Thi viết về GTVT

Viết tiếp tương lai trên đường huyền thoại qua Truông Bồn

26/07/2023, 07:30

Tuyến đường huyền thoại qua Truông Bồn đang thay da đổi thịt, trở thành tuyến giao thông đặc biệt quan trọng tại Nghệ An.

Từ tuyến đường chiến lược để chuyển lương, tải đạn từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, đến nay đường 15A (nay là quốc lộ 15) đã trở thành tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, kết nối vùng Tây Nam của tỉnh Nghệ An với trung tâm TP Vinh.

Kiên cường nơi “tọa độ lửa”

img

Tuyến đường 15A và dự án tuyến tránh nơi "tọa độ lửa" Truông Bồn.

Những ngày giữa tháng 7/2023, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đường 15A huyền thoại đoạn qua địa bàn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong không khí linh thiêng, rất đông người dân khắp mọi miền cả nước cùng hành hương về địa chỉ đỏ Truông Bồn.

Năm nay đã tuổi 77 nhưng nữ tiểu đội trưởng tiểu đội cảm tử (Đại đội 317-N65, Tổng đội TNXP) Nguyễn Thị Thông ở “tọa độ lửa” Truông Bồn năm xưa vẫn mạnh khỏe, minh mẫn. Bà Thông kể, ngày ấy, tuyến đường chiến lược 15A hay còn gọi là đường 30 vẫn là đường đất, nhỏ hẹp, chỉ đủ lọt xe tải, có chỗ một bên núi, một bên đầm.

Năm 1967, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1A bị phong tỏa hoàn toàn. Tuyến đường 15A trở thành tuyến giao thông chính chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Nắm được vị trí chiến lược này, đế quốc Mỹ đã điên cuồng dùng bom đạn hủy diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Bà Thông còn nhớ như in những trận mưa bom nổ đỏ trời, những cột khói cuộn cao như núi. Trên đường là chi chít những hố bom, có hố bom vừa nổ, đất vẫn còn đỏ hồng như than củi.

Theo thống kê, trong vòng bốn năm (1964 - 1968), riêng tại “yết hầu” Truông Bồn, quân Mỹ đã ném xuống đây gần 20.000 quả bom các loại.

“Địch phá, ta xây. Bất kể ngày hay đêm, cứ máy bay ném bom xong là các cô gái tuổi mười tám, đôi mươi lại ra san lấp đường. Lúc bấy giờ làm gì có máy múc, máy ủi, máy san như bây giờ. Trong tay chúng tôi chỉ là cuốc, xẻng và chiếc xe cút kít”, bà Thông nhớ lại.

Thanh xuân ở lại…

img

Tiểu đội trưởng Tiểu độ 2, Đại đội TNXP 317 Nguyễn Thị Thông kể lại những ngày tháng giữ đường năm xưa.

Ban ngày san lấp đường, ban đêm nữ TNXP cùng nhau làm nhiệm vụ dẫn đường cho ô tô đi qua. Do đêm tối, thời gian đầu, các cô gái “tiểu đội thép” nghĩ ra cách dùng bẹ chuối rải trên đường để xe nhận biết lối đi.

Thế nhưng, máy bay Mỹ ném bom liên tục, bẹ chuối xe đi qua một vài lần đã nát bươm nên cuối cùng, các cô bất chấp nguy hiểm, dùng thân mình làm cọc tiêu di động dẫn xe qua “tọa độ chết” Truông Bồn.

“O nào có áo may ô trắng thì mặc, ai không có thì xé dù làm khăn quàng rồi đứng dọc hai bên đường làm “cọc tiêu” dẫn đường cho xe qua. Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng chị em đều rất vui, không ai lo đến việc sống chết cả. Đêm đêm ra đứng dẫn đường, nhìn cảnh từng đoàn xe chạy qua, gặp các anh bộ đội thỉnh thoảng trêu đùa nhau đôi câu vui lắm”, bà Thông hồi tưởng.

Rồi giọng bà chùng xuống: Nhiều anh chị lẽ ra đã rời đơn vị vào ngày 30/10/1968. Nhưng khi nghe cấp trên phổ biến sáng sớm mai sẽ có một đoàn xe quân sự vượt qua Truông Bồn vào Nam trước khi trời sáng.

Tất cả đã tình nguyện ở lại chiến đấu cùng đồng đội.

4h sáng ngày 31/10/1968, 12 nữ TNXP của tiểu đội 2 cùng hai chiến sĩ là Cao Ngọc Hòa và Trần Văn Hạp đã có mặt trên tuyến, khẩn trương san lấp hố bom. Đến 6h10, khi công việc sắp hoàn thành thì bất ngờ máy bay Mỹ ập đến, bổ nhào ngay sát trận địa. Địch ném bom như vãi trấu, đợt trước chưa dứt, đợt sau đã tới.

Trận bom đã nhấn chìm Truông Bồn trong biển lửa, 11 cô gái và hai chàng trai vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Duy nhất Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông sống sót nhờ vào phần nòng súng nhô trên lớp đất dày, được lực lượng cứu hộ phát hiện và cấp cứu kịp thời.

13 chiến sĩ hy sinh, người trẻ nhất mới 17 tuổi, người nhiều nhất cũng chỉ mới 22 tuổi. Các anh, các chị hy sinh khi chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là đến thời điểm 0h ngày 1/11/1968 - thời điểm không quân Mỹ ngừng ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc. Nhiều người trong số này đã định ngày cưới, cầm giấy báo nhập học các trường chuyên nghiệp…

Viết tiếp tương lai

Nhìn dòng phương tiện nối đuôi nhau trên tuyến đường được thảm nhựa phẳng lì với hai làn xe cơ giới, đầy đủ hệ thống an toàn giao thông, một cán bộ Ban QLDA công trình giao thông, Sở GTVT Nghệ An cho biết: “Chiến tranh kết thúc, quốc lộ 15 trở thành tuyến giao thông đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Những năm qua, tuyến đường đã được Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh Nghệ An quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng. Gần đây nhất là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 5A đoạn Km 301+500 - Km 333+200.

Tuyến có chiều dài 31,7km, điểm đầu giao với quốc lộ 46 (thuộc địa phận xã Đà Sơn, huyện Đô Lương), điểm cuối giao với quốc lộ 46 (thuộc địa phận xã Vân Diên, huyện Nam Đàn).

Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, riêng đoạn Km 301+500 – Km 303+100 và nhánh theo Khu di tích lịch sử Truông Bồn theo tiêu chuẩn đường đô thị.

Kỹ sư Lê Duy Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty CP 468 (đơn vị thi công) cho hay, đoạn nhánh Khu di tích lịch sử Truông Bồn có tổng chiều dài 2,8km, được triển khai thi công từ tháng 8/2017, tiến độ ban đầu là hoàn thành vào năm 2022.

Ngay từ ngày nhận công địa, cả công ty đều xác định đây là công trình nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ tuyến đường 15 huyền thoại.

Toàn thể cán bộ, kỹ sư và công nhân đều quyết tâm cao nhất, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật. Tuy nhiên, do nguồn gốc đất qua các thời kỳ phức tạp dẫn đến một số trường hợp phải cưỡng chế, bảo vệ thi công, nên phát sinh các thủ tục kéo dài theo đúng quy định.

“Tiến độ cấp trên cho gia hạn đến hết 31/12/2023, nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành trong tháng 9/2023”, kỹ sư Hưng nói.

Ở nửa còn lại, Công ty CP Xây lắp Giang Sơn cũng đang hoàn thành những mét thảm lớp 1 cuối cùng đoạn cuối tuyến.

Nhìn ngọn núi đá bị xẻ xuống sâu hơn 20m, kỹ sư Nguyễn Ngọc Đức, chỉ huy trưởng của công ty này chia sẻ: “Ngày xưa, các anh, các chị chỉ có cuốc, xẻng, dưới mưa bom bão đạn vẫn phá đá mở đường, đảm bảo an toàn cho các chuyến xe ra tiền tuyến. Giờ đây, có đầy đủ xe máy và thiết bị, chúng tôi sẽ làm thật đẹp, thật tốt để không phụ sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.

Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, đây là tuyến đường nối huyện Đô Lương, trung tâm khu vực Tây Nam của tỉnh Nghệ An với TP Vinh; nối quốc lộ 7 với quốc lộ 46 và là tuyến đường đi qua Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực tuyến đi qua, đảm bảo an ninh quốc phòng quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trong tương lai. Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa chính trị to lớn, thể hiện tình cảm uống nước nhớ nguồn và tôn vinh các thế hệ quân dân đi trước đã anh dũng bảo vệ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Được biết, dự án được khởi công năm 2013 và hoàn thành vào năm 2022. Riêng đoạn nhánh Khu di tích lịch sử Truông Bồn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc trong GPMB. Cụ thể là không thống nhất được đơn giá trong phương án bồi thường nên được Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện đến cuối năm 2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.