Hạ tầng

Triển khai sớm Long Thành để giảm tải Tân Sơn Nhất

26/06/2015, 05:55

Đây là chia sẻ của Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lê Mạnh Hùng với Báo Giao thông...

23
Ông Lê Mạnh Hùng

Đây là chia sẻ của Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lê Mạnh Hùng với Báo Giao thông ngay sau khi Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án CHK quốc tế Long Thành.

Dự án được trưng cầu ý kiến rộng rãi nhất từ trước đến nay

Quốc hội đã chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án CHK quốc tế Long Thành. Cảm xúc của ông lúc này thế nào?

Nhận được tin Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án với tỷ lệ ủng hộ rất cao, cảm giác đầu tiên của tôi là rất vui mừng và xúc động. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, trực tiếp là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã dành rất nhiều tâm huyết cho dự án này. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua chủ trương đầu tư dự án với một tinh thần trách nhiệm rất cao vì sự phát triển của đất nước.

Tôi muốn được chia sẻ rằng, trong quá trình làm báo cáo đầu tư, chúng tôi đã cố gắng tham khảo, tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và người dân… Đây là dự án được trưng cầu ý kiến rộng rãi nhất từ trước đến nay của Bộ GTVT.

Ngoài các cuộc hội thảo, các diễn đàn khoa học được tổ chức ở cả hai miền Nam, Bắc, chúng tôi cũng tiếp thu được rất nhiều ý kiến khác từ Hội đồng giám định Nhà nước, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân quan tâm... Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng được anh em quán triệt, thông suốt là phải làm dự án với tinh thần tiếp thu, cầu thị, với mục tiêu xây dựng một dự án thiết thực, hiệu quả, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi CHK quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay đã đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải. Đồng thời hình thành, phát triển một cảng hàng không đóng vai trò cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất của đất nước, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường hàng không Việt Nam, phục vụ phát triển KT-XH của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Sau khi dự án được thông qua, công việc đầu tiên tiếp theo cần phải làm là gì, thưa ông?

Thực tế trong quá trình thảo luận về dự án, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định, đến giờ triển khai đã là quá chậm, phải triển khai càng sớm càng tốt.

Với nhu cầu vận tải tăng cao, năm 2014, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ trên 22 triệu hành khách/năm, cao hơn công suất thiết kế. Hiện Tân Sơn Nhất đang được cải tạo, mở rộng để đạt công suất 25 triệu hành khách/năm. Dự kiến từ năm 2017, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ quá tải so với thiết kế 25 triệu hành khách/năm, quá tải công suất khai thác của đường hạ, cất cánh, sân đậu máy bay, nhà ga hành khách đồng thời lại bị hạn chế về vùng trời tiếp cận hạ, cất cánh, hạ tầng giao thông tiếp cận.

Nói như vậy để thấy những công việc cần triển khai đã rất gấp. Cụ thể, như Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT chuẩn bị đấu thầu chọn nhà thầu có năng lực, lập báo cáo khả thi trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Dự kiến sẽ mất khoảng hai năm để hoàn thành việc xây dựng báo cáo khả thi này. Song song đó, ACV sẽ tập trung mọi nguồn lực để chuẩn bị triển khai dự án ngay khi được Quốc hội thông qua.

Như trong Nghị quyết của Quốc hội, giai đoạn 1 của dự án sẽ được triển khai từ năm 2018-2025. Nhưng chúng tôi quyết tâm triển khai dự án sớm nhất có thể để đỡ gánh nặng quá tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất.

24
Phối cảnh dự án CHK quốc tế Long Thành

Sử dụng nguồn nhân lực cao để quản lý, khai thác, điều hành

Theo ông, khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án này là gì?

Cần phải nói rằng dự án CHK quốc tế Long Thành là một dự án hạ tầng có quy mô lớn. Trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế thế giới hồi phục chậm sau khủng hoảng, những bất ổn về an ninh, chính trị xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và trong khu vực sẽ là những tác nhân gây trở ngại không nhỏ cho Việt Nam trong việc kêu gọi, huy động nguồn vốn ODA và vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cho dự án.

Cùng đó, việc huy động vốn hỗn hợp, gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn tư nhân để thực hiện dự án trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay cũng có khó khăn. Ngoài ra, tôi cho rằng GPMB chắc chắn cũng sẽ là một vấn đề cần dành sự quan tâm thích đáng. Thực tế, việc GPMB cho dự án mặc dù đã được tỉnh Đồng Nai chuẩn bị công phu, bài bản nhưng khi thực hiện chắc chắn sẽ không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt, vấn đề tái định cư và bảo đảm đời sống, việc làm của người dân sinh sống ở nơi cư trú mới.

Cũng vì liên quan đến đời sống của rất nhiều hộ dân trong khu vực triển khai dự án mà Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Đồng Nai xây dựng báo cáo hết sức chi tiết về công tác GPMB, tái định cư. Việc này đến nay đã nhận được sự đồng thuận gần như tuyệt đối của người dân vùng dự án.

Ông có thể chia sẻ về công nghệ, kỹ thuật và quản lý, vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành?

Về công nghệ, dự án CHK quốc tế Long Thành được nghiên cứu, áp dụng những công nghệ hiện đại nhất cho các sân bay quốc tế trên thế giới và khu vực, đảm bảo năng lực khai thác theo tiêu chí đồng bộ, an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, hiệu quả. Trong giai đoạn lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xác định cụ thể những công nghệ, kỹ thuật áp dụng cho dự án, đảm bảo tính hiện đại đối với từng hạng mục công trình như hạ tầng khu bay, nhà ga, hệ thống trang thiết bị quản lý bay...

Đối với việc quản lý, vận hành, khai thác sau khi dự án hoàn thành, tôi có thể khẳng định, lực lượng lao động kỹ thuật, quản lý khai thác, quản lý điều hành bay cho CHK quốc tế Long Thành sau này sẽ sử dụng lực lượng quản lý vận hành có trình độ, nòng cốt của ngành Hàng không, được đào tạo nâng cao thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ kết hợp với lực lượng đào tạo mới tại các trung tâm đào tạo quốc tế.

Trong quá trình thiết kế và thi công, nguồn nhân lực này sẽ trực tiếp tham gia học tập và thực hành khi lắp đặt, vận hành chạy thử trang thiết bị, chắc chắn sẽ vận hành, khai thác tốt cảng hàng không có tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới như Long Thành.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.