Thế giới giao thông

Triệu phú Mỹ bán máy bay riêng để bảo vệ môi trường

23/07/2023, 08:00

Là người giàu có và đam mê máy bay, doanh nhân Stephen Prince đã quyết định bán chiếc máy bay riêng đắt nhất vì mục đích bảo vệ môi trường.

Đây là xu hướng đang được khích lệ khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Từ bỏ đam mê, gạt tiện lợi

img

Chiếc Cessna 650 Citation III của triệu phú Stephen Prince.

Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu chính sách của Mỹ, số lượng máy bay riêng trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua và thị trường trên tiếp tục bùng nổ. Riêng trong hai năm 2021 và 2022, ngành này ghi nhận khối lượng giao dịch kỷ lục.

Số lượng máy bay tư nhân toàn cầu đã tăng 133% trong hai thập kỷ qua từ 9.895 chiếc tính trong năm 2000 lên 23.133 chiếc vào giữa năm 2022.

Những chiếc máy bay riêng càng sang, càng độc lạ, hiện đại càng thể hiện được đẳng cấp của các triệu phú, tỷ phú. Tuy nhiên, chiếc máy bay nhỏ lại phát ra lượng khí thải gấp ít nhất 10 lần lượng khí thải của máy bay thương mại tính trên mỗi hành khách.

Hơn nữa, ước tính cứ 6 chuyến bay mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ xử lý lại có một chuyến bay tư nhân, trong khi lĩnh vực này chỉ đóng góp khoảng 2% thuế để phục vụ cho hoạt động của Cục này.

Giữa những quan ngại trên, đã có một chủ máy bay tư nhân quyết định từ bỏ sự thoải mái tiện nghi của mình để bảo vệ môi trường. Đó là ông Stephen Prince - doanh nhân trong ngành thẻ quà tặng và thanh toán, Phó chủ tịch nhóm triệu phú Mỹ Patriotic Millionairs.

“Tôi vô cùng sửng sốt khi biết rằng, chỉ vì tình yêu với máy bay tư nhân mà tôi đã gây ra rất nhiều vấn đề với môi trường và cả thế hệ tương lai. Tôi phải thay đổi, không thể tiếp tục như vậy”, ông Prince nói.

Cuối cùng, doanh nhân Prince đã quyết định từ bỏ chiếc máy bay tư nhân Cessna 650 Citation cỡ trung, tầm bay xa, có thể chở tới 9 hành khách.

Trước khi mua chiếc Citation III - chiếc máy bay lớn nhất và đắt nhất trong bộ sưu tập của mình, ông Prince đã sở hữu hơn 12 chiếc máy bay tư nhân. Riêng chi phí vận hành rơi vào khoảng 275.000-300.000 USD/năm.

Doanh nhân Mỹ thừa nhận: “Cảm giác sở hữu một chiếc máy bay riêng thật thích thú. Chưa kể, với những người làm kinh doanh, thường xuyên công tác, máy bay tư nhân là cách tốt nhất để đi lại. Nhưng tôi sẽ từ bỏ. Tôi sẽ quay lại sử dụng máy bay thương mại dù trong 6-7 năm qua tôi đã coi thường hình thức đi lại này vì phải xếp hàng dài, đối mặt nguy cơ hủy chuyến, mất hành lý…”.

Máy bay Cessna hiện đang được bán với giá khoảng 1 triệu USD và ở thị trường hiện nay, để tìm được người mua không hề khó.

Bên cạnh việc bán máy bay, doanh nhân Prince cho rằng, người giàu tại Mỹ nên đóng thêm thuế khi mua và sử dụng máy bay tư nhân: “Tôi nghĩ tất cả người Mỹ chúng ta chưa đóng đủ thuế cần thiết. Vẫn biết không ai muốn đóng thêm thuế và họ luôn tìm cách giải thích, bao biện nhưng lý do thực sự đó là tham lam, kể cả tôi cũng vậy”.

Dùng máy bay riêng sẽ đóng thêm thuế?

Doanh nhân Prince không phải là người duy nhất nghĩ vậy. Viện Nghiên cứu chính sách của Mỹ từng có hẳn một báo cáo để đề nghị cơ quan chức năng tăng thuế đối với hoạt động kinh doanh, sử dụng máy bay riêng cũng như thuế nhiên liệu.

Viện này đưa ra đề xuất áp thuế khoảng 10% doanh số đối với các máy bay đã sử dụng và 5% đối với máy bay mới. Họ cũng kêu gọi tăng thuế nhiên liệu máy bay liên bang lên gấp đôi từ 0,219 USD/gallon lên 0,438 USD/gallon đối với những người thường xuyên sử dụng máy bay tư nhân.

Nếu đề xuất này được áp dụng, ước tính, tỷ phú Elon Musk - một trong những người sử dụng máy bay tư nhân nhiều nhất tại Mỹ sẽ phải đóng thêm 3,94 triệu USD tiền thuế.

img

Máy bay tư nhân phát thải gây ô nhiễm môi trường gấp ít nhất 10 lần so với tỷ lệ khí thải từ máy bay thương mại tính trên mỗi hành khách.

Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ tính toán, trong năm 2022, ông Musk mua máy bay mới, thực hiện khoảng 171 chuyến, tiêu thụ hơn 220.000 gallon nhiên liệu máy bay và tạo ra 2.100 tấn khí thải - gấp 132 lần lượng khí thải từ hoạt động đi lại của một người bình thường ở Mỹ.

“Máy bay tư nhân phản ánh sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng. Sự giàu có và quyền lực đang tập trung trong tay một số ít người.

Từ góc độ sinh thái, chúng ta cần giảm carbon trong lĩnh vực hàng không. Đây là điểm khởi đầu cực kỳ tốt vì có thể giảm lượng phát thải carbon đáng kể trong khi chỉ ảnh hưởng tới số lượng người rất nhỏ. Cơ quan chức năng nên áp thêm các loại thuế cao hơn để hạn chế người sở hữu máy bay tư nhân”, ông Chuck Collins, một trong số tác giả của nghiên cứu trên chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông, để hạn chế tối đa nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân, cơ quan chức năng nên dừng những kế hoạch xây dựng hạ tầng hàng không tư nhân cũng như hình thức vận tải này.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia như Pháp và Ireland đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách siết chặt các quy định liên quan tới máy bay tư nhân để hạn chế số người sở hữu, sử dụng.

Hồi tháng 4, sân bay Schiphol tại Amsterdam đã thông báo cấm máy bay tư nhân hạ cánh. “Tôi nghĩ, đó là cách làm đúng đắn. Rất khó để cấm máy bay tư nhân nhưng đó là cái giá chúng ta cần trả để bảo vệ hệ sinh thái”, ông Chuck Collins nhận định.

Chung tay chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu và tình trạng này sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong những năm sắp tới nếu không có những biện pháp kiểm soát hữu hiệu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 18/7 đã đưa ra cảnh báo rủi ro sức khỏe liên quan đến nắng nóng cực độ, đồng thời nhấn mạnh thế giới nên chuẩn bị cho những đợt nắng nóng dữ dội và thường xuyên hơn. Hiện nay, nhiều khu vực ở châu Âu đang đối mặt với đợt nắng nóng khắc nghiệt. Các nước Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp… đang chứng kiến nền nhiệt cao nhất từ trước tới nay. Đảo Sardinia, Italia ghi nhận nhiệt độ lên tới 470C trong ngày 18/7.

Trong khi đó, châu Á lại đang chứng kiến những đợt mưa lũ nghiêm trọng. Đáng chú ý, tại Hàn Quốc, mưa lũ bất thường đã gây ra thảm họa khiến hơn 40 người thiệt mạng.

Theo Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới, Petteri Taalas, thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của biến đối khí hậu.

Hiện tượng El Nino mạnh cộng với sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra có thể đẩy nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 phá vỡ kỷ lục năm 2016. Trong khi đó, hiện tượng phá rừng và tác động thay đổi dòng chảy các con sông lớn tại châu Á cũng khiến mưa lũ xảy ra thường xuyên hơn.

Do đó, để đảm bảo an toàn và sinh kế của người dân, chính phủ các nước ngoài việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm và chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết bất ổn tiếp theo thì cần phải tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.