Hàng không

Tuyệt đối không được lơ là đảm bảo an ninh, an toàn hàng không

19/12/2023, 19:13

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Hàng không VN diễn ra chiều nay (19/12).

  Tuyệt đối không được lơ là đảm bảo an ninh, an toàn hàng không - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Hàng không VN. Ảnh: Tạ Hải.

Vận tải hàng không tăng trưởng mạnh mẽ

Đánh giá cao nỗ lực của ngành hàng không trong năm 2023 - năm mà theo Bộ trưởng vẫn còn vô vàn khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Cục Hàng không VN đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, có nhiều điểm sáng.

"Năm 2023, vận tải hành khách hàng không tăng trưởng tốt, tới 34,5% so với năm 2022, bằng 93,6% so với năm 2019. Các công tác khác như xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không, bảo đảm an toàn an ninh hàng không... cũng có nhiều điểm sáng", Bộ trưởng khẳng định.

Năm 2023, dự kiến các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 56,4 triệu khách, tăng 15,8% so năm 2022. Trong số này, vận chuyển khách quốc tế đạt 15,8 triệu khách, tăng gần 2 lần so năm 2022; vận chuyển hành khách nội địa đạt 40,6 triệu khách, giảm 6,1% so năm 2022.

Sang năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không VN cần khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng Luật Hàng không dân dụng VN trong đó tập trung phân tích những vấn đề còn bất cập, hạn chế làm cản trở đến thực tiễn phát triển, kịp thời rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, định hướng các cơ chế thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển kết cấu hạ tầng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả nhằm hướng tới đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trung chuyển của vùng và thế giới.

  Tuyệt đối không được lơ là đảm bảo an ninh, an toàn hàng không - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Tạ Hải.

Bộ trưởng cũng lưu ý sớm hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không, báo cáo Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị. Từ đó triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các định hướng và giải pháp huy động nguồn lực xã hội để đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; Triển khai quyết liệt, hiệu quả, đúng tiến độ các dự án trong điểm như Cảng HKQT Long Thành; Nhà ga T3 Cảng HKQT TSN; mở rộng nhà ga hành khách T2 CHKQT Nội Bài; xây dựng nhà ga hành khách T2 CHK Đồng Hới...

Về an ninh, an toàn hàng không, Bộ trưởng lưu ý tuyệt đối không được lơ là.

"Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không phải được quan tâm hơn, làm tốt hơn. Thế giới làm thế nào, mình phải làm như thế. Những cái gì học được là phải học, những cái gì cần đầu tư phải đầu tư. Không bao giờ được lơ là đảm bảo công tác an toàn", Bộ trưởng nói.

Dành sự quan tâm lớn đến việc phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng yêu cầu tập trung xây dựng chính sách, đổi mới và nâng cao năng lực và mở rộng các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không để đảm bảo đào tạo cho lực lượng nhân viên hàng không, đặc biệt là đào tạo phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật máy bay...

  Tuyệt đối không được lơ là đảm bảo an ninh, an toàn hàng không - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dự Hội nghị. Ảnh: Tạ Hải.

 

"Từ công tác tuyển dụng của Bộ tôi thấy việc tuyển dụng chủ yếu tập trung vào cán bộ có kinh nghiệm, việc thiết kế thi tuyển là để tuyển cán bộ có kinh nghiệm. Như vậy 100% các em sinh viên vừa ra trường giỏi đến mấy cũng không vào được", Bộ trưởng nói và bổ sung thêm: Quy hoạch cán bộ cũng phải đúng đủ, kịp thời, công khai minh bạch. Công tác đào tạo cán bộ quy hoạch cũng phải thật sự được quan tâm...

Với các kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu Cục HKVN tổng hợp, rà soát lại, khẩn trương tham mưu, báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng cũng giao các Vụ, Cục quản lý chuyên ngành chủ động nghiên cứu, tham mưu giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, doanh nghiệp đã báo cáo tại Hội nghị theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc Bộ.

Khách bay tăng mạnh, hàng không vận chuyển gần 74 triệu khách

  Tuyệt đối không được lơ là đảm bảo an ninh, an toàn hàng không - Ảnh 5.

Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Hồ Minh Tấn báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Tạ Hải.

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Hồ Minh Tấn cho biết: Năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt xấp xỉ 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022, giảm 7,4% so với năm 2019.

Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019; vận chuyển nội địa đạt 42 triệu khách, giảm 3% so với năm 2022 và tăng 12% so với năm 2019.

Mạng đường bay quốc tế phục hồi và từng bước mở rộng. Các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài đã khôi phục hoàn toàn các đường bay đến các thị trường truyền thống và mở rộng khai thác một số thị trường mới ở Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Mông Cổ. Mặc dù còn hạn chế nhưng trong năm 2023, các đường bay đến Trung Quốc và Nga cũng đã được khôi phục.

Tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không năm 2023 ước đạt 113,9 triệu khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, sản lượng khách quốc tế đạt 32,7 triệu khách, tăng 170,6% so với cùng kỳ năm 2022; khách nội địa đạt 81,2 triệu khách, giảm 6,1% so với năm 2022.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến thị trường Ấn Độ (năm 2023 vận chuyển 920 nghìn hành khách, tăng gần 15 lần so với năm 2019) và thị trường Úc (năm 2023 vận chuyển 913 nghìn hành khách, tăng 40% so với 2019). Hiện tại có 63 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 169 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, châu Á và Châu Phi đến các điểm của Việt Nam là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Mạng đường bay nội địa được duy trì và phát triển với 66 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 600 chuyến bay mỗi ngày. Bên cạnh việc khai thác các đường bay hiện hữu, trong năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam cũng khai thác một số đường bay mới như Cần Thơ-Vân Đồn, Hà Nội-Cà Mau, TP.HCM-Điện Biên.

Về an toàn hàng không, ông Tấn cho biết: Năm 2023, Cục Hàng không VN đã nhận được 334 báo cáo an toàn bắt trong đó có 1 tai nạn liên quan đến hoạt động hàng không chung trên loại tàu bay BELL 505 của Công ty trực thăng miền Bắc. 2 sự cố nghiêm trọng do mất phân cách giữa 2 tàu bay đang cất cánh và hạ cánh; 5 sự cố mức C; 97 sự cố mức D và 236 vụ việc ở mức E phải báo cáo.

Được biết, hiện nay Ủy ban điều tra tai nạn do Bộ GTVT phối hợp với Bộ quốc Phòng thành lập đang điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn tàu bay, công tác phối hợp với các Cơ quan điều tra của Pháp và Canada để xác định nguyên nhân tai nạn tàu bay trực thăng đang được tích cực thực hiện.

Theo dự báo của Cục Hàng không VN và các hãng hàng không Việt Nam, nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không năm 2024 là từ 80 triệu khách trong đó nội địa là 38,3 triệu khách và quốc tế là 41,7 triệu khách.

Trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, dự kiến năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách (tăng 7,1% về hành khách so với năm 2023).

Trong số này, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 41,8 triệu khách (tăng 30,6% so với năm 2023).

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 58 triệu khách (tương đương năm 2023). Trong đó, hành khách nội địa là 38,5 triệu khách (giảm 10,5% so với năm 2023), hành khách quốc tế là 19,5 triệu khách (tăng 30% so với năm 2023).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.