Kinh tế

Trung ương bội chi, địa phương cũng “vung tay” vì được phân cấp

04/10/2017, 14:05

Tổng chi ngân sách Nhà nước/GDP tăng từ 28,9% giai đoạn năm 2006 - 2010 lên 29,2% giai đoạn năm 2011 - 2015.

15

Cơ cấu chi chuyển đổi nghiêng về chi thường xuyên (Nguồn: Ước tính của WB theo số liệu Bộ Tài chính)

Gánh nặng chi lương, trả nợ

Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” được Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp công bố ngày 3/10 cho thấy, dù thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn năm 2011-2015 có xu hướng giảm nhưng chi tiêu của Chính phủ - bao gồm cả chi từ nguồn Trái phiếu - so với GDP vẫn duy trì ở mức cao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tốc độ tăng chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng bình quân 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu và chi ngân sách. Còn xét riêng về chi lương, giai đoạn năm 2009-2012, tỷ trọng chi lương so với GDP tăng từ 6,2% năm 2009 lên đến 7,3% năm 2012. “Tốc độ tăng chi lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chi bình quân, nâng tỷ trọng quỹ lương lên khoảng 20% tổng chi ngân sách”, WB tính toán và chỉ ra rằng quỹ lương tăng nhanh chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng biên chế.

5 năm, nợ công tăng từ 51,7% lên 61%

Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng mạnh do chính sách tài khóa nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Trong đó, nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9%, còn nợ của chính quyền địa phương khoảng 0,9%. Vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua). Nếu xu hướng trên vẫn tiếp diễn, WB cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Số lượng công chức và viên chức tăng nhanh, ở Trung ương tăng lần lượt là 2,8% và 3,9% mỗi năm từ năm 2008 đến năm 2011; còn số công chức ở địa phương tăng 5,1% mỗi năm từ năm 2009 đến năm 2013; cao hơn so với tăng trưởng dân số (1,1%). Đặc biệt, tại địa phương có năm tăng đến 20% do đưa cán bộ xã và giáo viên mầm non vào biên chế. Theo đánh giá của WB, kết quả trên đi ngược với lộ trình cải cách hành chính của Việt Nam. Chính vì thế, các chuyên gia WB khuyến cáo Việt Nam cần cơ cấu lại bộ máy và biên chế khu vực công: “Cần đặt công tác này trong tổng thể cải cách hành chính công, với điểm khởi đầu là xác định biên chế theo vị trí việc làm và xác định tiền lương theo vị trí việc làm, thay vì chú trọng quá nhiều vào tiêu chí thâm niên như hiện nay”.

Ngoài chi cho lương, chi trả nợ cũng ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với ngân sách. Năm 2015, chi trả lãi tăng nhanh so với cả GDP và thu NSNN, chiếm khoảng 8% tổng thu (bao gồm cả viện trợ không hoàn lại), gần gấp đôi con số 4,3% của năm 2010. WB cho rằng, chi trả nợ bao gồm cả trả gốc đã tăng lên đến 15% thu NSNN trong năm 2015, đang tiệm cận dần tới ngưỡng an toàn và cho thấy những rủi ro ngày càng lớn cho ngân sách.

Địa phương chi cao, hiệu quả “có vấn đề”

Đây là nhận xét của ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính. Theo ông Tân, điều này xuất phát từ việc phân cấp cho chính quyền địa phương ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2006-2010, chi tiêu của địa phương, kể cả nguồn bổ sung từ ngân sách Trung ương, chiếm 50% tổng chi NSNN nhưng tới giai đoạn 2011-2015 con số này đã tăng lên khoảng 55%.

Hiện nay, chi đầu tư của các địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công. Đây là mức rất cao so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Theo WB, xu hướng này có thể gây một số quan ngại đặc biệt bởi nó hạn chế mức độ đầu tư thích hợp cho cơ sở hạ tầng ở tầm quốc gia, nhất là trong bối cảnh sự phối hợp giữa các vùng còn khá yếu. Trong khi đó, chỉ 13/63 địa phương có khả năng chủ động cân đối được ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương. 50 địa phương còn lại dù đã được giữ lại toàn bộ số thu trên địa bàn (trừ thu từ dầu thô và thu xuất nhập khẩu) nhưng vẫn phải nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương để đảm bảo nhiệm vụ chi, lên đến 40% tổng chi của các địa phương đó. “Trong giai đoạn năm 2017 - 2020 sẽ rà soát phân cấp Trung ương và địa phương để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”, ông Nguyễn Minh Tân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.