Quản lý

Tránh kẹt xe, vì sao TP.HCM không đốn hạ cây xanh vào ban đêm?

22/12/2023, 12:00

TP.HCM có mật độ phương tiện lưu thông đông. Việc cắt tỉa, đốn hạ cây xanh thường diễn ra ban ngày và nhiều lúc nhiều nơi gây ra kẹt xe, ùn tắc cục bộ. Người dân hỏi: Vì sao không tổ chức đốn hạ vào ban đêm, khi xe đã vắng?

Báo Giao thông đã ghi nhận thực tế và trao đổi với cơ quan chức năng.

Xác nhận có gây ùn tắc giao thông

Theo phản ánh của người dân, hiện nay việc đốn hạ cây xanh ở TP.HCM thường diễn ra ban ngày trên nhiều tuyến đường, nhiều lúc gây mất an toàn giao thông và kẹt xe. Thời gian chặt cây lâu, từ vài chục phút đến một giờ, chiếm diện tích thi công lớn trong khi mặt đường nhỏ hẹp, choán hết chỗ của người đi đường.

Tránh kẹt xe, vì sao không đốn hạ cây xanh vào ban đêm?  - Ảnh 1.

Ánh sáng tự nhiên ban ngày giúp thi công an toàn nhưng ảnh hưởng nhiều đến dòng xe cộ lưu thông. Ảnh Đỗ Loan

Vì lẽ đó, có ý kiến cho rằng, thành phố  nên cho đốn hạ, tỉa cây vào ban đêm thay vì ban ngày như vẫn đang thực hiện hiện nay. Việc này tạo sự an toàn, tránh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Lý giải nguyên nhân không đốn hạ cây vào ban đêm, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng) cho biết, hiện công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh (bao gồm cắt tỉa, đốn hạ, trồng cây…) cũng như duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng khác được thực hiện hằng ngày trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua. Trên cơ sở đó, các quy trình kỹ thuật cho quá trình thi công đều được xây dựng, áp dụng cho thời điểm ban ngày.

Việc này, trung tâm thừa nhận cũng có ảnh hưởng đến tình hình giao thông gây tình trạng ùn tắc đường, đặc biệt tại các tuyến đường trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, thi công ban đêm có nhiều rủi ro

Trước thực tế đó, trong năm 2022, Trung tâm Hạ tầng đã phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thí điểm thực hiện một số công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đường phố vào ban đêm.

Tránh kẹt xe, vì sao không đốn hạ cây xanh vào ban đêm?  - Ảnh 2.

Thi công ban đêm ít gây kẹt xe nhưng cũng có những rủi ro nhất định cho công nhân thi công về công tác an toàn.

Sau khi thí điểm, theo ông Điệp có giảm được một phần áp lực giao thông tại một số tuyến đường hoặc khu vực. Thuận lợi là thi công ban đêm thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho hoạt động của người công nhân. Thế nhưng, mặt hạn chế là vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông khi các xe cơ giới lớn dừng, đỗ ven đường để phục vụ thi công trong thời gian dài. Hơn nữa thi công buổi tối, tầm quan sát của người tham gia giao thông bị hạn chế và vẫn xảy ra ùn ứ ở một số tuyến đường, dù có nhẹ hơn.

Ngoài ra, nguồn ánh sáng từ đèn chiếu phục vụ thi công cũng gây chói mắt cho người tham gia giao thông. Tiếng ồn từ động cơ, máy cưa ảnh hưởng đến người dân xung quanh nếu thi công giờ khuya.

Mặt khác, về vấn đề kỹ thuật, ánh sáng đèn chỉ chiếu được một phần tán cây theo hướng chiếu và vẫn không thể thay thế ánh sáng tự nhiên nên không đảm bảo độ sáng để công nhân thi công an toàn. Người công nhân không quan sát được hết các góc, các phía của cành nhánh, tán cây hoặc phía khuất bên trong của tán lá nên thao tác rất chậm. Sau khi thi công, đơn vị vẫn phải kiểm tra lại lần 2 vào ban ngày để thực hiện cắt, sửa hoàn chỉnh.

"Nếu thực hiện vào ban đêm sẽ không đủ ánh sáng để quan sát, chẩn đoán, gây hạn chế trong xử lý an toàn cành, nhánh. Đặc biệt khó khăn khi thực hiện thao tác với các cây có chiều cao vượt trội như sao, dầu", ông Điệp nói.

Tuy nhiên, theo trung tâm, trong những tình huống khẩn cấp, một số công việc đặc thù vẫn triển khai vào ban đêm. Chẳng hạn, là việc giải tỏa cây bị thối gốc, cây bị đổ và cành, nhánh gãy sau khi xảy ra sự cố… Những việc này thì buộc phải thực hiện bất kỳ thời điểm nào để đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn cho nhà dân, công trình và khu vực...

Để giảm thiểu việc thi công chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh ảnh hưởng đến giao thông, Trung tâm Hạ tầng kiến nghị đối với các tuyến đường trung tâm, tuyến đường có lòng đường nhỏ, mật độ lưu thông cao… chỉ thực hiện ở các khung giờ thấp điểm; thực hiện rải rác từng cây trên tuyến trong một khoảng thời gian kéo dài; đảm bảo các biện pháp cảnh báo, điều tiết giao thông và khi có dấu hiệu ùn ứ thì lập tức tạm ngưng thi công, di chuyển ngay phương tiện khỏi khu vực.

Đối với các tuyến đường ít áp lực về mật độ xe cộ thì phải có công tác cảnh giới, điều tiết, hướng dẫn giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.