Hạ tầng

Thông xe hầm Cù Mông: Xóa "điểm nghẽn" đường đèo, đi chỉ còn 6 phút

21/01/2019, 14:41

Sáng 21/1, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng lãnh đạo UBND Bình Định, Phú Yên, nhà đầu tư Đèo Cả cắt băng thông hầm Cù Mông xóa điểm nghẽn đường đèo.

img
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hầm Cù Mông đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội hai tỉnh Bình Định - Phú Yên và khu vực miền Trung

Thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển

Công trình có tổng chiều dài 2,6km đường hầm và 4,02km đường dẫn, kết nối 2 địa phương Bình Định và Phú Yên. Đây là công trình hầm cuối cùng xuyên núi Việt Nam được triển khai.

Sau 3 năm thi công (tháng 9/2015), dự án về đích vượt tiến độ 2,5 tháng, thông xe ngay dịp đầu năm 2019, "mở hàng" cán đích cho những dự án giao thông trọng điểm năm 2019.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá: Hầm đường bộ Cù Mông được được đưa vào sử dụng ngày hôm nay sẽ giúp thông tuyến giao thông huyết mạch trên QL1; kết nối giao thông khu vực, hạn chế ùn tắc giao thông cho các phương tiện khi đi qua đèo. Những ý nghĩa này không chỉ dành cho người dân Bình Định - Phú Yên mà còn cho cả mạng lưới giao thông QL1 do việc tăng lưu lượng vận hành xe, vận tải hành khách, tăng tốc độ lưu thông hàng hoá. Tuyến đường sẽ an toàn hơn, thuận tiện hơn trong mọi điều kiện thời tiết và là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Biểu dương nỗ lực của nhà đầu tư, Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh, việc triển khai thành công và đưa vào khai thác hầm Đèo Cả, Cổ Mã và nay tiếp tục là hầm Cù Mông đã cho thấy sự trưởng thành của nhà đầu tư trong nước, các nhà thầu Việt Nam trong việc phát huy nội lực, đảm đương những công trình có quy mô lớn, công nghệ hiện đại...

img
Lễ cắt băng khánh thành hầm đường bộ Cù Mông

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng dự án hầm đường bộ đèo Cù Mông thông xe sẽ khai thác các tiềm năng thế mạnh của 2 tỉnh Phú Yên, Bình Định và các địa phương khác. Góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển.

Theo ông Việt, công trình là một yếu tố quan trọng để người dân Phú Yên có một cuộc sống ấm no hơn. Việc đưa hầm Cù Mông vào khai thác sẽ giúp phương tiện qua hầm tiết giảm thời gian và đảm bảo an toàn giao thông so với qua đèo như trước đây.

Rút ngắn thời gian, lưu thông miễn phí dịp Tết

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Đèo Cả cho biết, công trình hoàn thành sau hơn 3 năm thi công, vượt tiến độ gần 3 tháng và không đội vốn, kiểm soát chặt chất lượng.

Theo ông Hoàng, so với hầm Đèo Cả, địa chất thi công hầm đường bộ Cù Mông phức tạp hơn, với tầng đá bị phong hoá mạnh và cường độ yếu. Tuy nhiên những khó khăn, phức tạp về địa hình đã được khắc phục, hoàn toàn do người Việt thực hiện.

Ông Hoàng kiến nghị từ thực tiễn các dự án do Đèo Cả triển khai cần sự ổn định về cơ chế chính sách, thông thoáng, minh bạch, không "đánh đồng chất lượng" các dự án giao thông, làm nản lòng nhà đầu tư thời gian qua.

Nhắc lại vụ TNGT trên đèo Hải Vân mới đây liên quan đoàn du lịch, thực tập, ông Hoàng cho biết sẽ trồng cây ở đường dẫn và cửa hầm để người dân qua hầm vẫn có thể vãn cảnh.

"Hầm không chỉ chú trọng về mặt an toàn, tiện lợi cho các phương tiện mà còn chú trọng trong việc tạo cảnh quan phù hợp với văn hoá, lịch sử, tạo điểm nhấn thẩm mỹ hạ tầng giao thông, công trình sinh thái", ông Hoàng cho biết thêm.

img
Hầm Cù Mông chính thức thông xe giúp rút ngắn quãng đường Phú Yên - Bình Định còn 6 phút khi đi ô tô

Hầm Cù Mông là dự án đầu tiên trong bốn dự án giao thông trọng điểm toàn quốc hoàn thành trong năm 2019. Ba dự án còn lại là đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cầu Vàm Cống.

Theo đó, hầm Cù Mông sẽ là hầm đường bộ dài thứ ba ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28 km) - khánh thành tháng 6/2005 và hầm Đèo Cả (dài hơn 4 km) - thông xe tháng 7/2017.

Thay vì di chuyển trên cung đường đèo đầy nguy hiểm, mất hơn 30 phút, người dân giờ chỉ mất 6 phút di chuyển cho đoạn đường bao gồm 2,6km hầm và 4,02km đường dẫn; không bị gián đoạn hành trình.

Đặc biệt, sau Lễ khánh thành và chính thức đưa vào khai thác, đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm.

img
Đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm

Được biết, công trình là tuyến hầm cuối cùng trong dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm: Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2), do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (trực thuộc Tập đoàn Đèo Cả) làm chủ đầu tư.

Hầm có tổng chiều dài 6,62km, vận tốc thiết kế 80km/giờ, với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng (được thực hiện từ nguồn vốn tiết giảm của dự án hầm đường bộ Đèo Cả), theo hình thức BOT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.