Xã hội

Tránh cài cắm lợi ích, khắc phục tình trạng "trẻ hóa" các dự án luật

23/05/2023, 11:32

Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tránh cài cắm lợi ích trong xây dựng luật

Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhìn nhận, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có 3 hạn chế cố hữu.

img

Đại biểu Lê Thanh Vân

Một là, việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp, lệnh sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Hai là, chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật, chứa đựng những định hướng, nội dung hàm súc chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người và hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.

Ba là, kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ và đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh còn cài cắm lợi ích.

Từ đó, đại biểu Lê Thanh Vân kiến nghị sớm khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho toàn khóa bám vào nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

Đại biểu cũng nhấn mạnh việc hạn chế bớt các vi phạm chính trị trong các đạo luật bằng cách đổi mới thành phần ban soạn thảo theo hướng nhiều nhà khoa học tham gia, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật và thể hiện sự cầu thị trong phản biện xã hội.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Thủ tướng nên phân công một Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật. Nghị quyết về xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cần xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách đề xuất xây dựng pháp luật.

Vẫn còn "bắc nước chờ gạo"

Bổ sung quy định kiểm soát việc sử dụng thuốc lá điện tử

Trong phần thảo luận của mình, đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 để kiểm soát và hạn chế việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới.

Theo đại biểu Chung, hiện nay học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang là vấn đề đáng báo động. Thuốc lá điện tử được mua bán một cách dễ dàng, đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc hô hấp, thậm chí suýt tử vong khi hút thuốc lá điện tử.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chưa mang tính khả thi trong thực tế, do tính dự báo của các cơ quan xây dựng chương trình chưa cao, chưa sát thực tiễn, mà chỉ đề xuất dựa trên yếu tố chủ quan, trong khi đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng.

Điều này dẫn đến tình trạng điều chỉnh chương trình bổ sung, rút, hoãn các dự án luật, pháp lệnh xảy ra thường xuyên và gần như là một sự tất yếu.

"Có ý kiến cho rằng tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đặc biệt là gửi trình hồ sơ dự án chậm so với quy định, dẫn tới tình trạng "bắc nước chờ gạo", đã trở thành căn bệnh kinh niên chưa có thuốc chữa", đại biểu Bình nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn, cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được "trẻ hóa".

Một số dự án luật mới ban hành 2 - 3 năm lại sửa đổi, bổ sung, đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ, có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang.

img

Đại biểu Thái Thị An Chung

Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đảm bảo quyền con người

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, bởi Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quyết định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Tuy nhiên, khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định về việc chuyển đổi giới tính.

"Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí chuẩn bị, báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tôi đồng tình với sự cần thiết phải nhanh chóng xây dựng luật này để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của người chuyển đổi giới tính", bà Chung nói và đề nghị Quốc hội đưa dự án luật này vào xem xét tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.

img

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng, dự án Luật Chuyển đổi giới tính liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và Bộ luật Dân sự.

Từ đó, ông Nghĩa đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ đại biểu Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) nhìn nhận, LuậtCchuyển đổi giới tính là một bước tiến dũng cảm và văn minh. Sau khi đọc báo cáo đánh giá tác động, đại biểu Huân cho rằng có đầy đủ cơ sở pháp lý để xây dựng luật này.

Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị nên mở rộng phạm vi điều chỉnh chung cho cộng đồng LGBT. Hiện tại, tờ trình số 35, nội dung điều chỉnh chỉ tập trung vào 2 đối tượng nam, nữ và vấn đề chuyển đổi giới tính, như vậy sẽ bỏ quên 1 số đối tượng khác trong cộng đồng LGBT như song giới, đồng giới.

Theo đại biểu Huân, cộng đồng LGBT tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức như các nước trong khu vực và trên thế giới, không chỉ do chưa thực hiện triệt để quy định trong Hiến pháp về quyền con người mà còn có thể gây hệ lụy khác.

"Cộng đồng LGBT còn bị kỳ thị tức là chưa thể phát huy khả năng trí tuệ trong công việc, cuộc sống, từ đó có thể kìm hãm sự phát triển của xã hội. Thậm chí, còn xảy ra các bạo lực học đường liên quan vấn đề về giới tính", ông Huân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.