Đô thị

Vành đai 4 Hà Nội đang được triển khai đến đâu?

03/10/2023, 16:00

Trên toàn tuyến đường song hành đơn vị nhà thầu đã tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu.

Vành đai 4 ở Hà Nội đang được triển khai đến đâu? - Ảnh 1.

Phối cảnh đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô.

Huy động hơn 200 kỹ sư, công nhân đẩy tiển độ dự án Vành đai 4

Kế hoạch vốn đã bố trí đến nay cho dự án là hơn 9.100 tỷ đồng. Hiện dự án đã giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng, đạt 68,1%.

Trong đó Ban QLDA đã giải ngân hơn 790 tỷ đồng. Các quận, huyện đã giải ngân hơn 5.400 tỷ đồng.

Tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Ban đã nhận bàn giao hơn 643ha mặt bằng (tương đương hơn 91% diện tích đất đã thu hồi) để tổ chức rà phá bom mìn trước khi bàn giao cho các nhà thầu thi công xây dựng.

Về tình hình thực hiện các dự án thành phần, ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban cho hay: Tại dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành), các nhà thầu thi công đã hoàn thiện các thủ tục xây dựng, trong đó đã xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị, trình nguồn vật liệu đầu vào,... 

"Nhà thầu đã huy động trên 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật; 35 máy đào; 25 lu rung; 20 máy ủi; 3 dây chuyền khoan cọc nhồi; 1 dây chuyền thi công cọc xi măng đất để tổ chức thi công", ông Cường nói và cho biết: Trên toàn tuyến đường song hành đã tổ chức 14 mũi thi công. Hiện tại, đã thi công bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 15km, đắp nền K95 khoảng 2,5km, đang triển khai thi công rải vải địa kỹ thuật, cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu. 

Thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương như: sông Cà Lồ, ngòi Phù Trì, kênh Khê Tang, cầu vượt đường sắt Hà Nội - Lào Cai...

Đối với dự án thành phần 1.1 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư), Ban QLDA, đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán công tác di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110KV đến 500KV. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ được phê duyệt trong tháng 10/2023.

Với Dự án thành phần 3 (đầu tư xây dựng đường cao tốc), Ban QLDA, đơn vị tư vấn đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo giải trình bổ sung và hoàn thiện hồ sơ để Hội đồng thẩm định nhà nước ra thông báo thẩm định làm cơ sở để UBND Thành phố phê duyệt Dự án thành phần 3 trong Quý IV/2023.

Riêng việc triển khai quản lý vốn nhà nước trong Dự án thành phần 3 (Dự án PPP), ông Cường cho biết Ban QLDA đã có văn bản báo cáo việc quản lý Tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. 

Cụ thể, cơ quan này đề xuất thống nhất thực hiện theo phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm UBND TP Hà Nội là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư Tiểu dự án đầu tư công (Dự án thành phần hạng mục 3.1) và Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội là chủ đầu tư thực hiện Tiểu dự án đầu tư công trong Dự án thành phần 3 theo quy định của pháp luật về đầu tư công, tổ chức triển khai độc lập và song hành với Dự án thành phần hạng mục 3.2 đầu tư theo phương thức đối tác công tư (phần vốn của nhà đầu tư thu xếp) do Nhà đầu tư thực hiện nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả đầu tư và đảm bảo việc quản lý chặt chẽ phần vốn góp của nhà nước một cách tiết kiệm không gây thất thoát, lãng phí.

Ưu tiên phương tiện vận chuyển phục vụ thi công Dự án Vành đai 4

Vành đai 4 ở Hà Nội đang được triển khai đến đâu? - Ảnh 2.

Dự án đường VĐ4 Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 85,8 nghìn tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Về đường tiếp cận phục vụ thi công, để đảm bảo triển khai thi công đồng loạt, Ban QLDA yêu cầu các nhà thầu vận chuyển phương tiện, máy móc, vật liệu thông qua các trục chính, đường ngang sẵn có để vào thi công. Hiện nay, mặt bằng tiếp nhận một số đường vào còn xôi đỗ, đề nghị các quận, huyện tập trung ưu tiên bàn giao các hộ còn lại trước 15/10/2023.

Liên quan đến việc cho phép các phương tiện vận chuyển phục vụ thi công Dự án được lưu thông trên các tuyến đường, đơn vị Chủ đầu tư đề nghị UBND huyện Thanh Oai, Phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện cho phép các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị của Nhà thầu thi công phục vụ Dự án (có biển hiệu xe phục vụ Dự án do Ban QLDA cung cấp) được lưu thông trên các tuyến đường theo đề nghị của Ban QLDA.

Cơ quan này cũng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, sớm có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều phục vụ thi công xây dựng cầu Cà Lồ thuộc Gói thầu số 08/TP2-XL thuộc Dự án thành phần 2.1 theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Về triển khai thực hiện Dự án thành phần 3 (Dự án PPP), đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu, báo cáo UBND TP chấp thuận quản lý Tiểu dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong Dự án thành phần 3 theo phương án báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm thực hiện trên cơ sở đề xuất của Ban QLDA.

Cuối cùng, về vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, Ban QLDA đề nghị UBND Thành phố xem xét có văn bản gửi UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam đề nghị rà soát, kiểm tra và cho phép các mỏ vật liệu đất, cát trên địa bàn được cung cấp cho Dự án. 


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.