Tài chính

Vẫn cơ chế đó, bộ máy như thế, lý do nào khiến tín dụng tăng chậm?

25/07/2023, 17:22

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ những trăn trở khi tín dụng 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm.

Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng vừa qua

Phát biểu khai mạc hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng nay 25/7, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm và còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Và đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng ở mức thấp mặc dù NHNN và cả ngành Ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.

img

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo.

"Nền kinh tế phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế, khiến cho năng lực của doanh nghiệp bị bào mòn.

Tất cả những điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Tăng hay giảm lãi suất, cung tiền nhiều hay ít và làm thế nào để mở rộng tín dụng, hạn chế nợ xấu... là vấn đề khó khăn và phức tạp", ông Tú nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Tú, trong bối cảnh đó, NHNN và ngành Ngân hàng đã triển khai một loạt biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Đến thời điểm này thanh khoản hệ thống dồi dào. Ngoài cung tiền, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tạo giá vốn rẻ như hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động, lãi suất từ các công cụ của NHNN… Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm.

"Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng đầu năm vừa qua. Vẫn cơ chế điều hành tiền tệ đó, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên… Các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Vì sao tín dụng vẫn tăng chậm? Câu chuyện trước mắt lúc này là mở rộng tín dụng theo chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, NHNN cũng rất trăn trở", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Doanh nghiệp và ngân hàng cùng phải cơ cấu

Về phía các TCTD cho rằng: Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...), TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

img

Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: 6 tháng đầu năm, tín dụng cho nền kinh tế tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022, phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối.

Ở góc độ hiệp hội doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đánh giá thời gian qua việc gì làm được trong khả năng của mình ngành ngân hàng đều đã thực hiện như: chủ động điều hành thị trường mở nhằm bảo đảm thanh khoản tốt cho hệ thống các TCTD; phân bổ sớm, phân bổ hết chỉ tiêu hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 để tạo điều kiện cho các TCTD thuận lợi mở rộng tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.

Bên cạnh đó, NHNN liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện và định hướng cho các TCTD giảm lãi suất cho vay...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, lãi suất trong xu hướng giảm nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng bởi tài sản đảm bảo không đủ, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh trả nợ để được vay tiếp hoặc không quản lý được dòng tiền, do đó, ngân hàng không đủ cơ sở đảm bảo để cho vay tiếp.

Trong bối cảnh thực hiện quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hoạt động, các TCTD đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch, do đó không thể hạ chuẩn điều kiện cấp tín dụng là điều dễ hiểu.

Do đó, theo đại diện VNBA, việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề cốt lõi giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Thay vào đó, doanh nghiệp phải chủ động các giải pháp để tăng khả năng huy động vốn...

Chung quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiến nghị 4 nhóm giải pháp doanh nghiệp cần ưu tiên thực hiện để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn, bao gồm: Quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, giải quyết đúng các cam kết trả nợ; Nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn; Đa dạng hóa nguồn vốn (tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng, quan tâm hơn đến phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng); cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động doanh nghiệp, đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao và đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững.

Đối với bên cho vay, TS Cấn Văn Lực đề xuất chủ động thực hiện Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại nợ, Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 39) về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng; rà soát, linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng (không hạ chuẩn) như phương án nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa, hàng tồn kho...; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số (vừa là tiết giảm chi phí, vừa giảm thủ tục giấy tờ và phù hợp với xu thế)…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.