Giá đất tăng nóng dù đường chưa làm
Khảo sát mới đây của các Công ty Nghiên cứu thị trường bất động sản, nhà phố ở các khu vực trung tâm chững lại nhưng giá đất vùng ven TP.HCM và ở các tỉnh phụ cận liên tục tạo ra những cơn sóng mới.
Nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ăn theo các dự án giao thông, dù các dự án này chưa được triển khai (Trong ảnh: Quy hoạch giao thông huyện Đất Đỏ, trong đó có sân bay Lộc An và các tuyến đường giao thông kết nối)
Cụ thể tại Củ Chi, Hóc Môn, quận 9 (TP Thủ Đức hiện nay) đã tăng từ 10-20%, thậm chí có những nơi đã tăng lên tới 30%.
Chị Huyền, người sở hữu miếng đất 50m² tại TP Thủ Đức vào cuối năm 2020 cho biết, khi mua đất giá chỉ 3,9 tỷ đồng. Mới đây gia đình thi công xây dựng, có khách đã trả tới 4,8 tỷ và mấy ngày qua có người trả lên 5,2 tỷ đồng.
Sở dĩ đất tại Hóc Môn, Củ Chi thời gian gần đây liên tục nóng sốt là bởi có nhiều thông tin TP.HCM sẽ kết hợp với Tây Ninh làm cao tốc đi Mộc Bài, dù đến nay vẫn chưa xác định được nguồn vốn đầu tư cũng như thời gian khởi công, hoàn thành.
Tương tự như vậy, chị Võ Thanh Yến, nhà ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, mấy năm trước chị mua một miếng đất ở Hóc Môn 500m² trong hẻm sâu giá 2 tỷ đồng.
Đến đầu năm nay, có người hỏi mua giá 3 tỷ đồng nhưng gia đình không bán. “Mới đây các nhân viên môi giới điện thoại nói có thể bán lên 4 tỷ đồng”, chị Yến cho biết.
Nhộn nhịp hơn cả là thị trường bất động sản tại các huyện lân cận TP.HCM. Theo ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai, phân khúc đất nền có những biến chuyển vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt từ tháng 10/2021 đến nay.
Hai huyện có tốc độ tăng giá mạnh nhất là Nhơn Trạch và Long Thành. Đây là 2 khu vực tiếp giáp gần nhất với TP.HCM.
Bên cạnh đó, thông tin xây dựng cầu Cát Lái nối liền quận 2 (TP Thủ Đức – TP.HCM với Nhơn Trạch – Đồng Nai sẽ sớm triển khai khiến đất nền tại đây sốt hơn bao giờ hết.
Cụ thể, mức tăng giá đất tại 2 huyện đạt từ 15-20% so với trước đây. Giá đất ghi nhận tại Long Thành vào tháng 6/2021 là 700 triệu đồng/nền nay đã tăng thành 1 tỷ đồng/nền.
Tại xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây 2 năm 1 lô đất có giá 700 triệu đồng, nhưng nay đã tăng lên 1,5 tỷ đồng.
Phần lớn các chủ đầu tư dự án, nhân viên môi giới khi chào bán hàng đều kèm theo lời giới thiệu về các tuyến đường giao thông sắp được đầu tư.
Chẳng hạn, khu vực sân bay Long Thành, các chủ đầu tư đều ăn theo dự án sân bay quốc tế Long Thành, dù sân bay này 5 năm nữa mới hoạt động.
Hay các dự án tại khu Nhơn Trạch đều lấy thông tin sắp xây cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM, dù 10 năm nay cây cầu này đã lên kế hoạch nhưng... chưa biết khi nào khởi công.
Tương tự như vậy, tại Bình Dương, nhu cầu mua đất nền tại đây lâu nay luôn rất cao vì mặt bằng giá còn khá hợp lý và tiềm năng tăng trưởng tốt nhờ công nghiệp và hạ tầng phát triển mạnh.
Hai thành phố Thuận An và Dĩ An, các dự án đất nền ở khu vực trung tâm hoặc gần khu công nghiệp hiện giữ ở mức từ 40 - 50 triệu đồng/m2.
Xa hơn một chút, thị trường đất nền tại Bến Cát, Tân Uyên giá cũng đã chạm ngưỡng từ 17 triệu đồng/m². Hai huyện Phú Giáo và Bàu Bàng được xem là thị trường mới phát triển nhưng các khu vực trung tâm hành chính hoặc gần khu công nghiệp hiện cũng không còn đất giá dưới 1 tỷ đồng/nền.
Không thua kém các vùng lân cận, giá đất tại nhiều huyện của Bà Rịa – Vũng Tàu, liên tục nóng sốt. Tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Mỹ vào những ngày cuối tuần khách từ các tỉnh về xem đất như đi hội.
Anh Mai Văn Đỏ, một người dân địa phương, cũng là “cò” bất động sản cho biết, cứ cuối tuần là bán được vài lô. Các xã vùng xa như: Láng Dài, Lộc An ở huyện Đất Đỏ, huyện Long Điền cũng đắt khách.
“Đất chật người đông, hơn nữa vị trí ở đây cũng gần biển vài cây số, sắp tới đường sá mở rộng nên giá đất còn lên”, anh Đỏ nói.
Dự án hưởng lợi nhờ hạ tầng
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA cho biết, theo quy hoạch giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 tuyến đường cao tốc gồm: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đã đi vào hoạt động), Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu (đang triển khai đầu tư).
Các tuyến đường cao tốc này được xem là cửa ngõ cho CHK quốc tế Long Thành (đã khởi công xây dựng đầu năm 2021). Những dự án giao thông lớn này kết nối với các tỉnh, thành trong vùng, tạo ra những bước tăng trưởng nhanh về KT-XH cho vùng.
Thị trường bất động sản có thể tăng rất mạnh trong năm 2022. Tuy nhiên, việc tăng này chủ yếu vẫn là thị trường đầu cơ, tức là do quỹ đất khan hiếm, các dự án ít, vì vậy nhiều người mua đầu cơ, nhà đất bỏ không nhưng giá treo trên trời. Trong vòng mấy tháng vừa qua, có những nơi đất chưa công bố kế hoạch đấu giá đến bây giờ giá đã tăng 2,5 lần. Và đây cũng là những dấu hiệu của bong bóng bất động sản.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Chỉ riêng khu vực Bà Rịa, dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đang được triển khai thì tới đây từ TP.HCM xuống Vũng Tàu chỉ còn hơn 1 tiếng đồng hồ.
Hiện, Vũng Tàu cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào nhiều tuyến đường chính, như tuyến đường ven biển ở Hồ Tràm sẽ được mở rộng từ hiện trạng 12m lên đến 42m².
Theo ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia bất động sản, nhiều dự án bất động sản được hưởng lợi rất lớn nhờ hạ tầng.
Chỉ với lợi thế kết nối xuyên suốt từ QL13 về TP Thủ Đức và trung tâm TP.HCM, các dự án tại khu vực này rất thu hút các nhà đầu tư.
Chẳng hạn như tại TP Thuận An (Bình Dương) tới đây chỉ mất khoảng 20 phút về TP.Thủ Đức và 30 phút để di chuyển vào trung tâm TP HCM thông qua QL13 kết nối Phạm Văn Đồng, ĐT743, ĐT743B, ĐT43, Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối ra QL1K đến Xa lộ Hà Nội...
Nhờ vậy tại Bình Dương, Đồng Nai hiện đã xuất hiện phân khúc biệt thự với giá trị cao, lên tới 15 tỷ đồng/căn.
Đánh giá về thị trường đất nền trong năm 2022, ông Minh cho rằng, không cần quá lo lắng về điều này, vì giá bất động sản tăng và bong bóng bất động sản là hai câu chuyện khác nhau.
Bong bóng bất động sản chỉ xảy ra khi mà người mua dùng tiền vay mượn để mua và dùng chính bất động sản đó để lướt sóng. Còn nếu người dân mua bằng tiền thật, tiền nằm trong khả năng tài chính, không vay mượn thì không vấn đề gì.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận