.

Đây là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, sẽ cùng với các tuyến metro và các tuyến xe buýt truyền thống tạo nên hệ thống giao thông công cộng của TP.HCM. Trên hành lang này, các tuyến sẽ được ưu tiên về hạ tầng và tổ chức giao thông để đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác, an toàn, thoải mái và nâng cao chất lượng của dịch vụ xe buýt để phục vụ người dân.

Theo Sở GTVT TP.HCM, phương án được các bên thống nhất là chưa thực hiện ngay loại hình tuyến BRT như trong dự án trước đây mà sẽ thay bằng loại hình tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên.

Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) dự án cũng cho biết, các loại hình trên phải được phát triển thành mạng lưới trong thời gian sớm nhất và vận hành đồng bộ với hệ thống các tuyến metro; các tuyến buýt truyền thống sau khi tái cấu trúc hệ thống xe buýt TP để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của dự án phát triển giao thông xanh TP.HCM.

Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, việc thống nhất trên xuất phát từ thực tế hình thành trục giao thông công cộng khối lượng lớn nối liền phía Ðông và phía Tây TP.HCM là nhu cầu có thật, cần làm ngay trong giai đoạn 2021-2025.

"Với thực tế hiện nay là tuyến metro số 1 vận hành trễ, khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa lấp đầy, đường Vành đai 2 chưa khép kín..., việc thay thế tuyến BRT thành tuyến xe buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên sẽ khả thi nhất", ông Phúc nói.

Ngoài ra, theo ông Phúc, việc đổi loại hình dự án phát triển giao thông xanh còn hạn chế những tác động không tốt đến mối quan hệ hợp tác hiện tại và tương lai giữa TP.HCM và Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ cũng như không ảnh hưởng kết quả giải phóng mặt bằng đang triển khai.

Dự án được tiếp tục triển khai trong năm 2022 bằng 4 nguồn vốn, gồm vốn tài trợ Ngân hàng Thế giới, vốn IDA của ngân hàng Thế giới, nguồn vốn đối ứng của thành phố.

Ngoài ra, TP còn dùng được nguồn vốn IDA triển khai gói thầu BRT2-CS9 “Dịch vụ tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn TP và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu”.

Có nên đổi loại hình tuyến BRT số 1?

Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hiện các bên liên quan đã đồng ý việc điều chỉnh, phân kỳ đầu tư, cho phép triển khai hạng mục cũ và mới song song, dự kiến trong tháng 1 và tháng 2/2022, Ban Giao thông sẽ thống nhất với Ngân hàng Thế giới và SECO phương án và tổng tiến độ tiếp tục triển khai dự án.

Ðến tháng 3/2022 sẽ đấu thầu các gói thầu xây lắp và tháng 9/2022 thi công các gói thầu trên.

Đại diện Ban giao thông cho biết, các bên đã đề xuất hiện phải chờ UBND TP HCM xem xét phương án, thống nhất đồng ý để hướng dẫn các đơn vị liên quan hoàn chỉnh nội dung trước khi trao đổi, thuyết phục Ngân hàng Thế giới đồng ý triển khai.

Theo vị đại diện này, để giảm chi phí đầu tư ở giai đoạn đầu khi lượng khách chưa cao, chủ đầu tư và Sở GTVT thống nhất đề xuất giảm đầu tư mua sắm đội xe và công trình hạ tầng phục vụ đội xe. Đội xe sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa thông qua công tác đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp khai thác vận tải.

Các bên cũng thống nhất tạm dừng việc đầu tư xây dựng mới trên đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ cho đến khi đạt được lượng hành khách theo công suất thiết kế. Trong thời gian đầu, hành khách sẽ sử dụng xe buýt gom và các lối đi bộ có đèn tín hiệu để tiếp cận trạm dừng.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên trưởng khoa đô thị trường ĐH Khoa học XH - NV cho rằng: Cả hai loại hình trên không khác gì nhau. Đổi loại hình nhưng hiệu quả sẽ không tăng lên. Nếu có làn ưu tiên thì cũng như tuyến BRT cũ. Ở nước ngoài tuyến BRT có đường riêng, không có phương tiện khác xâm phạm, thậm chí ở Indonesia làm đường cao hơn mặt đường 30cm để các phương tiện khác không lấn làn. Dù làm BRT hay xe buýt xanh chất lượng cao thì mỗi làn đều phải mở rộng ra, lấy làn riêng hoặc làm đường khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.