Công nghệ mới

Ứng dụng phần mềm cho xe đầu kéo, Cảng Đà Nẵng lợi tiền tỷ

25/11/2023, 17:53

Công ty CP Cảng Đà Nẵng vừa chính thức đưa 50 thiết bị truyền nhận tín hiệu công nghiệp cho xe đầu kéo (eTractor) vào dây chuyền khai thác container do cảng này thiết kế, lắp ráp.

Ngày 25/11, Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay, Phòng công nghệ thông tin Cảng Đà Nẵng đã thử nghiệm thành công, ứng dụng thiết bị công nghiệp mang tên eTractor trong việc nâng hạ container.

Hệ thống này được cảng Đà Nẵng nghiên cứu năm nay, đồng thời cảng có vai trò là đơn vị thiết kế và vừa là đơn vị quản lý sản xuất, lắp ráp cả phần cứng lẫn phần mềm.

Cảng Đà Nẵng ứng dụng thành công thiết bị truyền nhận tín hiệu công nghiệp cho xe đầu kéo - Ảnh 1.

Thiết bị truyền nhận tín hiệu công nghiệp cho xe đầu kéo vừa được Cảng Đà Nẵng đưa vào sử dụng.

Theo đó, hệ thống kết hợp kỹ thuật phát triển phần cứng và kỹ thuật phát triển phần mềm để cho ra giải pháp hoàn thiện, sử dụng để nhận tín hiệu ra lệnh từ hệ thống TOS sau đó xử lý và truyền đến thiết bị cuối để hiển thị cho người lái xe.

Trong đó, phần mềm là một hệ thống sử dụng các phần mềm dựa trên nền tảng mô hình W-A-C-A có trước, module kết nối và trao đổi dữ liệu với hệ thống TOS, module xử lý số liệu, module nhận tín hiệu định vị GPS…

Cảng Đà Nẵng ứng dụng thành công thiết bị truyền nhận tín hiệu công nghiệp cho xe đầu kéo - Ảnh 2.

eTractor có giá thành thấp nhưng độ bền khá cao.

Phần cứng là một thiết bị được gia công và lắp ráp theo tiêu chuẩn công nghiệp, bao gồm các thành phần: mạch điều khiển có chức năng hiển thị thông tin, kết nối với Cloud thông qua 4G, định vị GPS, giao tiếp Wifi, tấm led matrix chuẩn ngoài trời, hệ khung vỏ, hệ giá đỡ (hệ treo thiết bị), anten WIFI – 4G – GPS, bộ chuyển đổi nguồn DC-DC converter…

eTractor được cấu thành từ hơn 60 chi tiết lớn nhỏ, do đó quy trình lắp ráp máy được kiểm soát chặt chẽ bằng các tài liệu mô tả và danh sách các bước lắp ráp rõ ràng.

Điều này giúp eTractor luôn đạt đúng tiêu chuẩn đầu ra và giảm các hỏng hóc ngoài ý muốn trong quá trình sử dụng trong khi vẫn có thể tháo lắp để thay thế sửa chữa dễ dàng.

Trước đó, từ năm 2017, bằng việc nghiên cứu phát triển mô hình "W-A-C-A", Cảng Đà Nẵng lần đầu áp dụng việc truyền tín hiệu thời gian thực từ hệ thống Catos lên xe đầu kéo để điều hành công việc.

Qua quá trình sử dụng lâu dài, mô hình đã cho thấy khả năng thích ứng tốt trong môi trường khai thác cảng, theo đó Cảng Đà Nẵng đã nhận được Bằng khen tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 15 (năm 2018-2019) do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trao tặng.

Tuy nhiên, mô hình W-A-C-A chỉ dừng lại ở việc xử lý các rào cản công nghệ phần mềm. Giải pháp eTractor ra đời đã giải quyết các bài toán liên quan đến đầu tư phần cứng trên xe đầu kéo. eTractor "bắt tay" với W-A-C-A để tạo nên một giải pháp tổng thể mang tính toàn diện.

Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng, hiện nay tại các cảng biển, thiết bị nâng hạ container thường được trang bị các máy tính công nghiệp (VMC) có giá trung bình hơn 100 triệu đồng/thiết bị.

Tuy nhiên, số lượng xe đầu kéo luôn lớn hơn nhiều lần so với số lượng thiết bị nâng hạ, một số Cảng có thể lên đến hàng trăm xe. Do đó, việc đầu tư máy VMC cho xe đầu kéo luôn gặp rào cản về chi phí đầu tư khiến doanh nghiệp "phân vân" giữa việc lựa chọn máy VMC và thiết bị Android dân dụng. 

Qua việc nghiên cứu, phân tích ưu nhược điểm giữa máy VMC và thiết bị Android dân dụng, cần thiết phải nghiên cứu tạo ra một sản phẩm vừa đảm bảo độ bền bỉ và giá thành dễ chấp nhận hơn, Cảng Đà Nẵng nghiên cứu và thử nghiệm thành công thiết bị công nghiệp mang tên eTractor. 

Đáng kể, các thiết bị này có giá thành chỉ 20% so với máy tính công nghiệp nhưng có độ bền cao hơn, làm lợi cho Cảng Đà Nẵng được ít nhất 4 tỷ đồng trong một chu kỳ 3 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.