Điều tra

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào?

14/12/2023, 12:19

Hiệu phó Trường đại học Hồng Đức cho biết, với những sinh viên bị cháy xe, trước mắt nhà trường đã có phương án hỗ trợ phương tiện đi lại.

Liên quan đến công tác hỗ trợ, bồi thường cho các sinh viên có xe bị cháy trong vụ hoả hoạn xảy ra hôm 12/12 vừa qua, ông Đậu Bá Thìn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho biết, trước mắt nhà trường đã có phương án hỗ trợ phương tiện đi lại cho sinh viên.

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Hàng trăm phương tiện của sinh viên Đại học Hồng Đức bị thiêu rụi hoàn toàn.

Sẽ bồi thường cho sinh viên theo quy định

Ông Thìn cho biết, sau khi xảy ra vụ hoả hoạn, nhà trường đã tiếp nhận thông tin, đề xuất của các sinh viên gửi xe tại nhà xe ở khu ký túc xá N1. Trước mắt, đại diện công đoàn, đoàn thanh niên và Hội Sinh viên trường cam kết sẽ luôn đồng hành và đưa ra phương án hỗ trợ sinh viên phương tiện đi lại giúp các em khắc phục khó khăn trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

"Nếu bạn nào đi làm thêm cần mượn hay thuê xe thì sinh viên tình nguyện của nhà trường sẽ hỗ trợ. Bạn nào chưa được hỗ trợ thì thuê mượn xe ở ngoài, sau đó nhà trường sẽ chi trả kinh phí thuê, mượn xe. Khi có kết quả điều tra, nhà trường phối hợp với các bên liên quan, bảo hiểm để thực hiện đền bù", Phó hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức cho biết thêm.

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều sinh viên lo lắng và không biết đến khi nào mới nhận được bồi thường tài sản của mình.

Ông Đậu Bá Thìn cũng cho biết, nhà trường có hợp đồng với một cá nhân để thực hiện việc trông giữ xe của sinh viên ở khu Ký túc xá N1. 

"Tôi không phụ trách về việc hợp đồng với cá nhân này nhưng theo nguyên tắc hợp đồng theo từng năm. Người trông coi hiện nay đang bị choáng váng, sốc tinh thần nên chưa thể gặp được. Hiện nay toàn bộ hồ sơ, hợp đồng giữa hai bên phía cơ quan công an đang giữ để phục vụ điều tra", ông Thìn nói.

Em T.X.T. (sinh viên năm 3, Khoa Giáo dục thể chất; trú huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) cho biết: "Khoảng 3h30, ngày 12/12 em nghe thấy nhiều tiếng động lớn nên mở cửa chạy ra ngoài, thấy nhà xe đang bốc cháy ngùn ngụt. Nhiều người cố dắt xe ra ngoài nhưng chỉ được khoảng hơn chục xe, còn lại cháy hết".

"Em bị cháy mất xe máy Wave RSX trị giá khoảng hơn 20 triệu đồng. Chúng em muốn có một lời giải thích từ phía nhà trường, cũng như được hỗ trợ một phần kinh phí nào đó", em T. nói.

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh 3.

Khu vực bị cháy đang được phong toả để phục vụ cho công tác điều tra làm rõ nguyên nhân cũng như tính toán thiệt hại tài sản của sinh viên.

Theo nhiều sinh viên, những chiếc xe bị cháy là phương tiện để các em đi làm thêm, về quê. Trong đó, có xe vừa mua chưa kịp bấm biển, nhiều xe cháy hết cả giấy tờ để trong cốp.

Sinh viên N.T.M.D. (sinh viên năm 2, Khoa kế toán) cho hay: "Xe của em dùng để đi làm thêm nhưng giờ cháy mất rồi nên không biết lấy gì để đi lại nữa. Em mới chỉ kê khai tài sản với nhà trường và gọi điện báo cho bố mẹ biết. Nhà trường cũng đã trao đổi nếu đi làm thì có thể mượn xe của sinh viên tình nguyện hoặc thuê xe ở ngoài. Nhưng như vậy cũng không chủ động được thời gian".

Được biết, sinh viên gửi xe máy tại nhà xe trong khuôn viên của Trường đại học Hồng Đức với mức phí 70.000 đồng/tháng/xe (tuỳ thuộc vào từng loại xe, thời điểm khác nhau nên mức giá cũng khác nhau). 

Hiện nhiều sinh viên lo lắng, khi chưa biết tài sản của mình bị thiêu rụi sẽ được xử lý thế nào? Các sinh viên mong muốn cơ quan chức năng sớm xử lý vấn đề này để giải quyết phương tiện đi lại phục vụ học tập, công việc và sinh hoạt.

Có thể khởi tố hình sự, bồi thường thiệt hại?

Từ những thông tin mà báo chí đề cập về vụ hoả hoạn, luật sư Vũ Văn Quyết, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành - Chi nhánh tại Thanh Hoá nhận định: "Đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản, vì vậy cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác định thiệt hại đã gây ra để xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật".

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh 4.

Theo luật sư Vũ Văn Quyết, các cơ quan nhà nước cần sớm làm rõ nguyên nhân, xác định thiệt hại đã gây ra để xem xét trách nhiệm pháp lý.

Trường hợp có người cố ý trực tiếp gây ra vụ cháy dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, trên cơ sở kết quả định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu thiệt hại ước tính lên đến trên 500 triệu đồng, người phạm tội có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản là phương tiện bị cháy, cơ sở vật chất bị thiệt hại theo quy định.

Trong trường hợp vụ cháy bắt nguồn từ việc cơ sở trông giữ xe không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, xác định thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người vi phạm về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh 5.

Vị trí khu nhà để xe bị cháy nằm cách Khu ký túc xá N1, trường Đại học Hồng Đức.

Đối với vụ cháy tại Đại học Hồng Đức không gây thiệt hại về người nhưng ước tính gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, người vi phạm sẽ bị khởi tố hình sự, khởi tố bị can về tội tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy với khung hình phạt tù lên đến từ 7 năm đến 12 năm tù. Đồng thời, nếu người vi phạm là chủ cơ sở trông giữ xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ tài sản bị cháy theo quy định.

Mặt khác, nếu chủ sơ sở trông giữ xe - Đại học Hồng Đức thuê đơn vị là tổ chức, cá nhân khác làm nhiệm vụ trông coi tài sản là phương tiện của sinh viên thì giữa Đại học Hồng Đức và nhận trông coi phương tiện, căn cứ theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015 để giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Vụ hoả hoạn thiêu rụi hàng trăm xe của sinh viên sẽ được xử lý như thế nào? - Ảnh 6.

Luật sư Vũ Văn Quyết, Công ty Luật TNHH Hiệp Thành - Chi nhánh tại Thanh Hoá nêu những tình huống giả định pháp lý liên quan đến vụ cháy.

Nếu đơn vị nhận giữ tài sản có lỗi trong quá trình nhận giữ phương tiện, thì phía Đại học Hồng Đức yêu cầu đơn vị nhận giữ tài sản phải bồi thường thiệt hại đối với phương tiện của sinh viên bị cháy. 

Việc xác định căn cứ bồi thường dựa vào xe gửi và chiếc vé gửi xe (thẻ xe). Trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, người có xe bị cháy phải xác định được giá trị tài sản gửi thông qua giấy tờ đăng ký xe, để biết loại xe và thời gian sử dụng để tính chi phí khấu hao đối với tài sản cố định là xe máy, xe đạp hay xe điện, từ đó có căn cứ đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại. 

"Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại pháp luật ưu tiên việc các bên tự thỏa thuận. Trường hợp giữa người bị thiệt hại và người gây thiệt hại không thể thống nhất thỏa thuận được về số tiền bồi thường thiệt hại thì sẽ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành định giá giá trị xe bị thiệt hại, từ đó làm căn cứ bồi thường thiệt hại", luật sư Quyết nói.

Vào rạng sáng 12/12/2023, trong khuôn viên Trường đại học Hồng Đức đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại nhà xe ở khu Ký túc xá N1 (nhà để xe máy, xe đạp, xe điện). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiêu rụi số lượng lớn xe máy, xe đạp điện, xe đạp của sinh viên, học viên đang học tập tại trường. Số liệu vẫn đang được các cơ quan chức năng thống kê ước tính có hàng trăm xe các loại bị cháy rụi toàn bộ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.