Thế giới giao thông

Trung Quốc muốn áp dụng trí tuệ nhân tạo trong vận tải đường thủy

16/12/2023, 08:00

Trung Quốc đặt mục tiêu áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhằm hiện đại hóa hệ thống vận tải đường thủy, qua đó cải thiện tính hiệu quả, bền vững và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Tăng cường sử dụng công nghệ thông minh

Ngày 15/12, báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP) cho biết, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã công bố kế hoạch áp dụng công nghệ thông minh như 5G, big data và trí tuệ nhân tạo tại các cảng, tuyến đường thủy lớn vào năm 2027 trên trang web chính thức của cơ quan này hồi đầu tháng.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc kêu gọi các cảng container tăng cường vận hành tự động, sử dụng các công nghệ như phương tiện tự động, xe tải không người lái và cơ sở hạ tầng kiểm soát từ xa.

Giới chức Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới kỹ thuật số cho các tuyến đường thủy trong đất liền và các cảng biển chính của quốc gia này như tại cảng Thượng Hải, Đại Liên và Thiên Tân.

Trung Quốc đặt mục tiêu áp dụng công nghệ AI trong lĩnh vực vận tải đường thủy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc khuyến khích sử dụng công nghệ thông minh trong bảo trì và vận hành hoạt động vận tải đường thủy. 

Một số biện pháp có thể kể tới như sử dụng tàu không người lái tuần tra các tuyến đường thủy, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và Internet Vạn vật trong số hóa các cảng, tuyến đường thủy.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu các cảng, tuyến đường thủy tiến tới sử dụng những nguồn năng lượng, thiết bị mới.

Ông Dong Yang, Phó giáo sư về lĩnh vực vận tải và logistics tại Đại học Tổng hợp Hong Kong cho biết: “So với đường bộ và đường sắt, hoạt động vận tải bằng đường thủy có chi phí thấp hơn, ít phát thải hơn và an toàn hơn. Đây là lý do vì sao Trung Quốc đã nỗ lực phát triển hoạt động vận tải đường thủy trong nhiều năm”.

Chuyên gia này nhận định, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để cải tiến quá trình đưa ra quyết định là bước tiến cần thiết trong quá trình phát triển hoạt động vận tải đường thủy tại Trung Quốc.

Kỳ vọng giảm phụ thuộc vào đường bộ

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã tận dụng mạng lưới đường thủy rộng lớn để hỗ trợ phát triển kinh tế, từ đó hình thành các khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ tại đồng bằng sông Trường Giang và Châu Giang.

SCMP nhận định việc Bắc Kinh thúc đẩy tối ưu hóa hệ thống vận tải đường thủy có thể giúp quốc gia này giảm phụ thuộc vào đường bộ. Vào năm ngoái, gầm ¾ lượng hàng hóa của quốc gia này được vận chuyển bằng đường bộ trong khi chỉ 16,9% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy.

Theo Diễn đàn Vận tải quốc tế, ước tính hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ có thể phát thải lượng CO2 gấp 100 lần so với vận chuyển bằng đường thủy xét trên cùng lượng hàng hóa và quãng đường vận chuyển.

Chuyên gia Yang cho rằng: “Việc sử dụng công nghệ thông minh đang là xu hướng trong ngành công nghiệp vận tải đường thủy bởi có thể làm tăng mức độ hiệu quả, thân thiện với môi trường”.

Theo SCMP, Trung Quốc đã tập trung phát triển các tuyến đường thủy sau khi Bộ Giao thông vận tải nước này công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Vận tải đường thủy vào năm 2019, nhấn mạnh vào mục tiêu kỹ thuật số hóa và bền vững, thân thiện với môi trường.

Đầu tư tài sản cố định (FAI) quốc gia của Trung Quốc vào hoạt động vận tải đường thủy đã tăng trung bình 12,5% mỗi năm trong ba năm qua, theo số liệu từ Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm, tổng FAI của Trung Quốc vào mạng lưới vận tải đường bộ, đường thủy là 2,57 nghìn tỷ nhân dân tệ (361,4 tỷ USD), tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, FAI vào đường bộ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái còn FAI vào đường thủy tăng tới 25,8%.

Theo SCMP, Trung Quốc đang chuyển sang ứng dụng công nghệ tối tân như trí tuệ nhân tạo để tăng mức độ hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như chất bán dẫn trong bối cảnh Bắc Kinh đang chịu áp lực chuyển dịch sang chuỗi cung ứng giá trị cao trước sự cạnh tranh gay gắt của những quốc gia như Mexico và Ấn Độ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.