Xã hội

Trừ điểm bằng lái tạo răn đe, ngăn vi phạm

Bộ Công an đang bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) để đưa vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định trừ điểm bằng lái sẽ nâng cao được ý thức của tài xế, nhiều người không dám vi phạm vì lo bị trừ điểm dẫn đến phải học và sát hạch lại rất tốn kém.

Số điểm trừ căn cứ vào mức độ vi phạm

Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất trừ điểm GPLX, đại diện cơ quan chuyên môn của Bộ Công an tham gia soạn thảo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho biết, các nội dung trong dự thảo đang được Cục Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với một số đơn vị bổ sung hoàn thiện.

Trừ điểm bằng lái tạo răn đe, ngăn vi phạm- Ảnh 1.

Nhiều chuyên gia cho rằng, áp dụng hình thức trừ điểm bằng lái sẽ giúp nâng cao ý thức người lái xe. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

"Đề xuất quy định điểm, trừ điểm GPLX là nội dung hoàn toàn mới trong dự thảo lần này", vị đại diện nói và nhấn mạnh, Chính phủ sẽ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục trừ điểm; Những hành vi nào thì trừ điểm trên cơ sở mức điểm trừ với một lần vi phạm không trùng với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính khác.

Bị trừ hết điểm phải học và thi lại

Theo đề xuất của Bộ Công an, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Khi tài xế bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp giấy phép lái xe trở lại thì phải tham gia sát hạch trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe (bị trừ hết điểm) hết hiệu lực.

Cũng theo Bộ Công an, các thông tin về tổng số điểm, số điểm bị trừ và điểm còn lại được hiển thị trên hệ thống quản lý đang được cơ quan chức năng nghiên cứu.

Bộ Công an đánh giá đề xuất tính điểm bằng lái xe giúp quản lý người lái xe được toàn diện hơn, mục đích là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Qua đó, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn bộ quá trình thực hiện của người lái xe sau mỗi lần vi phạm.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất trên, Thượng tá Phạm Việt Công, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, quy định này có ý nghĩa rất lớn để quản lý người lái xe, phù hợp với xu hướng quản lý phương tiện, người lái bằng ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo thượng tá Phạm Việt Công, việc trừ bao nhiêu điểm cần căn cứ vào mức độ hành vi vi phạm của người bị trừ điểm; Căn cứ vào hành vi đó có cố tình hay vì nguyên nhân khác. "Thang điểm là bao nhiêu sẽ được tính toán, tuy nhiên nên tập trung vào các lỗi mang tính chất cố ý để trừ điểm", ông Công nêu quan điểm.

Cũng theo ông Công, trừ điểm GPLX còn là hình thức quản lý để mỗi tài xế có trách nhiệm hơn khi điều khiển phương tiện, đồng thời chủ động hơn khi tham gia giao thông. Về lâu dài, việc quản lý người lái xe phải được thực hiện trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, cho đến quá trình chấp hành pháp luật, việc tái phạm của người đó.

"Nếu trong một năm mỗi tài xế có 12 điểm và sau mỗi lần vi phạm người đó bị trừ điểm, họ sẽ phải càng chấp hành tốt hơn Luật Giao thông đường bộ. Mục đích để không tiếp tục vi phạm dẫn đến bị trừ thêm điểm, từ đó phải học và thi sát hạch lại. Đặc biệt, với tài xế lái xe thường xuyên, họ sẽ điều chỉnh được biên độ phù hợp để không tái phạm sau khi bị trừ điểm.

Mục tiêu lâu dài của đề xuất trừ điểm GPLX là dần nâng cao ý thức, hình thành nền nếp lái xe tuân thủ pháp luật của mỗi tài xế. Điều này cũng phù hợp với xu thế của nhiều quốc gia trong công tác quản lý người lái", thượng tá Công cho hay.

Tài xế sẽ biết sợ hơn

Đồng tình với đề xuất trừ điểm GPLX, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình) cho rằng, áp dụng hình thức trừ điểm sẽ giúp nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trừ điểm bằng lái tạo răn đe, ngăn vi phạm- Ảnh 2.

Khi áp dụng trừ điểm bằng lái, nếu vi phạm nhiều lần, tài xế sẽ phải học và sát hạch lại để cấp mới. Ảnh: Tạ Hải.

Theo đại biểu, tính điểm và trừ điểm GPLX là một trong những biện pháp quản lý Nhà nước, không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính.

Ông lý giải, mỗi năm, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước xử phạt khoảng 5 triệu người vi phạm và tạm giữ hàng trăm nghìn GPLX các hạng. Số bằng lái này có nhiều trường hợp không có ai đến nhận, giải quyết. Điều đó cho thấy bất cập trong công tác quản lý, cấp và cấp đổi GPLX chưa chặt chẽ. Do đó, cơ quan quản lý nên tính toán ứng dụng công nghệ vào công tác này.

Cũng theo đại biểu, một số nước trên thế giới đang áp dụng hình thức trừ điểm GPLX nhằm đánh giá thái độ của tài xế khi họ vi phạm. "Như vậy, trừ điểm GPLX buộc tài xế phải ý thức hơn nữa, nếu không sẽ bị tước GPLX và phải học lại, thi lại thì mới được cấp lại", chuyên gia nhìn nhận.

Cùng nêu quan điểm, thạc sĩ Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trừ điểm GPLX không chỉ là biện pháp xử lý hành chính, mà mục tiêu cao hơn là định hướng hành vi của mỗi người lái xe. "Khi đã vi phạm và bị trừ điểm, tài xế muốn không tiếp tục bị mất điểm thì buộc không vi phạm luật nữa", luật sư lý giải.

Theo ông, hiện nay chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông vẫn chưa đủ sức răn đe. Điều này khiến nhiều người vi phạm tìm mọi cách để "lách" dẫn đến vi phạm tràn lan. Như vậy, trừ điểm GPLX sẽ là một biện pháp giúp siết chặt hơn công tác quản lý Nhà nước.

Theo luật sư, việc trừ mỗi điểm trên bằng lái xe cần được xây dựng theo quy chuẩn của pháp luật về an toàn giao thông. Khi đó, cơ quan quản lý mới đánh giá được lỗi đó sẽ bị trừ bao nhiêu điểm.

"Quan trọng nhất là làm thế nào để biết ai là người lái xe khi chúng ta đang tiến tới áp dụng triệt để, đồng bộ công nghệ trong vấn đề giám sát giao thông?

Một khi đã áp dụng đồng bộ, đồng nghĩa với việc sẽ dựa trên thiết bị, phương tiện kỹ thuật để xử lý phương tiện vi phạm. Trường hợp không biết người nào đang điều khiển phương tiện, dễ dẫn đến tình trạng trốn tránh trách nhiệm bằng cách nhờ người khác "đánh tráo" giấy phép lái xe. Do đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ các tình huống", luật sư góp ý.

Liên thông dữ liệu, xây dựng phần mềm riêng để giám sát

Luật sư Tuấn Anh cũng cho rằng, cần đặt ra điều kiện để thực hiện quy định trừ điểm này. Đó là cần có sự đồng bộ, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh công dân.

Trước đây, cơ quan chức năng áp dụng hình thức "bấm lỗ bằng lái" một cách cơ học, nên tài xế vi phạm nhiều lần dễ dàng làm lại bằng lái xe khác. Song với sự liên thông dữ liệu hiện nay, tình trạng này sẽ không thể tiếp diễn. "Toàn bộ thông tin về số điểm GPLX, tình trạng bằng lái có bị tước hay không, thậm chí là số lần vi phạm đều được hiển thị qua định danh công dân của tài xế", luật sư nói.

Theo luật sư, hiện các cơ sở dữ liệu đã có sự liên thông với nhau, đây là điều kiện đầy đủ để áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý người lái. Và trừ điểm GPLX là một biện pháp cần thiết, có thể thực hiện ngay được.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, hiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang đề xuất cơ quan xử lý vi phạm sẽ quản lý trừ điểm GPLX. Ngành giao thông quản lý GPLX sẽ phối hợp với ngành công an trong quản lý, khi một người bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại, sau khi được cấp lại GPLX sẽ được phục hồi điểm.

"Có thể ngành công an sẽ xây dựng phần mềm riêng để quản lý, giám sát số lần vi phạm bị trừ điểm của tài xế. Khi đó, dữ liệu quản lý GPLX sẽ được kết nối dùng chung. Dữ liệu số lần trừ điểm trên GPLX của tài xế sẽ được cập nhật vào phần mềm. Quá trình cấp đổi GPLX sẽ được căn cứ trên phần mềm này để thực hiện", ông Thống nói.

Nhiều nước áp dụng quy định trừ điểm bằng lái

Trên thế giới, có khoảng 26 quốc gia/vùng lãnh thổ đã áp dụng hệ thống tính điểm phạt hoặc điểm trừ bằng lái xe để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông.

Mỗi khu vực sẽ có cách tính điểm trừ bằng lái khác nhau nhưng nhìn chung khi tài xế vi phạm luật giao thông, ngoài phạt hành chính hoặc hình sự, họ sẽ bị trừ điểm trên bằng lái. Nếu bị trừ hết điểm trong một khoảng thời gian nhất định, người sở hữu bằng lái sẽ phải thi lấy bằng lại từ đầu.

Tại Mỹ, nước này cũng áp dụng hệ thống tính điểm bằng lái nhưng mỗi bang lại có quy định khác nhau về việc trừ điểm.

Ở bang Arizona, người vi phạm nếu bị trừ 8 điểm trong một năm sẽ bị treo bằng lái. Tuy nhiên, luật của bang này quy định lỗi uống rượu bia khi lái xe bị phạt rất nặng, chỉ một lần vi phạm là bị trừ hết 8 điểm kèm theo các hình phạt tiền, phạt tù và biện pháp quản chế khác.

Tại bang California, hành vi không tuân theo hiệu lệnh của CSGT bị phạt 1 điểm, vượt quá tốc độ cho phép bị phạt 1 điểm, sử dụng rượu hoặc chất kích thích khi lái xe bị phạt 2 điểm... Khi người vi phạm bị phạt quá 4 điểm trong 12 tháng, 6 điểm trong 24 tháng hoặc 8 điểm trong 36 tháng sẽ bị treo bằng lái.

Mặt khác, các công ty bảo hiểm tại Mỹ cũng được quyền truy cập cơ sở dữ liệu về những khách hàng đang chịu điểm phạt. Người vi phạm khi muốn gia hạn hợp đồng bảo hiểm sẽ phải chịu mức phí cao hơn bình thường rất nhiều.

Tại Australia, việc tính điểm bằng lái được tất cả các bang áp dụng và cơ quan quản lý đường bộ tại các bang có trách nhiệm chia sẻ thông tin về các vi phạm của người tham gia giao thông giữa các bang. Gần như tất cả các bang ở Australia, mỗi tài xế có giới hạn trừ thông thường là 12 điểm, lái xe chuyên nghiệp có thể có số điểm trừ cao hơn. Nếu họ bị trừ 12 điểm trong vòng 3 năm thì sẽ bị treo bằng trong ít nhất 3 tháng. Cứ mỗi 4 điểm âm, tài xế sẽ bị treo bằng thêm 1 tháng.

Chỉ riêng bang New South Wales, tài xế bị trừ 13 điểm trong 3 năm có thể bị treo bằng.

Cũng như các quốc gia khác, hành vi lái xe trong lúc đang bị ảnh hưởng của rượu/ma túy hoặc lái xe quá tốc độ ở mức nghiêm trọng, hầu hết các bang ở nước này đều quy định đình chỉ giấy phép ngay lập tức.

Nếu liên tục vượt quá giới hạn điểm trừ hai lần trong vòng 5 năm, tài xế sở hữu bằng lái đầy đủ sẽ bị tước bằng và phải thực hiện lại bài kiểm tra kiến thức lái xe.

Trung Quốc cũng áp dụng hệ thống 12 điểm và sẽ được làm mới vào ngày 1/1 hằng năm. Nếu người vi phạm mất 12 điểm trong 1 năm thì bị treo bằng. Để lấy lại giấy phép, tài xế sẽ phải trải qua khóa học 2 tuần ở trung tâm, nộp phạt và thi lấy bằng. Nếu thi đậu thì được trả bằng, không đậu thì thi lại. Trong trường hợp không tham gia khóa học hay kỳ thi, bằng lái xe sẽ bị hủy.

Còn tại Đức, người dân nước này chỉ cần chạm ngưỡng phạt 8 điểm là đã bị tịch thu bằng lái. Và những điểm phạt này tồn tại rất lâu trên hệ thống dữ liệu, có thể kéo dài từ 2,5-10 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Trang Trần

Nên sớm áp dụng trừ điểm bằng láiNên sớm áp dụng trừ điểm bằng lái

Có thể nói, đề xuất trừ điểm, treo bằng lái với tài xế vi phạm giao thông nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận thời gian qua. Đa số ý kiến đều đồng tình, ủng hộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.