Bạn cần biết

Trồng dược liệu cát cánh tạo hướng đi mới thoát nghèo cho bà con dân tộc Bình Nguyên

24/01/2024, 11:33

Dù mới bắt tay trồng dược liệu cát cánh trên thửa đất 200 m2 chưa đầy năm, nhưng nhìn thành quả thu về 3,5 triệu đồng của vợ chồng anh Phùng Sảnh Khuân dân tộc Dao (xóm Nà Mùng, xã Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng) nở nụ cười hạnh phúc.

Góp phần thoát nghèo từ phát triển trồng dược liệu

Trên thửa đất 200 m2, thay vì trồng ngô, anh Phùng Sảnh Khuân, dân tộc Dao (xóm Nà Mùng, xã Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng) trồng thử loại cây dược liệu mới theo sự vận động của hợp tác xã Nông nghiệp dược liệu Nguyên Bình. Sau 8 tháng chăm bón, từng luống cát cánh thẳng tăm tắp bắt đầu lụi lá chuẩn bị cho thu hoạch củ.

Khi cán bộ HTX về tận vườn bao tiêu thu mua sản phẩm, vợ chồng anh Khuân cùng 2 cô con gái cùng ra thu hoạch. Người dỡ luống, đào củ, người thu gom, đóng vào bao tải. Thành phẩm đóng đầy 5 bao được đưa lên cân.

Trồng dược liệu cát cánh tạo hướng đi mới thoát nghèo cho bà con dân tộc Bình Nguyên- Ảnh 1.

Vợ chồng anh Khuân (Nguyên Bình, Cao Bằng) phấn khởi thu hoạch lứa dược liệu cát cánh đầu tiên.

Đôi mắt vợ chồng anh Khuân lấp lánh niềm vui khi được cán bộ HTX trao 3,5 triệu đồng cho đợt thu mua cát cánh đầu tiên. "Nhiều hơn những gì gia đình mong muốn bởi trên mảnh đất ấy chỉ trồng ngô như mọi năm thì không có chừng này tiền đâu, được ít lắm. Hơn nữa, việc trồng loại cây này được cán bộ hỗ trợ hết từ giống, phân bón, kể cả nilon trái gốc đến bao đựng thành phẩm, còn được hướng dẫn rất kỹ nữa, nên mình chỉ bỏ công sức thôi. Sang năm, chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa diện tích trồng loại cây dược liệu này", anh Khuân nói.

Còn tại điểm tập kết thu mua sản phẩm dược liệu trên xã Phan Thanh, từng nhóm bà con nông dân thồ chất đống bao đựng củ cát cánh, đương quy, thơm nức. Khuôn mặt chàng trai trẻ Hoàng Chàn Vảng (xóm Tổng Sơ, xã Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng) tươi rói sau khi bán 95 kg cát cánh và 19kg đương quy được gần 3 triệu đồng.

Vảng nói: "Đây là năm đầu tiên bà con trồng thử dược liệu đương quy, cát cánh nếu hiệu quả sẽ trồng nhiều hơn nữa. Riêng gia đình tôi trồng khoảng 400 m2 đương quy, thu hoạch bán được 2.750.000 đồng, đạt năng suất lắm.

Chúng tôi chỉ mất công nhặt cỏ, chăm sóc còn lại hạt giống, phân bón, rồi nilon đều được công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình cung cấp miễn phí. Hơn nữa còn được hướng dẫn các kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nếu so sánh trên cũng mảnh đất đó, năm trước trồng ngô chỉ thu về được vài trăm nghìn thôi không được như trồng dược liệu này đâu".

Trồng dược liệu cát cánh tạo hướng đi mới thoát nghèo cho bà con dân tộc Bình Nguyên- Ảnh 2.

Hoàng Chàn Vảng cho biết trồng dược liệu cát cánh, đương quy mang lại thu nhập cao hơn so với các cây trồng lương thực khác.

Vảng cho biết thêm: "Trước khi bắt tay vào trồng, bà con cũng được Công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình cho đi xem thực tế trồng ở Bắc Hà, thấy cho năng suất cao, dự án hỗ trợ cho trồng thử ở Phan Thanh xem thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng xem có phù hợp với trồng đương quy, cát cánh hay không. Sau thời gian trồng, rồi thu hoạch như hôm nay, thấy có hiệu quả hơn so với trồng ngô rất nhiều".

"Sang năm sẽ cố gắng và bảo bà con trồng thêm nhiều nữa. Hiện trong bản có 10 hộ trung bình mỗi hộ trồng thử khoảng 400 m2. Thấy mọi người đều phấn khởi, ai ai cũng bảo sẽ lại trồng tiếp trong năm tới", Vảng chia sẻ.

Thu được gần 29 kg cát cánh và 25 kg đương quy, anh Phùng Vần Kiên (xã Nà Mùng, Phan Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng) cho hay: "Tiếc quá, vì nhà neo người chỉ có một mình làm. Hơn nữa nửa thửa cát cánh gần đến thu hoạch bị lợn vào phá ăn hết, nên bán được có hơn 1 triệu đồng".

Theo chia sẻ của anh Bàn Văn Sơn, cán bộ xã Thành Công, lứa trồng thử đầu tiên này dù khi gieo trồng chưa phải là thời điểm thuận lợi nhất, Hơn nữa, nhiều kỹ thuật như cần bới luống cao hơn để có không gian cho củ phát triển chưa được bà con chú trọng… nhưng cũng đã mang lại kết quả thu hoạch tốt hơn mong đợi. Bà con phấn khởi vì nguồn thu nhập tốt hơn khi tham gia trồng các loại cây dược liệu. Rút kinh nghiệm, chắc chắn vụ mùa tới sản lượng còn cao hơn.

Định hướng phát triển nguồn dược liệu địa phương

Để cải thiện đời sống cho bà con dân tộc Dao, Công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình đã nghiên cứu, định hướng, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, đảm bảo bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm trồng trọt và có thu nhập ổn định.

Trồng dược liệu cát cánh tạo hướng đi mới thoát nghèo cho bà con dân tộc Bình Nguyên- Ảnh 3.

Bà con ở xã Phan Thanh (Nguyên Bình, Cao Bằng) tìm hướng đi mới thoát nghèo nhờ trồng dược liệu cát cánh, đương quy.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình cho biết: "Qua nghiên cứu về vùng đất, thổ nhưỡng, đến thực địa, chúng tôi vận động bà con xã Phan Thanh phát triển trồng nguồn thảo dược cát cánh và đương quy. Trước tiên, chúng tôi đã đưa bà con sang tham quan mô hình trồng trọt phát triển nguồn dược liệu ở Bắc Hà, Lào Cai, nơi dự án đã rất thành công để bà con học tập.

Sau đó, tập huấn, hướng dẫn và triển khai cho bà con trồng, cung cấp hoàn toàn miễn phí giống, phân bón và nilon cho bà con nông dân đồng thời cử cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình từ khi trồng đến khi thu hoạch. Sau 8 tháng đã thu hoạch và nhận được kết quả như mong muốn".

"Để phát triển bền vững nguồn dược liệu do bà con trồng, chúng tôi làm việc với các HTX huyện Nguyên Bình, cam kết trước khi trồng, đảm bảo bảo tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con ổn định với hướng đi lâu dài, để bà con yên tâm", ông Đức chia sẻ thêm.

Trồng dược liệu cát cánh tạo hướng đi mới thoát nghèo cho bà con dân tộc Bình Nguyên- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Nguyên Bình cam kết bảo đảm bao tiêu ổn định giúp bà con có hướng phát triển lâu dài.

Đại diện đơn vị này cho hay: "So năng suất trồng ngô, sản lượng dược liệu như cát cánh, đương quy mang lại đạt ít nhất là gấp 2-3 lần, đồng nghĩa với việc kéo theo thu nhập cũng tăng, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho bà con nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ mở rộng hơn nữa diện tích trồng dược liệu này không chỉ gói gọn trong xã Phan Thanh mà ở nhiều xã khác tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng".

Chia sẻ về vấn đề này, ông Mã Văn Vịnh, Phó chủ tịch huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết được lựa chọn là vùng phát triển dược liệu của tỉnh, thực hiện chương trình trọng tâm của huyện ủy về phát triển cây dược liệu, cây quế, ngay từ đầu nhiệm kỳ năm 2020 đến nay, huyện trồng được trên 2.000 ha cây quế, dự kiến năm 2024 mở thêm diện tích 170 ha.

Diện tích cây quế, các chương trình của huyện là phát triển cây quế là dược liệu dưới tán rừng theo quyết định 1719 của Thủ tướng chính phủ, huyện Nguyên Bình đã được tỉnh Cao Bằng chọn là vùng dược liệu của tỉnh. Huyện đã chọn được chủ chuỗi trồng dược liệu trên địa bàn.

"Trước đây, người dân đã được các doanh nghiệp hỗ trợ giống trồng cây dược liệu trên địa bàn ở các xã Vũ Minh, Thịnh Vượng, Minh Tâm, Hoa Thám, Tam Kim. Hiện, huyện phối hợp với Viện dược liệu quốc gia đã khảo sát khảo sát 1.437 ha diện tích rừng trồng trên từng xã. Người dân trước đây trồng lúa ngô theo mùa.

Ngoài cây dược liệu, các loại cây đặc sản thế mạnh của địa phương như dong riềng, cây lê, cây thanh long được định hướng phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa của các địa phương. Từ đó, thu nhập của người dân thay đổi, tỷ lệ giảm nghèo thay đổi rõ rệt 5 - 6%", ông Vịnh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.