Đường bộ

Vì sao chưa trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thu phí đường bộ cao tốc?

05/10/2023, 12:33

Bộ GTVT lý giải nguyên nhân chưa báo cáo Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về dự thảo nghị quyết riêng liên quan đến thu phí dịch vụ đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bộ GTVT cho biết, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ GTVT tập trung xây dựng và có tờ trình gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Vì sao chưa trình xin ý kiến nghị quyết riêng về thu phí đường bộ cao tốc? - Ảnh 1.

Nội dung thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được đề cập trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới đây (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, xét thấy nội dung này đã được đưa vào dự thảo Luật Đường bộ và sẽ được xem xét tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

"Nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh một nhiệm kỳ trình cấp có thẩm quyền xem xét hai nội dung và tránh tình trạng một chính sách có hai văn bản, Bộ GTVT đã kiến nghị tại kỳ họp Quốc hội lần này chỉ trình xem xét nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Đường bộ", đại diện Bộ GTVT thông tin.

Trước đó, tại tờ trình gửi Chính phủ, Bộ GTVT cho biết để thực hiện mục tiêu 5.000km đường cao tốc, ước tính nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng. Trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành hơn 2.000km và khởi công 925km sẽ cần tới 239.500 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Với yêu cầu ngân sách Nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên xây dựng chính sách để ngân sách Nhà nước có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.

Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật. 

Những năm qua các tuyến đường do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.

Dự kiến đến 2025, trường hợp 1.624km đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách đi vào hoạt động, ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 9.000 tỷ đồng (bình quân hơn 1.800 tỷ đồng/năm).

Qua tính toán, Bộ GTVT cho rằng phương án thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư qua trạm thu phí theo cơ chế phí là có hiệu quả và tính khả thi cao.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.