Pháp đình

VKS đề nghị tuyên cựu nhà báo Lê Duy Phong từ 3-4 năm tù

20/04/2018, 11:36

VKS cho rằng đủ căn cứ truy tố bị cáo Phong tội cưỡng đoạt tài sản, đề nghị mức án từ 3–4 năm tù.

31056887_2148901942008314_1881397208398430208_n

Cựu nhà báo Lê Duy Phong tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Cưỡng đoạt tài sản

Liên quan đến phiên xét xử cựu nhà báo Lê Duy Phong về tội Cưỡng đoạt tài sản diễn ra ngày 20/4 tại TAND TP. Yên Bái, khoảng 10h30 cùng ngày, Tòa kết thúc phần xét xử và chuyển sang phần tranh luận

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho biết, lợi dụng việc một số báo đăng tin, bài gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín, công việc của một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái, đồng thời vì mục đích vụ lợi, trong các ngày 16/6; 22/6/2017, Lê Duy Phong đã chiếm đoạt của ông Vũ Xuân Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái 200 triệu đồng và chiếm đoạt của ông Hoàng Trung Thực, cán bộ công an tỉnh Yên Bái đã về hưu, đang góp vốn kinh doanh vận tải 50 triệu đồng.

Hành vi phạm tội của bị cáo Duy Phong là rất nguy hiểm cho xã hội với tính chất nghiêm trọng xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, hành vi của Lê Duy Phong còn vi phạm nghĩa vụ của nhà báo tại điểm c, khoản 3 điều 25 Luật Báo chí quy định: Không lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến tôn chỉ, hoạt động của báo chí, gây tâm lý bất bình trong quần chúng nhân dân, gây mất trật tự trị an trên địa bàn.

"Vì vậy, hôm nay TAND TP. Yên Bái đưa bị cáo ra xét xử công khai là cần thiết thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời thể hiện tính răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung", đại diện VKS nói và cho biết, xét về nhân thân bị cáo là một con người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có trình độ học vấn cao, chỉ vì mục đích vụ lợi đã lợi dụng danh nghĩa Trưởng ban bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dùng lời nói đe dọa, uy hiếp tinh thần ông Sáng và ông Thực chấp nhận đưa tiền cho bị cáo. Bị cáo phạm tội với 2 tình tiết tăng nặng tại điểm c và điểm g khoản 1 điều 52 BLHS năm 2015 là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” và “Phạm tội từ 2 lần trở lên”.

30740497_894762894027216_7981038976821624832_n

Bị cáo Phong thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình tại phiên tòa

VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt: Trong quá trình phấn đấu công tác, bị cáo đã đạt được một số thành tích; trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa ngày hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo đã tác động đến gia đình bồi thường cho bị hại Sáng số tiền 200 triệu đồng, có bố là Lê Duy Quang được tặng Huân chương kháng chiến hạng 3, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào, được nhận kỉ niệm chương của Cựu chiến binh, vì vậy bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, p, s khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự .

"Bản cáo trạng đã truy tố bị cáo theo điểm  a khoản 3 điều 170 BLHS năm 2015, với mức án từ 7-15 năm tù. Tuy nhiên hành vi phạm tội do bị cáo thực hiện ở thời điểm 1/1/2018 do đó còn áp dụng điểm a khoản 3 điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được quy định tại các điều 46, 48 Bộ Luật hình sự để xử lý bị cáo phù hợp hơn. Từ những phân tích đánh giá trên, tôi đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Lê Duy Phong phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Về hình phạt đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Lê Duy Phong từ 3-4 năm tù”, đại diện VKS nói.

Ngay sau đó, tại phiên tòa, đại diện luật sư cho bị cáo Lê Duy Phong mong HĐXX xem xét thêm một số tình tiết giảm nhẹ khác cho bị cáo Phong mà đại diện VKS chưa đề cập đến: Bị cáo Phong từng được Quân chủng Hải quân tặng huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa trong quá trình ra Trường Sa công tác.

“Đặc biệt, quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, bị cáo Phong không chỉ thành khẩn khai báo việc chiếm đoạt 50 triệu đồng của ông Thực mà còn tự khai nhận việc chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Sáng. Thời điểm này, bị cáo Phong chưa biết việc ông Sáng làm đơn tố cáo mình. Đây không chỉ là sự thành khẩn mà cần xem xét ở một mức cao hơn đó là tự thú”, đại diện luật sư cho bị cáo Phong nói.

Đồng thời, vị đại diện này cũng mong HĐXX lưu ý một tình tiết giảm nhẹ nữa là các bị hại đều đề nghị HĐXX giảm nhẹ tội cho bị cáo Phong.

Trước đó, trong quá trình xét hỏi ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, người này cho biết cá nhân ông không phân công ông Phong hay phóng viên nào lên Yên Bái làm việc liên quan đến tài sản gia đình ông Sáng. Tuy nhiên có ký giấy giới thiệu cho PV Lê Hữu Chí  với nội dung “tìm hiểu xác minh theo đơn thư bạn đọc về các vấn đề ở Yên Bái”.

Về việc phát hiện con dấu Trưởng ban bạn đọc trong quá trình khám xét xe cá nhân của bị cáo Phong, ông Tước cho hay chưa nhìn thấy con dấu này và tại cơ quan cũng không thuộc thẩm quyền kiểm soát con dấu nên không biết.

Tuy nhiên, ông Tước cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ông có ký một số công văn trong đó có tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Duy Phong. “Anh Duy Phong đã khai nhận thành khẩn tại phiên tòa, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội”, ông Tước nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.