Giao thông

Việt Nam và 5 nước đạt thỏa thuận kết nối đường bộ

16/03/2018, 06:21

Lãnh đạo Bộ GTVT 6 nước tiểu vùng GMS đạt thỏa thuận triển khai kết nối đường bộ từ tháng 6/2018.

1

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một phần trong hệ thống giao thông kết nối các nước GMS - Ảnh: K.Linh

Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới 6 nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA) cấp Bộ trưởng diễn ra chiều qua (15/3) đã thông qua và ký kết Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” và chính thức thực hiện từ tháng 6/2018.

Vận tải xuyên biên giới sẽ tiết giảm chi phí

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Hiệp định GMS-CBTA rất quan trọng trong thúc đẩy hợp tác các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar) cả về vận tải và thương mại. Với việc tham gia Hiệp định, hạ tầng kết nối GTVT đã được cải thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực.

Việt Nam có vị trí thuận lợi tham gia cả ba hành lang kinh tế chính của Tiểu vùng. Hai hành lang Đông - Tây và hành lang phía Nam trên lãnh thổ Việt Nam được đưa vào khai thác từ những năm 2005-2006, toàn tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai trên hành lang Bắc - Nam cũng đã được đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Các hành lang kinh tế này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như của khu vực GMS.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho rằng, việc thực hiện Hiệp định GMS-CBTA là yêu cầu cấp thiết đối với các nước GMS vì vậy cần thực hiện với sự nỗ lực cao nhất. Việc đạt được thỏa thuận vận tải xuyên biên giới sẽ giúp chi phí vận tải hợp lý hơn, thời gian ngắn hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại.

“Đã đến lúc chúng ta không chỉ áp dụng Hiệp định cho những điểm xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu nằm trong thỏa thuận mà cần mở rộng tới các cửa khẩu khác trên các tuyến, hành lang”, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan nói, đồng thời đề nghị các nước GMS cam kết cao nhất thực hiện các điều khoản Hiệp định.

2

Các nước thành viên GMS ký Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm” Hiệp định GMS - CBTA, thống nhất triển khai thực hiện từ tháng 6/2018

Mở cửa hành lang kinh tế

Với quyết tâm rất lớn từ các nước thành viên, Hội nghị lần này đã thông qua được Tuyên bố chung và ký kết Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm”; ấn định thời gian bắt đầu triển khai thực hiện kết nối vận tải xuyên biên giới trong Tiểu vùng từ tháng 6/2018. Riêng Myanmar sẽ tham gia thực hiện “Thu hoạch sớm” thông qua việc thực hiện các thỏa thuận - song phương tương tự như Hiệp định CBTA, với các nước láng giềng cho đến năm 2020.

Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm” cho phép triển khai có hiệu quả Giấy phép vận tải đường bộ GMS và Sổ theo dõi tạm nhập cho xe thương mại. Đồng thời khuyến khích tất cả các nước GMS tiếp tục nỗ lực để tạo thuận lợi cho vận tải và thương mại trong khu vực, bao gồm việc tăng cường thực hiện mô hình “Một cửa/Một lần dừng” tại các cửa khẩu theo Hiệp định.

Cụ thể, các nước thống nhất cho phép mỗi nước thành viên được phát hành tối đa 500 Giấy phép vận tải đường bộ khu vực GMS và Tờ khai tạm nhập tái xuất đối với phương tiện vận tải người và hàng hóa có đăng ký, sở hữu hoặc hoạt động tại quốc gia đó; quy định phương tiện có thể vận chuyển trên tất cả các tuyến đường và qua tất cả các cửa khẩu được nêu trong Nghị định thư 1 của Hiệp định.

Ông Hideaki Iwasaki, Giám đốc Ban Vận tải và thông tin khu vực châu Á - Thái Bình Dương Ngân hàng ADB cho rằng, Bản ghi nhớ được các nước đồng thuận ký kết lần này sẽ cho phép thực thi chương trình khai thác sớm vận tải kết nối trên mạng lưới hạ tầng và qua các điểm kết nối trong Tiểu vùng GMS. Ông Hideaki Iwasaki cũng cam kết ADB sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nước GMS trong tiến trình triển khai thực hiện Bản ghi nhớ “Thu hoạch sớm”.

Đánh giá cao quyết tâm của các nước GMS trong việc kết nối đường bộ xuyên biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy vận tải liên vận quốc tế. Đặc biệt, sẽ triển khai mô hình kiểm tra “Một cửa - Một lần dừng” tại các cửa khẩu được nhanh chóng, thuận lợi không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà còn với doanh nghiệp các nước trong khu vực.

“Tôi cũng mong muốn chúng ta có thể triển khai hoạt động vận tải GMS theo lộ trình đã đặt ra để biến ý tưởng Hành lang kinh tế mà các nước GMS và ADB thống nhất lâu nay trở thành hiện thực”, Bộ trưởng Thể nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.