img

Từng vào sinh ra tử với hàng trăm trận đánh, nổi tiếng là vị tướng tài ba, khi về với cuộc sống đời thường, ông lại là một công dân mẫu mực, người chồng hết mực thủy chung, yêu thương vợ con. Đó là Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, một trong 10 cá nhân vừa vinh dự được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 1.

Bước sang tuổi 92, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói sang sảng, ánh mắt tinh anh. 

Mỗi sáng, ông vẫn đi bộ, tập thể dục, rồi cập nhật tin tức thông qua đọc báo, lướt Facebook trên điện thoại. "Tôi chỉ hơi lãng tai, còn chưa cần ai phải phục vụ", ông cười hồn hậu cho hay.

Trong căn phòng nhỏ ấm cúng ngập tràn sách, vị tướng quê xứ Đoài chia sẻ, khi đón nhận thông tin được tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, cảm xúc trong ông thật đặc biệt. 

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 2.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, một trong 10 cá nhân vừa vinh dự được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2023

Ông tham gia hàng trăm trận đánh, bôn ba qua rất nhiều địa danh, nhưng nơi ông gắn bó sâu nặng nhất vẫn là Thủ đô Hà Nội.

"Tôi sinh ra ở ngoại thành Hà Nội, những năm đầu tham gia kháng chiến của tôi là ở Hà Nội. Tôi đã trải qua những giai đoạn khốn khó nhất của nạn đói, chiến tranh tại Hà Nội, cũng được chứng kiến những thời khắc hào hùng, lịch sử của Thủ đô. Giờ đây, cả đại gia đình tôi lại được sống giữa lòng Hà Nội", ông chia sẻ.

Trong câu chuyện, những ký ức của ông với Hà Nội vẫn như mới ngày hôm qua.

Hơn chục tuổi đầu, cậu bé Khuất Duy Tiến đã phải chứng kiến cảnh bần cùng của nạn đói trước năm 1945, cướp đi mạng sống của hơn 400 người dân của xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) quê ông. "Trong đó, có 2 người chú ruột của tôi. Nghèo đói cũng khiến 5 anh em ruột của tôi ra đi vì bệnh tật không được chữa trị", ông kể.

Vào tháng 9/1945, khi mới 14 tuổi, cậu bé Khuất Duy Tiến bắt đầu tham gia các hoạt động của Việt Minh, ban đầu là dân quân tự vệ xã, sau phụ trách đội thiếu niên ở quê nhà.

Cuối năm 1949, trong lần thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt tên lý trưởng xã Đại Đồng, ông cùng một số đồng đội bị bắt, bị tra tấn dã man rồi đưa về nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, ông vẫn tích cực hoạt động cách mạng. Đến năm 1950, ông và hai đồng đội trốn khỏi nhà tù, viết đơn vào bộ đội.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 3.

Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến

19 tuổi chính thức vào bộ đội, ông từ vai trò anh nuôi, liên lạc viên, đến tiểu đội trưởng, trung đoàn trưởng... tham gia hàng trăm trận chiến lớn nhỏ chống Pháp, đánh Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế... 

Trong đó, nghệ thuật nghi binh hoàn hảo của ông trong chiến dịch Tây Nguyên đã tạo thế đánh bật địch khỏi Tây Nguyên, giải phóng "nóc nhà của Đông Dương", tạo nên chiến thắng thần tốc "1 ngày bằng 20 năm".

"Hơn 50 năm gắn bó với binh nghiệp, tôi không nhớ nổi mình tham gia bao nhiêu trận đánh. Nhưng tôi không thể quên những hoạt động cách mạng đầu tiên, những trận đánh đầu tiên tôi tham gia là ở Hà Nội. 

Tôi có 8 lần bị thương, vết thương lớn nhất là ở đùi trái, chính là trong trận chiến đầu tiên khi chống địch càn vào làng Hạ Băng, huyện Thạch Thất năm 1950", ông kể.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 4.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 5.

Vợ chồng Trung tướng Khuất Duy Tiến chụp ảnh cùng các con, cháu Ảnh: Tạ Hải

Tiếp câu chuyện về danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú mà ông vừa vinh dự nhận được, Trung tướng Khuất Duy Tiến cho hay, khi nghe tin, con cháu ông cũng rất vui mừng và hãnh diện.

"Đối với gia đình, tôi luôn răn dạy con cháu, khi tôi đã được tặng thưởng danh hiệu này, con cháu phải thấy có trách nhiệm với Thủ đô, nhân dân, với nơi mình đang sống, làm việc hơn. 

Nếu đang làm gì phải làm thật tốt, đoàn kết, gương mẫu, phải suy nghĩ vì cha mình, ông mình, hãy là hạt nhân mẫu mực của Thủ đô, để Thủ đô ngày càng hiện đại văn minh", ông trải lòng.

Ông Phan Chu Thành, Bí thư chi bộ Khu dân cư số 1 phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội (nơi gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến đang sinh sống) chia sẻ, Trung tướng Khuất Duy Tiến là một đảng viên, một cựu chiến binh mẫu mực, sống rất chan hòa, tình cảm.

"Ông luôn tích cực tham gia ủng hộ các quỹ, giúp đỡ các đồng đội, cựu chiến binh, thường xuyên tham gia những hội nghị, cuộc họp của tổ dân phố. 

Ông có nhiều ý kiến đóng góp mang tính định hướng tốt nhất để xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, văn minh, phát triển", ông Thành nói và cho biết thêm, khi được mời góp ý vào các dự thảo hoặc văn bản quan trọng của địa phương hay cấp cao hơn, bao giờ Trung tướng Khuất Duy Tiến cũng có những ý kiến rất tâm huyết, quý báu.

Còn theo lãnh đạo UBND phường Điện Biên, Trung tướng Khuất Duy Tiến là tấm gương cho các thế hệ noi theo về cách ứng xử trong gia đình, sự gắn kết trong cộng đồng: "Gia đình ông gồm nhiều thế hệ cùng chung sống đoàn kết, các con, cháu của ông đều thành đạt, nhiều người có địa vị cao trong xã hội".

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 6.

Trung tướng Khuất Duy Tiến cùng vợ là bà Vũ Thị Hồng Vân Ảnh: Tạ Hải

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 7.

Sau những năm tháng dài bôn ba trên chiến trường, giờ đây Trung tướng Khuất Duy Tiến đang có cuộc sống bình dị, quây quần bên vợ, các con cháu giữa Thủ đô.

Ông bà có 4 người con gồm 2 trai, 2 gái đều thành đạt. Đặc biệt, cả đại gia đình ông vẫn chung sống hòa thuận, hạnh phúc trong cùng một khu nhà.

"Gia đình tôi được như ngày hôm nay, là công tất cả của bà ấy. Tôi thì biền biệt các chiến trường, chỉ biết đến việc công. Việc tận hiếu với bố mẹ hai nhà, nuôi dạy con cái, trông cả vào bà ấy, nên các con tôi mới trưởng thành", ông hướng đôi mắt đầm ấm nhìn về người vợ của mình, tự hào chia sẻ.

Kể về vợ, đôi mắt của vị lão tướng nhiều lần loáng ướt vì xúc động.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 8.

Trung tướng Khuất Duy Tiến

Bà Vũ Thị Hồng Vân - vợ Trung tướng Khuất Duy Tiến là một phụ nữ đẹp, lại sinh trưởng trong gia đình gia giáo, có bố từng làm chủ tịch huyện. Ông và bà cùng quê xã Đại Đồng. Ông hơn bà nhiều tuổi, nên khi ông đi bộ đội, bà vẫn còn nhỏ.

Đến năm 1955, khi đã ở độ tuổi 24, ông gặp lại bà trong một lần về phép. Ngỡ ngàng khi thấy cô bé ngày nào trở thành cô gái xinh đẹp, ông làm quen và hai người thư từ qua lại, nảy sinh lòng cảm mến.

Hai người nên duyên vợ chồng năm 1958. Tính cả lễ cưới, ông chỉ được nghỉ ba ngày. Sau đó, vì việc quân, ông cũng đi biền biệt, có khi vài năm mới về nhà được vài ngày. 

Ở nhà, bà Vân vừa công tác ở bệnh viện, vừa lo chăm sóc cha mẹ chồng, rồi lần lượt sinh cho ông 6 người con. Không may, hai người con đã mất từ lúc còn nhỏ.

"Trong suốt hơn 50 năm binh nghiệp, tôi dành toàn tâm toàn ý cho chiến trường, bà ấy ở nhà lo toan tất cả", ông kể.

Chia sẻ về người chồng của mình, bà Vũ Thị Hồng Vân cho biết, khi còn công tác, dù rất ít về nhà nhưng ông thường xuyên gửi gắm tình cảm và nhắc nhở các con tỉ mỉ qua từng lá thư. 

Mỗi lần về phép, ông thường đưa các con tới hiệu sách, tranh thủ chỉ bảo các con thực hiện nền nếp sinh hoạt gọn gàng, ngăn nắp, khoa học như bộ đội, từ việc gấp chăn màn, sắp xếp giày dép, vật dụng cá nhân...

"Ông không đánh mắng các con bao giờ, chỉ bảo nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc. Dù ông ít khi có mặt ở nhà, nhưng các con vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha", bà chia sẻ.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 9.

Đại gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến

Nói về người cha, TS Khuất Thu Hồng, con gái thứ hai của ông kể, ngay từ nhỏ, cha đã dạy cho các con đức tính tự lập, chủ động và tính quyết đoán, cả trong chuyện học hành lẫn đi làm việc. Trong cuộc sống thường nhật, ông cũng rất tôn trọng ý kiến của người thân.

"Bố mẹ tôi thường nhắc nhở các con phải sống làm sao cho tử tế, có trách nhiệm với mọi người xung quanh. Trong quân đội là chỉ huy, nhưng khi về nhà, ông là người cha rất giản dị, hết lòng yêu thương, chăm sóc vợ con. 

Đặc biệt, kể từ khi về hưu, ông dành nhiều thời gian để chăm sóc, chuyện trò với người vợ mà ông một lòng chung thủy. Ông muốn bù đắp lại khoảng thời gian xa cách khi xưa", TS Hồng chia sẻ.

Trung tướng Khuất Duy Tiến và tấm lòng với Thủ đô - Ảnh 10.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.