Xã hội

Vụ phá rừng phòng hộ làm đường vào thủy điện: Trách nhiệm thuộc về ai?

11/04/2023, 20:21

Việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham diễn ra công khai, song chính quyền sở tại bảo không thể kiểm soát hết được do cá nhân lén lút.

Trong khi đó, chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ Quảng Ngãi, đơn vị được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ bảo vệ rừng và giữ rừng lại né tránh trách nhiệm.

Địa phương không biết vì nhà thầu làm lén lút vào ban đêm

Sự việc đơn vị thi công đường công vụ dẫn vào hầm chứa nước 2, dự án thủy điện Nước Long do Công ty CP xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo làm chủ đầu tư đã phá hơn 1.700m2 rừng phòng hộ không chỉ khiến dư luận bức xúc mà ngay cả người dân địa phương bao năm qua cố gắng giữ rừng cũng tỏ ra bức xúc.

img

Nhà thầu đưa thiết bị cơ giới vào lõi rừng phòng hộ để phá rừng làm đường công vụ dẫn vào hầm chứa nước số 2, song chính quyền bảo không biết do nhà thầu làm vào cuối tuần và ban đêm

Nhiều người dân xã Ba Ngạc cho rằng, đơn vị thi công đã cố tình phá rừng phòng hộ. Bởi ai cũng biết, để vào được khu vực này là rất khó khăn do nằm trong vùng lõi của rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham. Thế nên, việc đưa máy móc, phương tiện cơ giới vào thi công không phải ngày một ngày hai.

Ông Phạm Văn Thanh, xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ cho biết, toàn bộ khu vực rừng già nguyên sinh nơi dự án thủy điện phá rừng để làm đường công vụ thi công hầm chứa nước 2 thuộc dự án thủy điện Nước Long là rừng già, có nhiều cây rừng có tuổi đời hàng trăm năm. Do rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham nên bà con ở đây rất ý thức trong bảo vệ rừng.

“Chúng tôi sống ở đây nhưng chưa khi nào vào rừng khai thác gỗ hay phá rừng trồng keo. Bà con dù nghèo nhưng luôn ý thức bảo vệ rừng để giữ nguồn nước ngầm cho vùng hạ du. Nhưng người của thủy điện lại vô tư vào phá rừng mà không ai hay biết để ngăn cản thì kỳ lạ quá”, ông Thanh nói.

Chủ tịch UBND xã Ba Ngạc Phạm Văn Thương cho biết, vị trí làm đường rất xa đường quốc lộ, không nằm gần khu dân cư mà nằm giữa rừng sâu. Nên việc phát hiện để ngăn chặn rất khó.

“Họ làm lén lút vào ngày thứ 7, chủ nhật, thậm chí là làm vào ban đêm nên địa phương không thể kiểm soát được dẫn đến không thể kịp thời ngăn chặn, xử lý”, ông Thương lý giải.

img

Dự án hầm chứa nước số 2, thủy điện Nước Long nằm trong lõi rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham và để mở đường vào nhà thầu đã chặt phá, đào xúc hơn 1.700m2 rừng phòng hộ.

​​​Được biết, Dự án thủy điện Nước Long có công suất 26 MW, nằm ở khu vực giáp ranh giữa xã Bờ Ê, huyện Kong Plong (tỉnh Kon Tum) và xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi). Đối với hầm chứa nước số 2 nằm trên địa bàn xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ. Dự án chiếm đất trên diện tích 18ha, trong đó tỉnh Kon Tum hơn 7,5ha và Quảng Ngãi hơn 10,5ha.

Trước khi triển khai, dự án được đánh giá không ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại ngược lại khi chủ đầu tư đã có đến 2 lần phá rừng phòng hộ với diện tích hàng nghìn m2.

Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, huyện Ba Tơ đã làm việc và xử lý đối với hành vi vi phạm của cá nhân có liên quan thông qua việc lập biên bản xử phạt hành chính. Đồng thời, giao lực lượng kiểm lâm huyện tăng cường công tác tuần tra, xử lý vì đây là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ rừng.

“Huyện đã cảnh cáo doanh nghiệp cũng như báo cáo UBND tỉnh là nếu chủ đầu tư thủy điện Nước Long là Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo vi phạm thêm lần nữa thì huyện sẽ “trả” công tác quản lý dự án này cho tỉnh chứ không giữ nữa. Rõ ràng DN này sai phạm và huyện sẽ đề nghị Sở Công thương Quảng Ngãi chấn chỉnh thủ tục đầu tư của dự án”, ông Vinh cho hay.

Chủ rừng né tránh trách nhiệm?

Để làm rõ hơn về công tác quản lý, bảo vệ rừng được UBND tỉnh giao, nhất là việc để xảy ra tình trạng nhà thầu thi công đường công vụ dẫn vào hầm chứa nước 2, dự án thủy điện Nước Long đã phá hủy hàng nghìn m2 rừng phòng hộ, phóng viên liên hệ với ông Trần Kim Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi để hẹn làm việc. Tuy nhiên, ông Ngọc liên tục khước từ.

"Không, không, cái đó chủ yếu là chỗ trạm quản lý rừng Ba Tơ và đơn vị khác. Anh mắc bận rồi", ông Ngọc nói.

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt vấn đề ở đây Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi là chủ rừng thì phải có trách nhiệm trong việc thiếu giám sát, kiểm tra dẫn đến cá nhân, tổ chức đưa phương tiện cơ giới vào phá rừng để làm đường công vụ?

Ông Ngọc nói: Cái này đã có báo cáo và báo chí cũng đã đăng rồi. Em phỏng vấn bên Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi. Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi chỉ là ở giai đoạn ban đầu thôi, còn lại toàn bộ do kiểm lâm hết.

Nhưng với vai trò chủ rừng, Ban quản lý phải có trách nhiệm?, phóng viên đặt vấn đề. Ông Ngọc nói: "Không, cái này anh không trả lời đâu, anh mắc bận!". Sau đó ông Ngọc tắt máy.

img

Rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham bị đốn hạ, đào bới tan hoang, song ông Trần Kim Ngọc, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi lại né tránh trách nhiệm trả lời, "đổ" sang cho Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi

Phóng viên liên hệ với Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Ngãi Phạm Duy Hưng qua điện thoại, tuy nhiên, ông này không nghe máy.

Liên hệ với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Tơ Lê Hoài Vũ qua điện thoại thì ông này tắt máy và không hồi âm lại dù phóng viên nhắn tin đề nghị được làm việc liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ làm đường công vụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở sáp nhập các BQL rừng các địa phương trên địa bàn tỉnh này lại. Theo đó, chức năng chính của đơn vị này là quản lý bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ với diện tích hơn 106 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 70 nghìn ha chưa hình thành rừng.

Trong đó, nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ rừng tại Quảng Ngãi là giữ vững “lá phổi xanh” rừng phòng hộ Thạch Nham nằm trên địa bàn các huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Sơn Tây với diện tích hơn 37.000ha. Tuy nhiên, thời gian qua những mảng rừng tự nhiên do đơn vị này quản lý đã và đang “biến mất” nhưng chủ rừng vẫn "bình chân như vại".

Như Báo Giao thông đã phản ánh, thời gian qua, dư luận tại huyện Ba Tơ bức xúc trước việc một đơn vị thi công Dự án thủy điện Nước Long đã sử dụng phương tiện xe cơ giới cùng nhân lực vào khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham thuộc địa phận xã Ba Ngạc, huyện Ba Tơ để đốn hạ cây rừng, bạt núi làm đường.

Qua kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng huyện Ba Tơ và Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ xác định, đối chiếu với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ngãi cấp ngày 7/3/2022 cho Công ty CP Xây lắp thủy điện Nước Long - Đức Bảo, diện tích rừng bị phá nằm ngoài mốc giới dự án.

Theo đó, khu vực rừng phòng hộ bị chặt phá, san ủi để làm đường công vụ nằm ở lô 11, khoảnh 8, tiểu khu 371 và lô 4, khoảnh 5, tiểu khu 375 xã Ba Ngạc. Tổng diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá, đào bới có diện tích khoảng 1.700m2.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.