Pháp đình

Tự bào chữa, bà Trương Mỹ Lan nói đau xót và "trái tim như rỉ máu"

20/03/2024, 19:23

Trong phần tự bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, khi nghe Viện kiểm sát luận tội bà "quanh co, chối tội, đổ tội cho cấp dưới" thì bản thân thấy đau xót. Bên cạnh đó, bị tạm giam ngày nào thì ngày đó "trái tim như rỉ máu".

Chiều 20/3, sau khi được các luật sư bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan đã tự bào chữa bổ sung một số điểm mà theo bà là chưa được trình bày.

Tạm giam khiến "trái tim như rỉ máu"

Bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày, khi nghe Viện kiểm sát luận tội nói bà quanh co, chối tội, đổ tội cho cấp dưới thì bản thân thấy đau xót.

Bà Lan cho biết bà nhận một phần trách nhiệm, nhưng cho rằng bà "chỉ đi kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào cơ cấu SCB" chứ "không biết người ở SCB vi phạm".

"Sau khi bị bắt, tôi biết có thêm hơn 50 người của SCB cũng bị bắt. Tôi thấy mình có một phần trách nhiệm vì các cán bộ ở SCB họ vô tình vi phạm quy định. Tôi đã làm đơn tình nguyện nhận một phần trách nhiệm, chịu tội cùng nhân viên SCB, tôi không quanh co", bà trình bày.

Tự bào chữa, Trương Mỹ Lan nói đau xót và

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử.

Về trách nhiệm của bản thân trong vụ án, bị cáo Lan cho rằng, bà đã tự nguyện làm đơn bán hết tài sản để khắc phục hậu quả.

"Tôi tạm giam ngày nào thì ngày đó trái tim như rỉ máu. Tôi nhiều lần đề nghị cho phép tôi tại ngoại để tiếp tục hỗ trợ SCB. Cho đến mấy tháng sau có các đơn vị tài chính nước ngoài, tôi nhắn luật sư nói con tôi liên hệ với họ, tôi mong họ tiếp tục đồng hành với SCB. 

Họ hứa có một tập đoàn tài chính thế giới vào, nhưng với điều kiện là phải gặp tôi để tôi bảo lãnh. Trong quá trình tạm giam, tôi vẫn cố gắng giúp đỡ SCB", bà Lan nói.

Bị cáo Trương Mỹ Lan nhiều lần nhắc đến việc có tổ chức tài chính, nhà đầu tư sẽ tham gia vào khắc phục hậu quả vụ án, thì chủ tọa cắt ngang và cho rằng, tổ chức tài chính nước ngoài, tỉ phú nước ngoài nào đó muốn khắc phục hậu quả giúp bị cáo thì HĐXX tạo điều kiện tối đa để bị cáo được gặp ngay tại giai đoạn xét xử này.

"Tuy nhiên, bị cáo phải nói là nhà đầu tư nước ngoài nào và có thể thông qua luật sư làm đơn gửi HĐXX xem xét chứ không thể nói chung chung", chủ tọa giải thích.

Về kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, bà Lan cho rằng sau khi bà bị bắt, giá trị các tài sản sẽ xuống thấp, còn trước khi bà bị bắt, giá trị tài sản cao hơn gấp đôi, gấp ba. Từ đó, bà Lan cho rằng kết quả định giá này gây bất lợi cho bà.

Song, HĐXX nêu những nội dung trên, trong quá trình bào chữa, 5 luật sư của bị cáo đã trình bày, vì vậy HĐXX yêu cầu các luật sư trao đổi lại với bị cáo Trương Mỹ Lan để trình bày những nội dung mới và HĐXX sẽ cho bị cáo tự bào chữa sau cùng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng đề nghị HĐXX xem xét lại, vì cáo trạng xác định "SCB là công cụ tài chính của bị cáo" là không đúng. 

Ví dụ các bị cáo như Hồ Bửu Phương (Phó Tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Đặng Phương Hoài Tâm (Phó trưởng phòng văn phòng hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) là người làm cho Vạn Thịnh Phát chứ không phải làm việc cho SCB.

Đề nghị tuyên tử hình Trương Mỹ Lan

Chiều 19/3, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan mức án tử hình tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp mức án bị đề nghị là tử hình.

Vị đại diện VKSND TP.HCM cho rằng, tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan không tỏ ra ăn năn hối lỗi, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội. Ngoài ra, bị cáo Lan còn đổ lỗi cho nhân viên, cho các bị cáo tại SCB; hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi.

Kết quả điều tra xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết.

Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty trên cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB, trong đó có hoạt động cho vay.

Từ trước thời điểm hợp nhất, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng. Sau khi hợp nhất, bà Lan tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên 91,5%.

Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, họ nghe theo chỉ đạo của bị cáo Lan tham gia vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, giám đốc các chi nhánh lớn, trưởng ban kiểm soát). Bà Lan trả mức lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB.

Bằng cách thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động ngân hàng thông qua các đối tượng chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Tạo lập các công ty "ma", vay vốn khống

Để rút được tiền từ SCB, Trương Mỹ Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín, giữ vai trò chủ chốt tại Ngân hàng SCB và tập đoàn để chỉ đạo các đối tượng tại Ngân hàng SCB; Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty, thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.

Bà Lan còn chỉ đạo thành lập các công ty "ma" rồi tìm thuê người đứng tên người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty, chọn ngành nghề kinh doanh… cho phù hợp với yêu cầu của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Các công ty "ma" và cá nhân được thuê/nhờ đứng tên ngày càng nhiều thêm để phục vụ cho mục đích rút tiền từ Ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan. 

Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

Ngoài việc tạo lập các công ty "ma" đứng tên hồ sơ vay vốn, Trương Mỹ Lan còn câu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý các công ty thực tế có hoạt động kinh doanh để các công ty này đứng tên vay vốn hoặc tạo lập thêm nhiều công ty "ma", tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống, rút tiền của Ngân hàng SCB để Trương Mỹ Lan và các đối tượng nêu trên cùng sử dụng.

Mỗi khi cần rút tiền của SCB, Trương Mỹ Lan chỉ đạo cấp dưới tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; Đưa các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty "ma" đến ký vào hồ sơ vay vốn khống.

Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn; những người đứng tên tài sản đều xác nhận không phải tài sản của họ.

Hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau.

Mua chuộc lãnh đạo thanh tra giám sát ngân hàng

Để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN TP.HCM, tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.

Ngoài ra, bị cáo này còn thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thể chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn gặp gỡ bàn bạc và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa hối lộ cho Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) 5,2 triệu USD; tặng quà, tiền cho các thành viên khác trong đoàn thanh tra để che giấu thực trạng yếu kém của SCB, để không đưa SCB vào kiểm soát đặc biệt.

Dù bị cáo Lan không thừa nhận chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn gặp, đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn nhưng căn cứ lời khai của bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, tài liệu chứng cứ, dữ liệu điện tử, cho thấy Trương Mỹ Lan là người chỉ đạo Văn gặp, đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

VKS cho rằng, mặc dù bị cáo Trương Mỹ Lan không nhận tội nhưng căn cứ vào kết quả điều tra, lời khai các bị cáo khác đã có đủ cơ sở xác định, bị cáo Lan đã phạm vào 3 tội như cáo trạng quy kết.

VKS ghi nhận bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tại tòa bà Lan cũng tự nguyện dùng các tài sản để khắc phục thiệt hại.

Song, cơ quan công tố đánh giá bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều lần, tội danh đặc biệt biệt nghiêm trọng, thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong thời gian dài, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, phạm tội 2 lần trở lên, dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội.

"Trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo không tỏ ra ăn năn hối cải mà đổ lỗi cho nhân viên dưới quyền, do đó VKS cho rằng cần có hình phạt nghiêm trị, loại bỏ bị cáo ra khỏi đời sống xã hội", vị đại diện VKS nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.