Xã hội

Vì sao dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh "giậm chân tại chỗ"?

10/03/2024, 16:39

Dù được điều chỉnh nhiều lần, nhưng dự án đường gom hai bên cao tốc qua huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) trị giá gần 200 tỷ đồng vẫn có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ.

Giải phóng mặt bằng bị "chặn đầu, khóa giữa", khó thi công

Dự án tuyến đường gom hai bên đường cao tốc đoạn từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến nút giao Bình Dân (dự án đường gom - PV), chạy qua 3 xã là Đoàn Kết, Đài Xuyên và Bình Dân, dài 8,045km được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đầu tháng 12/2021, có tổng đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Dự án được phê duyệt triển khai trong giai đoạn 2022-2023. Thế nhưng, sau hơn hai năm thi công, đến nay, dự án mới triển khai được khoảng 30%.

Vướng mặt bằng, dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh

Vướng mặt bằng, dự án đường gom ở huyện Vân Đồn "giậm chân tại chỗ", chậm tiến độ.

Chỉ vào những thửa ruộng nằm giữa dự án đường gom vẫn đang cày ải chuẩn bị trồng, cấy thuộc địa bàn thôn Đồng Đá, xã Bình Dân, ông Nguyễn Văn Sỹ, cán bộ Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh - đơn vị chủ đầu tư dự án cho biết: Chỗ này thi công được vài trăm mét, thì lại vướng đất nông nghiệp của dân chưa đền bù.

"Giải phóng mặt bằng (GPMB) theo kiểu "chặn đầu, khóa giữa" thế này thì làm sao triển khai được? Chính quyền địa phương và chủ đầu tư họp nhiều lần, nhưng vẫn chưa có được mặt bằng sạch", ông Sỹ nói.

Vướng mặt bằng, dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh

Hàng loạt thửa ruộng trên tuyến ở thôn Đồng Đá, xã Bình Dân chưa được GPMB khiến đơn vị thi công "bó tay".

Kẹp giữa hai đoạn thi công ở thôn Đồng Đá là một hộ dân vẫn chưa được GPMB. Đó là hộ anh Điệp Văn Soi, người dân tộc Sán Dìu ở giáp cánh đồng thuộc thôn Đồng Đá.

Gặp PV Báo Giao thông, anh Điệp Văn Soi thắc mắc, gia đình anh làm nhà cấp 4 tại đây từ năm 2012; vẫn nộp thuế đất phi nông nghiệp theo quy định, nhưng khi GPMB, cơ quan chức năng lại xác định hộ anh Soi xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, nên không được áp giá đền bù về đất ở.

"Hiện gia đình tôi đã nhận được phương án đền bù là 340,7 triệu đồng. Với số tiền này, nếu mua một thửa đất nhỏ nhất là gần 100m2 tại khu tái định cư xã Đoàn Kết phải hơn 1 tỷ đồng. Thế thì chúng tôi làm sao ổn định được cuộc sống?" anh Soi nêu lý do chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng.

Vướng mặt bằng, dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh

Căn nhà của gia đình anh Điệp Văn Soi nằm án ngữ giữa tuyến, khiến nhà thầu không thể triển khai.

Tiếp tục đến đầu tuyến dự án đường gom thuộc địa phận xã Đoàn Kết, dù nhà thầu đã triển khai từ lâu, nhưng mới chỉ khoét được một đoạn chừng vài chục mét.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, tuyến qua xã Đoàn Kết có 36 hộ phải đền bù, GPMB, nhưng đến nay mới có 27 hộ được phê duyệt phương án, trong đó có 25 hộ đã nhận tiền. Vì thế, không đủ hướng, tuyến thi công.

Còn ở khu vực giữa và cuối tuyến, nhà thầu cũng "bó tay", dù 100 hộ dân thuộc diện GPMB ở xã Đài Xuyên đã nhận tiền đền bù, nhưng lại vướng diện tích rừng ngập mặn chưa được chuyển đổi, GPMB.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Quang Thảo - nhà thầu thi công đoạn từ Km4-153 - Km7+12,4 cho biết: Hiện trên tuyến do doanh nghiệp thi công còn vướng diện tích rừng ngập mặn chưa được GPMB vì chưa đủ thủ tục. Mặt bằng ngắt quãng như vậy, nên rất khó thi công.

Gỡ vướng cách nào?

Do thiếu mặt bằng thi công, dự án đường gom đã phải hai lần gia hạn tiến độ hoàn thành. Lần đầu là vào tháng 6/2023, gia hạn đến cuối năm 2023. Mới đây nhất, ngày 26/12/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định tiếp tục gia hạn dự án sang năm 2024.

Thế nhưng, theo BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, dự án đường gom cao tốc dài 8,045km, tổng diện tích cần giải phóng là 23,9ha. Hiện mặt bằng sạch đã bàn giao, có thể thi công được mới đạt 3,8km (còn 4,9ha chưa được giải phóng), nhưng trong tình trạng "xôi đỗ", với chiều dài vướng mắc thực tế là 4,2km.

Vướng mặt bằng, dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh

Vị trí đầu tuyến dự án chưa thể triển khai do vướng mắc về GPMB.

"Đến nay, nhiều thửa đất vẫn chưa xác định được chủ và nhiều hộ chưa giải quyết được quyền thừa kế, khiến công tác GPMB dự án rất khó giải quyết", cán bộ BQLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Qua tìm hiểu, tại xã Bình Dân, có phần diện tích đất nông nghiệp do nhiều hộ dân canh tác từ lâu. Nhưng đến khi kiểm đếm, xây dựng phương án đền bù lại bị cơ quan chức năng cho rằng bà con không canh tác liên tục, nên thuộc UBND xã quản lý, vì thế không đền bù cho các hộ dân.

Theo vị cán bộ này, có thể giải quyết những thửa đất chưa xác định được chủ, người thừa kế bằng cách kiểm đếm cụ thể từng thửa, quay chụp hiện trạng, niêm yết công khai, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau đó, lập tài khoản, chuyển tiền vào để khi xác định được chủ đất, rõ hàng thừa kế thì người có nghĩa vụ quyền lợi sẽ đến nhận tiền. Thế nhưng, đến nay phương án này vẫn chưa được nghiên cứu, áp dụng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm đếm, GPMB dự án đường gom cao tốc, ông Tô Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết: Trên địa bàn xã có 81 hộ cần GPMB. Hiện đã có 71 hộ được phê duyệt phương án, trong đó 62 hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng, 9 hộ chưa nhận tiền. Số còn lại chưa được phê duyệt liên quan đến xác định chủ đất, thừa kế và đơn giá đền bù.

Vướng mặt bằng, dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh

Anh Điệp Văn Soi bên căn nhà xây từ năm 2012.

Nguyên nhân của việc chưa xác định được chủ đất canh tác đất nông nghiệp nằm trên tuyến là do bà con không canh tác thường xuyên, khi triển khai đền bù lại không có bản đồ giải thửa, nên chưa xác định được chủ đất thực sự là ai.

Đối với kiến nghị của hộ ông Điệp Văn Soi tại thôn Đồng Đá, ông Lưu cho biết, qua các thông tin thì trước khi hộ ông Soi xây nhà đã có hộ ở tại đây trước đó. Mặt khác, khu vực này trước đây phù hợp là đất ở nông thôn dù chủ hộ chưa được cấp bìa.

"Do vậy, xã đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, đền bù cho hộ ông Soi là đất ở và sẽ khấu trừ tiền chuyển đổi mục đích sử dụng khi xây dựng phương án", ông Lưu nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lưu Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm Quỹ đất huyện Vân Đồn đã thừa nhận việc đền bù, GPMB như hiện nay đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án đường gom.

Vướng mặt bằng, dự án đường gom cao tốc gần 200 tỷ đồng ở Quảng Ninh

Ở cuối tuyến, do không có điểm tập kết đất đắp tạm, nên nhà thầu cũng chỉ thi công cầm chừng để tiết kiệm chi phí trung chuyển.

"Tổng diện tích thu hồi của dự án là 20,55ha với số hộ ảnh hưởng là 147 hộ (phần diện tích còn lại là đất rừng ngập mặn - PV) . Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt phương án cho 128 hộ với số tiền 18,9 tỷ đồng. Trong đó, số hộ đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng là 117 hộ với diện tích 18,6ha, số hộ chưa nhận tiền là 11 hộ, số hộ còn lại đang được xem xét phương án.

Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp để hoàn thiện các phương án số hộ còn lại. Đặc biệt, UBND Bình Dân cần sớm hoàn thiện việc rà soát các hàng thừa kế, hướng dẫn hộ gia đình phân chia tài sản, điều chỉnh bản chứng nhận, xác nhận đối tượng sử dụng đất làm cơ sở thực hiện", ông Đạt thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.