Quản lý

TP.HCM làm được gì khi được trao cơ chế đặc thù?

Sau 4 tháng Nghị quyết 98 có hiệu lực, TP.HCM đã tận dụng triệt để các cơ chế đặc thù được trao, điểm nhấn rõ nét là việc áp dụng tại dự án Vành đai 3.

Những tác động bước đầu

Những ngày qua, các gói thầu xây lắp trên tuyến Vành đai 3 qua TP.HCM đang tất bật thi công. Nhìn từ trên cao, tuyến Vành đai 3 qua huyện Hóc Môn băng qua khu vực ruộng đồng mênh mông, đã có thể thấy rõ hướng tuyến. Nhà thầu cào bóc hữu cơ phần đường hai bên, phần giữa vẫn giữ nguyên lại như thiết kế để triển khai giai đoạn sau.

TP.HCM làm được gì khi được trao cơ chế đặc thù?- Ảnh 1.

Nghị quyết 98 kỳ vọngmang lại sự bứt phá phát triển cho TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng.

Tại khu vực thi công gói thầu XL8 - xây dựng cầu tỉnh lộ 9 (trên đường Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn) có nhiều máy móc, công nhân đang thi công phần móng trụ, cọc khoan nhồi.

Nghị quyết 98 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho TP.HCM trong phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo; quản lý đô thị, tài chính, ngân sách và tổ chức bộ máy.

Một số hiệu quả cụ thể có thể kể ra như: Trong 44 nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 98, thành phố có 7 nhiệm vụ đã hoàn thành, 4 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành và 11 nhiệm vụ đang triển khai. TP.HCM đã thu hồi về ngân sách Nhà nước 48,7/53,4 tỷ đồng và các xử lý khác về kinh tế 57,7/57,9 tỷ đồng qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM

Gói thầu XL-08 đoạn qua huyện Hóc Môn khởi công từ ngày 26/7, dự kiến thi công trong 1.080 ngày bao gồm có một cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa, hai cầu vượt qua kênh và phần đường cao tốc dài hơn 7km, với tổng giá trị gói thầu là 1.417 tỷ đồng.

Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 là đơn vị thi công gói thầu XL08. Các nhà thầu đã hoàn thành 10/82 cọc khoan nhồi. Theo kế hoạch, toàn bộ phần cọc khoan nhồi này sẽ được hoàn thành trong năm 2023.

Tại gói thầu xây lắp 3, đoạn từ đầu tuyến (Km 17+500) đến cầu Trau Trảu (Km 17+900), hiện nhà thầu đã bóc tách xong lớp hữu cơ, thi công cơ bản phần cầu cạn.

Ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư các Giao thông TP.HCM cho biết, nhờ thuận lợi về mặt bằng nên tiến độ thi công bước đầu khá tốt. Hiện nay, mặt bằng để làm dự án đã được bàn giao 394,6/ 410,4ha (đạt 96%), dự kiến sẽ bàn giao 100% mặt bằng trong năm 2023.

Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM có 14 gói thầu xây lắp, trong đó 10 gói thầu xây lắp chính, 4 gói thầu phụ trợ phục vụ khai thác vận hành. Đến nay, có 4 gói thầu xây lắp chính (XL3, XL6, XL8, XL9) đang triển khai thi công. Còn 6 gói thầu xây lắp chính khác (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, hiện đang lựa chọn nhà thầu. Công tác lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, nhờ những chính sách đột phá trong công tác bồi thường GPMB khi áp dụng cơ chế đặc biệt của Nghị quyết 98 nên huyện đã hoàn thành 100% việc đền bù. "Khi giá đất được đền bù hợp lý, sát với giá thị trường, người dân sẵn sàng bàn giao để nhà thầu thi ông", ông Thắng nói.

Rốt ráo kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông

Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế đánh giá, Nghị quyết 98 đã thực hiện việc phân quyền xuống cấp quận, huyện, cho phép các quận huyện trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề còn vướng mắc trong GPMB. Nhờ vào cơ chế này, quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3 đã được thúc đẩy mạnh mẽ.

TP.HCM làm được gì khi được trao cơ chế đặc thù?- Ảnh 2.

Tuyến metro số 1 đầu tiên của TP.HCM dự kiến đưa vào vận hành khai thác năm 2024. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, ông Nhân cho rằng, về tổng thể, việc thực hiện Nghị quyết 98 của TP.HCM trong 4 tháng qua mới chỉ ở giai đoạn rà soát lại các dự án còn vướng mắc để đưa ra phương án. Bên cạnh đó cũng đã thực hiện một số chính sách, giải quyết vướng mắc và khơi thông dòng vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm như Vành đai 3, Vành đai 4, metro, các dự án BOT, BT sau này.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM nhận định, thời gian qua, TP.HCM đã tận dụng triệt để Nghị quyết 98 để có chính sách, cơ chế phát triển kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Giữa tháng 9/2023, HĐND TP.HCM đã họp thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT). 5 dự án khơi thông các cửa ngõ, triển khai trong giai đoạn 2023 - 2028.

Trong đó, gồm đoạn quốc lộ 13 dài gần 5,9km sẽ được mở rộng lên 53 - 60m, đoạn quốc lộ 1 dài 9,6km sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe, đoạn quốc lộ 22 dài 9,1km sẽ mở rộng lên gần 40m. Trục đường Bắc - Nam dài 8km được mở rộng từ 4 lên 10 làn xe; cầu đường Bình Tiên dài 3,2km, rộng 30 - 40m.

Thành phố sẽ bố trí vốn tham gia đầu tư 5 dự án này từ nay đến năm 2025 là hơn 8.300 tỷ đồng. Theo tính toán trước đó của Sở GTVT TP.HCM, tổng vốn đầu tư 5 dự án này gần 40.000 tỷ đồng. Ngân sách TP.HCM sẽ tham gia đầu tư (chủ yếu chi phí giải phóng mặt bằng) với tỉ lệ từ 33 - 70% tùy mỗi dự án.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, đang xây dựng các kế hoạch cụ thể trong việc kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án này.

Chờ đột phá những dự án trọng điểm

Theo TS Nguyễn Quang Thắng, để tận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù được trao, thành phố cần tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ còn lại, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ tâm lý sợ sai của cán bộ, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển bền vững.

Đối với các tuyến metro, hiện nay thành phố đang tất bật cho giai đoạn nước rút của metro số 1 để vận hành thương mại trong năm 2024. Rút kinh nghiệm từ đó, metro số 2 đang được đẩy nhanh công tác GPMB, phải giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch rồi mới bắt đầu triển khai thi công để tránh dự án bị kéo dài, đội vốn.

Theo quy hoạch, thành phố có 7 tuyến metro với chiều dài 220km, trong đó metro số 1 dài gần 20km sắp xong, còn 200km phải hoàn thành từ nay đến năm 2035 như Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 để trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét. Bởi nếu cứ vay ODA để làm từng tuyến như vừa qua là rất lâu. Trong cơ chế này, thành phố sẽ đề xuất những cơ chế vượt trội để tiếp cận nguồn tín dụng lớn, đủ để thực hiện 200km metro còn lại.

"Cùng đó là xin một quy trình về dự án như dự án Vành đai 3, thậm chí vượt trội hơn nữa để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án từ 3 - 5 năm", ông Mãi nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.