Đường bộ

Bí thư TP.HCM chỉ đạo "nóng" khi kiểm tra dự án giao thông trọng điểm

12/03/2024, 17:52

Thị sát hai dự án giao thông trọng điểm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố siết chặt trách nhiệm người đứng đầu mỗi hạng mục để đảm bảo toàn bộ dự án trọng điểm được thông suốt.

Chiều 12/3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường kiểm tra tiến độ thi công thực tế tại công trường hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và khảo sát tuyến cầu đường Nguyễn Khoái. Đây là hai dự án trọng điểm của TP.HCM với mục tiêu hóa giải ùn tắc nhiều năm nay tại khu vực phía Nam thành phố.

Không để mùa mưa làm chậm tiến độ dự án

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, tiến độ dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang được tăng tốc sau thời gian bị ảnh hưởng bởi nhiều hạng mục kỹ thuật chậm di dời. Công trình bao gồm hai hầm chui, mỗi hầm dài 270m. Toàn bộ dự án đã đạt 60% tổng sản lượng.

Tại hầm chui số 1, nhà thầu thi công đã hoàn thành ép cọc đại trà cho 8 đốt hầm hở từ H10P đến H18P và đang triển khai thi công nền, vách các đốt này. Cùng lúc đó, cũng đang thi công ép cọc cho 9 đốt hầm hở từ H1P đến H9P và 3 đốt hầm kín từ K1P đến K3P.

Tại đốt hầm kín chính giữa, nhà thầu đang thi công cọc khoan nhồi. Các đơn vị phấn đấu hoàn thành thông xe nhánh hầm chui số 1 và toàn bộ công trình vào ngày 31/12/2024.

Bí thư TP.HCM chỉ đạo

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (áo trắng ở giữa) tại buổi thị sát hai dự án trọng điểm chiều 12/3.

Trong khi đó, tiến độ thi công hầm chui số 2 khả quan hơn khi nhà thầu đã thi công xong phần kết cấu của 18 đốt hầm hở và đốt chính hầm kín. Cọc bê tông cốt thép của 3 đốt hầm kín còn lại đang được nhà thầu triển khai ép đại trà. Hạng mục hầm chui số 2 dự kiến sẽ thông xe vào ngày 31/7, trước hầm chui số 1 khoảng 5 tháng.

Hai liên danh nhà thầu thi công đã huy động hơn 110 cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, công nhân cùng hơn 30 máy móc thiết bị như: máy ép cọc, máy đào, cần trục trên ray, thiết bị khoan nhồi, xe ben vận chuyển đất… tham gia công trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao công tác phối hợp giữa các sở ngành, chủ đầu tư, địa phương và các lực lượng tham gia điều tiết giao thông. Dù vậy, Bí thư TP.HCM yêu cầu các đơn vị cần chủ động phối hợp, đừng để bị động trong các tình huống phát sinh nằm ngoài kế hoạch dẫn đến ách tắc.

"Quan trọng nhất là mùa mưa sắp tới, phải có phương án "3 ca 4 kíp. Khi có tình huống phát sinh ngoài kế hoạch thì báo cáo ngay chủ đầu tư, lãnh đạo thành phố để có hướng tháo gỡ kịp thời", Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu.

Sẽ kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu mỗi hạng mục

15h cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn nên tiếp tục thị sát điểm đầu của dự án cầu đường Nguyễn Khoái trên đường D1, khu dân cư Him Lam, quận 7 (TP.HCM). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.725 tỷ đồng với mục tiêu tạo ra trục kết nối thứ 4 cho khu vực Nhà Bè, quận 7 với quận 4 và quận 1.

Hiện nay, giao thông kết nối giữa khu trung tâm hiện hữu với khu Nam thành phố gồm có 4 trục giao thông bao gồm: cầu Tân Thuận và đường Nguyễn Tất Thành, cầu kênh Tẻ và đường Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Văn Cừ và đường Dương Bá Trạc, cầu Chữ Y. Tình trạng giao thông trên 4 tuyến này đều quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Bí thư TP.HCM chỉ đạo

Phối cảnh cầu Nguyễn Khoái thuộc dự án Cầu đường Nguyễn Khoái, trục kết nối thứ 4 giữa Nhà Bè, quận 7 với quận 4 và quận 1 (TP.HCM).

Theo thiết kế, đường Nguyễn Khoái bắt đầu từ đoạn giao cắt với đường D1 sau đó vượt kênh Tẻ và rạch Bến Nghé để nối vào đường Võ Văn Kiệt (quận 1). UBND TP.HCM đã chấp thuận ghi vốn 776 tỷ đồng cho dự án này trong năm nay. Theo kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025, dự án sẽ được rót gần 1.553 tỷ đồng.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, dự án cầu đường Nguyễn Khoái khắc phục được hạn chế thiếu tính kết nối mà dự án đại lộ Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt) đã từng gặp phải. Cho nên, khi thiết kế tuyến cầu đường Nguyễn Khoái đã kèm theo các tuyến nhánh để đảm bảo kết nối đa hướng.

Công trình sẽ có 4 nhánh rẽ kết nối giữa đường Trần Xuân Soạn, quận 7 lên xuống cầu vượt kênh Tẻ. Đồng thời kết nối giữa đường Tôn Thất Thuyết, quận 4 lên xuống cầu cạn trên đường Nguyễn Khoái.

Theo kế hoạch Ban Giao thông TP.HCM đề ra, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật sẽ bắt đầu từ tháng 4, hoàn tất đấu thầu và khởi công dự án vào cuối năm nay.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá: Quá trình triển khai dự án này đã gặp rất nhiều phức tạp, cho nên các sở ngành và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ. Đây là dự án mà người dân thành phố và cả hệ thống chính trị mong đợi.

"Dự án đã có vốn, mọi thứ đã thênh thang hết rồi, chỉ tập trung hành động. Sau khi hoàn thành sẽ tạo ra tuyến đường mới, thuận lợi cho người dân lưu thông, tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất kinh doanh. Do vậy, thành phố sẽ kiểm tra từng người đứng đầu trong mỗi hạng mục của dự án để đảm bảo toàn bộ dự án triển khai thông suốt", ông Nên nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.