Giáo dục

Trượt tốt nghiệp THPT, thí sinh thi lại có bất lợi khi áp dụng phương án mới?

29/11/2023, 18:34

Chiều 29/11, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với nhiều thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục mới.

"Trượt tốt nghiệp cũng không cần quá lo lắng"

Ngày 29/11, Bộ GD&ĐT công bố thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 2+2, với hai môn bắt buộc Văn - Toán và 2 môn tự chọn. Nội dung tThi tốt nghiệp THPT từ 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Trước thông tin này, nhiều người quan tâm việc lứa thí sinh cuối cùng của chương trình giáo dục cũ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nếu trượt thì xử lý ra sao ở kỳ thi có nhiều đổi mới năm sau.

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết: "Với các em lỡ trượt tốt nghiệp 2024 cũng không cần quá lo lắng. Bởi chúng tôi luôn đảm bảo các em học chương trình nào thi theo chương trình đó, do vậy sẽ tính toán tổ chức thi sau đó. Đồng thời, đảm bảo nội dung, phương thức thi theo chương trình cũ về cả cấu trúc và định dạng".

Thí sinh chương trình cũ lỡ trượt tốt nghiệp 2024, xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Nhiều đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THT từ năm 2025.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết "có thể Bộ sẽ đề xuất tổ chức 2 kỳ thi tốt nghiệp (cho lứa sinh năm 2006 và 2007) cùng trong năm 2025 với 2 chương trình khác nhau. Đảm bảo phù hợp với chương trình các em đã được học".

Trước những lo ngại thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 sẽ gặp khó khăn ở kỳ thi mới, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Đại học, cho rằng "quy chế tuyển sinh về nguyên tắc không phụ thuộc vào hình thức hay nội dung thi. Theo đó, các thí sinh sẽ vẫn được xét tuyển công bằng".

"Liên quan đến cấu trúc ngân hàng đề thi, song song với xây dựng phương án thi 2025, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo việc nghiên cứu cấu trúc, định dạng ngân đề thi. Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo thảo luận nghiên cứu, bàn về vấn đề cốt lõi nhất ra đề minh họa cho định dạng cấu trúc đề thi 2025", ông Ngọc Hà nói.

Định dạng và cấu trúc đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, có tính kế thừa bởi các em chỉ có 3 năm học theo chương trình giáo dục 2018 (3 năm cấp 3). Đồng thời, cân đối độ tin cậy giữa các môn học khác nhau, tránh độ lệch điểm quá lớn giữa các môn.

Về đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ông Hà cho hay: "Đề minh họa chưa thể nói tới ở thời điểm này vì các em đang học lớp 11. Tuy nhiên, ngay sau khi thử nghiệm định dạng và cấu trúc sẽ công bố đề minh họa mô phỏng cho đề thi 2025 cho dù nội dung có thể thuộc về phần kiến thức lớp 10-11. Như vậy, trong quý IV sẽ có đề minh họa".

Chốt phương án tốt nghiệp 2+2

Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, việc lựa chọn phương án thi với mục tiêu giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội; Kỳ thi này nhằm nhiều mục tiêu, không chỉ đánh giá tốt nghiệp THPT. 

Kỳ thi đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nội dung đề thi bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Theo ông Chương, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Về lộ trình, phương án thi được thực hiện từ năm 2025. Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.