Tài chính

Việt Nam sẽ có thị trường cho thuê tài chính màu mỡ

09/09/2017, 18:14

Đây là nhận định của chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực về tiềm năng của thị trường cho thuê tài chính Việt Nam.

cho-thue-tai-chinh

TS Cấn Văn Lực tin rằng Việt Nam sẽ có thị trường cho thuê tài chính màu mỡ

Tại Việt Nam, cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, cả nước chỉ có 11 doanh nghiệp cho thuê tài chính với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tỏ ra ngạc nhiên với vị thế cho thuê tài chính tại Việt Nam.

Tại tọa đàm Thuê tài chính – Kênh huy động vốn trung dài hạn, kinh nghiệm Nhật Bản và triển vọng phát triển tại Việt Nam vừa được BIDV phối hợp cùng Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) tổ chức, ông Nguyễn Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam kể, ông biết một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất xe đạp tại Hải Dương có lượng đơn đặt hàng khá lớn. Nhưng vì không có vốn nên doanh nghiệp này không dám mở rộng sản xuất, thậm chí lãnh đạo doanh nghiệp còn không dám nhận đơn đặt hàng.

Chính vì thế, ông Thân cho rằng, thuê tài chính sẽ là một giải pháp rất hữu ích cho các DNNVV của Việt Nam giống như doanh nghiệp tại Hải Dương này.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung và dài hạn cho khách hàng thông qua cho thuê tài sản.

Hiểu một cách cụ thể, cho thuê tài chính được hiểu là hình thức cấp tín dụng bằng tài sản, khách hàng trả phí định kì, hợp đồng không huỷ ngang, tài sản cho thuê đứng tên Công ty cho thuê tài chính, tỷ lệ tài trợ cao về lý thuyết có thể lên tới 100% và không yêu cầu tài sản đảm bảo.

Tài sản cho thuê chủ yếu là thiết bị thông tin truyền thông, ôtô, máy móc công nghiệp, văn phòng, công trình xây dựng…

Ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính tại Việt Nam tương đối phát triển. Tuy nhiên, cho thuê tài chính vẫn là thị trường nhỏ bé với dư nợ 383 triệu USD, tương đương 8.700 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ các tổ chức tín dụng) so với tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm.

"Việt Nam có một thời phát triển tốt lĩnh vực này, nhưng 3 năm qua chững lại, do thị trường tài chính trong quá trình tái cơ cấu, chưa được quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý cũng như một số hạn chế trong thiết kế sản phẩm tại các công ty cho thuê tài chính", TS Cấn Văn Lực cũng đồng tình.

Ông Shumizu - Giám đốc bộ phần phát triển kinh doanh Công ty cho thuê tài chính SuMi TRUST Panasonic finance (thành viên Tập đoàn SuMi TRUST) cho biết, quốc gia này có khoảng 243 công ty. Có tới hơn 90% doanh nghiệp Nhật sử dụng hình thức cho thuê tài chính.

"Tại Nhật, cho thuê tài chính phát triển và giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế. Tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định", ông nói.

TS Cấn Văn Lực – chuyên gia ngân hàng - chỉ ra 4 điểm khiến Việt Nam hiện là một thị trường “màu mỡ” là kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP trên 6,5% trong giai đoạn 2017-2020, tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải phục vụ đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Nghị quyết 35 của Chính phủ định hướng đạt 1 triệu DN đến hết năm 2020 cùng với định hướng của Nhà nước phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, khung pháp lý cho thị trường Cty tài chính cũng ngày càng hoàn thiện.

Ngày 8/9, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST, Cty liên doanh giữa BIDV và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản chính thức khai trương. Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST (BSL) là Cty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh giữa Ngân hàng thương mại trong nước với một định chế tài chính nước ngoài. BSL có vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50% và SuMi TRUST sở hữu 49%. BSL hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của Cty cho thuê tài chính theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng giám đốc BSL cho biết sẽ phát triển sản phẩm cho thuê tài chính cho cộng đồng doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp lớn, DNNVV, và doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. BSL cũng sẽ kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp thiết bị để hỗ trợ người sử dụng cuối cùng tìm được máy móc,thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình và có giải pháp tài chính phù hợp thông qua thuê tài chính

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.