Tài chính

VN-Index chạm mốc 1.230 điểm, nhà đầu tư nên rót tiền vào cổ phiếu nào?

21/02/2024, 11:40

Đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán được kỳ vọng bền vững và xác thực hơn trong năm 2024 khi nhiều nhóm ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, dầu khí, hóa chất… được hưởng lợi.

Cổ phiếu họ Vingroup bứt phá

Đầu năm 2024, thị trường chứng khoán ghi nhận sóng tăng ấn tượng khi VN-Index từ vùng 1.090 lên vượt mốc 1.200 điểm. Sau tết Nguyên đán, đà tăng tiếp tục được kéo dài.

Nhiều nhà đầu tư lo ngại đây chỉ là xu hướng tạm thời, có thể đảo chiều sớm trong khi nhóm khác lại vô cùng lạc quan về một chu kỳ tăng trưởng mới trước những yếu tố quan trọng của nền kinh tế.

Kết thúc phiên ngày 21/2, VN-Index chạm mốc 1.230,06 điểm. Nhóm cổ phiếu họ nhà Vin vẫn là những trụ cột chính, với VRE có thời điểm đã chạm giá trần, trước khi đóng cửa còn +6,03% lên 25.500 đồng và thanh khoản dẫn đầu trong nhóm bluechip VN30 với hơn 25,1 triệu đơn vị - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong khi cổ phiếu VIC +3,2% lên 48.500 đồng, khớp gần 9 triệu đơn vị.

Với đà hưng phấn từ VIC, VRE và VHM, nhiều mã xây dựng, bất động sản cũng ghi nhận tăng với CCL tăng trần lên 8.790 đồng, HBC +5% lên 9.030 đồng, NHA +3,8% lên 17.750 đồng, CTD +3,77% lên 68.800 đồng, TCD +3,75% lên 8.300 đồng…

VN-Index chạm mốc 1.230 điểm, nhà đầu tư nên rót tiền vào cổ phiếu nào?- Ảnh 1.

VN-Index tiếp đà tăng từ sau Tết 2024 (Ảnh chụp sáng 21/2).

Nhìn chung, lo ngại của các nhà đầu tư về tính bền vững của cơn sóng lần này, đặc biệt khi nó đang được dẫn dắt bởi nhóm bất động sản là hoàn toàn hợp lý. Giai đoạn tháng 8/2023, loạt cổ phiếu nhà Vin và nhóm bất động sản đều đã có những đợt giảm mạnh. Khi đó, VIC cũng đã chạm mức 76.000 đồng, VHM hơn 66.000 đồng hay VRE gần 32.000 đồng. Dù vậy, sau khi chạm đỉnh, nhóm này liên tục ghi nhận những cây nến đỏ khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng con sóng lần này của thị trường là hoàn toàn có cơ sở với kỳ vọng mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới, bền vững hơn.

"Sóng bất động sản từ cuối 2022 đến tháng 8/2023 hoàn toàn mang tính kỳ vọng bất chấp việc thị trường vẫn còn nhiều vấn đề hiện hữu. Dù vậy, bước sang năm 2024, sự kỳ vọng này sẽ có tính xác thực hơn", ông Minh nhận định.

Chính phủ mới đây đã thông qua 2 luật là Luật sửa đổi tín dụng và Luật sửa đổi đất đai. Hành lang pháp lý thông thoáng hơn trong năm 2024 sẽ giúp thanh khoản của thị trường dần phục hồi trở lại. Đặc biệt, ông Minh cho rằng giai đoạn khó khăn nhất của bất động sản đã qua đi, rủi ro về trái phiếu cũng hạ nhiệt và bài toán thanh khoản cũng sớm được giải quyết. Không chỉ vậy, năm 2024 cũng sẽ là một năm Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, nâng cấp hạ tầng giao thông, qua đó tạo nền tảng cho thị trường trong thời gian tới.

Riêng với câu chuyện của nhóm cổ phiếu họ nhà Vin, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta tỏ ra không hề bất ngờ. Vị chuyên gia nhận định: "Nhắc đến Vingroup, giới đầu tư thường chú ý đến 2 câu chuyện là bất động sản và VinFast. Hiện tại, bất động sản kỳ vọng phục hồi, bên cạnh đó là việc mùa báo cáo tài chính của nhóm này đều ghi nhận kết quả tốt. Trong khi đó, dù chưa có cơ sở để nói về thành công của VinFast, song sự tiên phong của hãng là hoàn toàn hợp lý với bối cảnh xanh hóa nền kinh tế toàn cầu và xe điện trở thành tất yếu".

Những nhóm ngành tiềm năng

Nói về triển vọng của năm 2024, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng giai đoạn 2022-2023 được cho là đã tạo đáy. Kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi và tăng trưởng trong năm nay.

Đối với nền kinh tế toàn cầu, tác động của căng thẳng địa chính trị sẽ dần hạ nhiệt trong khi tại Mỹ, rất nhiều chuyên gia cho rằng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất từ tháng 3/2024, và làm giảm áp lực lãi suất cũng như tỷ giá. Ngoài ra, sức cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU... cũng được kỳ vọng tăng trở lại.

VN-Index chạm mốc 1.230 điểm, nhà đầu tư nên rót tiền vào cổ phiếu nào?- Ảnh 2.

Thanh khoản thị trường chứng khoán 2024 được dự báo ở mức 19.000 tỷ đồng.

Trong nước, ông Minh nhận định mỗi khi kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, Việt Nam vẫn đủ khả năng duy trì tăng trưởng ở mức ổn định. Bước sang năm 2024, sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy hơn nữa khi Việt Nam có nhiều lợi thế về xuất khẩu, FDI…

Không chỉ vậy, Việt Nam cũng đang duy trì được tình hình vĩ mô ổn định như: Lạm phát không cao, tỷ giá ổn định hơn so với những đồng tiền khác… "Khi nền kinh tế bứt tốc trong năm 2024, thị trường chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi với kỳ vọng các doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng 25-28%", ông Minh cho biết.

Trong thời gian tới, nhà đầu tư được khuyến khích quan tâm đến các nhóm ngành như bất động sản, vật liệu xây dựng, dịch vụ dầu khí… Ngoài ra, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cũng lưu ý về cổ phiếu nhóm hóa chất khi nguyên vật liệu của ngành này sẽ là đầu vào cho hoạt động sản xuất trong bối cảnh kinh tế trong nước phục hồi.

Đặc biệt, ông Minh cũng đề cập đến câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán với kỳ vọng thực hiện trong tháng 9/2024. "Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp mức thanh khoản lên khoảng 19.000 tỷ đồng. Trong dài hạn, nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán và ngân hàng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, định giá của 2 nhóm trên còn khá cao, chưa thực sự hấp dẫn", ông Minh chia sẻ.

Đối với việc khuyến khích đầu tư, ông Minh cho rằng cần quan tâm đến những công ty chứng khoán có lợi thế tốt về mảng thị phần khối tổ chức và lĩnh vực Investment banking. Đối với nhóm ngân hàng, cổ phiếu cần có thời gian để cân bằng lại định giá và được kỳ vọng sẽ có những con sóng vào cuối quý II/2024.

Thanh Thắng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.