Xã hội

Ủy ban Tư pháp: Kết quả xử lý vi phạm về kê khai tài sản chưa tương xứng thực tế

Theo Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm song Ủy ban Tư pháp cho rằng, con số này chưa tương xứng thực tế.

54 người có quyền chức kê khai tài sản không trung thực

Sáng 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, năm vừa qua việc công khai, minh bạch và thực hiện trách nhiệm giải trình trong tổ chức, hoạt động của cơ quan, đơn vị nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng có chuyển biến tích cực.

Qua kiểm tra hơn 12 nghìn cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, các bộ, ngành, địa phương phát hiện 185 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm.

Uỷ ban Tư pháp: Kết quả xử lý vi phạm về kê khai tài sản chưa tương xứng thực tế - Ảnh 1.

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Bên cạnh đó, đã có hơn 45 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng.

Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của người có chức vụ, quyền hạn, có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, đã có 55 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm. Trong đó, 13 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý hình sự; 42 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, bao gồm 16 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo và 13 người bị cách chức. 

Đánh giá chung về công tác phòng chống tham nhũng, trong năm 2023, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Song, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đặc biệt, theo ông Phong, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Tư pháp: Số lượng phát hiện vi phạm kê khai tài sản chưa tương xứng thực tế 

Ở góc độ thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Uỷ ban nhận thấy việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng của Chính phủ còn có những hạn chế.

Thậm chí, một số hạn chế đã tồn tại kéo dài qua nhiều năm nhưng chậm khắc phục.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng: "kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế".

Uỷ ban Tư pháp: Kết quả xử lý vi phạm về kê khai tài sản chưa tương xứng thực tế - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga

Đánh giá chung tình hình tham nhũng, cơ quan thẩm tra tán thành với báo cáo của chính phủ với nhận định tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.

Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền...

Song, bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng Uỷ ban thẩm tra cho rằng công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu một số cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực chưa cao.

Việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu…

Do đó, Uỷ ban đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Bên cạnh đó, qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp như các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC, vụ chuyến bay giải cứu…, Uỷ ban kiến nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.