Đường thủy

Vì sao 3 đơn vị cùng quản lý một đoạn sông?

12/04/2024, 17:36

Chỉ một đoạn sông Hậu nhưng lại có nhiều cơ quan quản lý, điều này gây khó cho dân vì không biết liên hệ đơn vị nào khi cần xử lý các vấn đề liên quan.

Ba đơn vị cùng quản một đoạn sông

Đó là ý kiến của ông Trần Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4 trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 tại thành phố Cần Thơ vào ngày 12/4.

Theo ông Minh, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4 là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành cảng đường thủy nội địa. Nhưng ông cho rằng, từ trước đến nay việc đầu tư cho ngành này dường như bị bỏ ngỏ, chỉ tập trung khai thác dựa vào các điều kiện tự nhiên có sẵn.

Vì sao 3 đơn vị cùng quản lý một đoạn sông?- Ảnh 1.

Ông Trần Văn Minh, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4 cho biết có nhiều bất cập trong công tác quản lý đường thủy.

Trong khi đó, việc quản lý đang tồn tại chồng chéo, bất cập giữa các ngành liên quan. Cụ thể, ông Minh cho biết, tuyến sông Hậu qua Cần Thơ rồi đổ ra các cửa biển ở Trà Vinh và Sóc Trăng trước đó là luồng đường thủy nội địa. Trong khi theo quy định hiện tại là luồng hàng hải nhưng không có mấy tàu biển ra vào.

"Chỉ một khúc sông Hậu lại có nhiều lực lượng quản lý, rất khó cho dân. Lúc thì kêu liên hệ Cảng vụ Hàng hải, lúc thì Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT địa phương, lúc thì liên hệ Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4. Trong khi đó phần lớn những vấn đề này đều thuộc đường thủy nội địa. Có đoạn chỉ 5 km sông mà hai đơn vị quản lý", ông Minh nêu ý kiến.

Ông Minh cho rằng, đơn vị nào quản lý cũng được nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển, dân bớt khổ, như vậy mới xứng đáng là công tác quản lý Nhà nước.

Một bất cập khác được ông Minh báo cáo là trên khúc sông từ vàm Cái Lớn ngược về thượng lưu sông Hậu ở Vĩnh Xương (An Giang), Thường Phước (Đồng Tháp) thì đường thủy nội địa quản lý.

"Vậy nhưng phương tiện đi vào một khúc thì đi theo tín hiệu hàng hải, một đoạn thì đi theo tín hiệu đường thủy nội địa, rất bất cập", ông Minh nói. 

Ngoài ra, theo ông Minh, Nghị định 06 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của đường thủy nội địa cũng đang tồn tại nhiều hạn chế.

"Lúc trước, việc cấp phép và quản lý đều là Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4 cấp phép và quản lý. Việc này tồn tại nhiều bất cập, theo nghị định mới giao cho địa phương cấp quận, huyện cấp phép là hợp lý.

Nhưng ở cấp này chưa có đội ngũ kế thừa, quận huyện không có cán bộ chuyên ngành giao thông thủy, nên cũng không cấp phép. Tình trạng này dẫn đến các bến đang có phép mà hết hạn thì thành không phép", ông Minh cho biết.

Việc quản lý phương tiện ở các mỏ cát theo ông Minh cũng đang bị bỏ ngỏ. Do các mỏ này được địa phương cấp phép khai thác, các phương tiện thủy nội địa ra vào mỏ cát rất nhiều nhưng không ai quản lý khi các phương tiện này rời mỏ…

Đoàn giám sát sẽ có báo cáo

Ông Huỳnh Hồng Lực, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho rằng, luồng hàng hải Định An từ xa xưa đã có tàu biển đi qua để sang Campuchia. Luồng hàng hải này hiện được bố trí các biển báo hiệu hàng hải từ cửa biển Định An đến vàm Rạch Gòi lớn ở An Giang theo công ước quốc tế.

Vì sao 3 đơn vị cùng quản lý một đoạn sông?- Ảnh 2.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hồng Lực, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ nhìn nhận công tác quản lý đường thủy nội địa, hàng hải còn nhiều chồng chéo.

"Chúng ta là thành viên trong Tổ chức Hàng hải quốc tế nên cũng phải tuân thủ các quy ước đã cam kết", ông Lực nói. Và ông nhìn nhận có bất cập trong công tác quản lý giữa đường thủy nội địa và hàng hải.

Theo ông Lực, cảng bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển đã giao hết cho địa phương theo quy định mới. Dù vậy, trong vùng nước cảng biển do Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ quản lý vẫn còn một số bất cập. 

"Ví dụ như có tình trạng vị trí cảng bến thủy nội địa đó chưa giao rõ cho Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT hay Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 4 quản lý. Còn Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ chỉ quản lý cảng biển", ông Lực cho hay.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng cho biết vẫn tồn tại bất cập liên quan đến các hoạt động của tàu thuyền. 

Cụ thể, nếu tàu thuyền vào cảng biển để bốc dỡ hàng hóa thì Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cấp phép quản lý, kiểm tra.

Nhưng nếu đặt tình huống cảng biển và bến thủy nội địa gần nhau và phương tiện vào bến thủy nội địa thì lại do Cảng vụ Đường thủy nội địa cấp phép, khi di chuyển qua để bốc dỡ hàng hóa lên tàu biển ở cảng biển thì phải làm thủ tục ở cảng biển.

"Đây là một bất cập chồng chéo, tạo nhiều chi phí cho doanh nghiệp, mong đoàn giám sát lưu ý để có ý kiến chỉnh sửa luật, bổ sung vào các quy định hiện hành", ông Lực cho hay.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát cho biết, đoàn rất cần những ý kiến rõ ràng đi thẳng vào trọng tâm, xoáy vào bất cập đang tồn tại như ông Minh, ông Lực trình bày.

Trung tướng cũng đề nghị chính quyền thành phố Cần Thơ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, bất cập theo thẩm quyền. 

Những vấn đề trong buổi làm việc, đoàn giám sát sẽ có báo cáo, ý kiến cụ thể lên các cấp cao hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.