Thời sự Quốc tế

Vụ sập cầu kinh hoàng hé lộ góc khuất về người nhập cư ở Mỹ

29/03/2024, 16:12

“Người Latinh đến Mỹ phải làm những công việc người khác không muốn làm. Chúng tôi vẫn phải làm, phải đến đây vì cuộc sống”.

Toàn bộ nạn nhân trong vụ tai nạn là người nhập cư 

Đó là những trăn trở của ông Lucia Islas, Chủ tịch Ủy ban người gốc Latinh tại TP Baltimore trước thông tin toàn bộ nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Francis Scott Key đều là người nhập cư.

Tại thời điểm trước khi cây cầu bị tàu hàng Dali đâm sập vào lúc 1h30 sáng 26/3, có 8 công nhân đang làm nhiệm vụ bảo dưỡng mặt đường, xử lý ổ gà trên cầu. Họ đã bị rơi xuống dòng sông Patapsco lạnh giá lúc nửa đêm khi tai nạn xảy ra.

Vẫn còn 4 công nhân mất tích chưa được tìm thấy, dù cơ quan chức năng đã kết thúc các hoạt động cứu hộ cứu nạn. (Ảnh: WSJ)

Vẫn còn 4 công nhân mất tích chưa được tìm thấy, dù cơ quan chức năng đã kết thúc các hoạt động cứu hộ cứu nạn. (Ảnh: WSJ)

Sáu công nhân được cho là đã tử vong, trong đó hai thi thể đã được tìm thấy trong chiếc xe bán tải ở độ sâu gần 8m, bốn người còn lại đang mất tích.

Các công nhân trên cầu Key bị sập thuộc công ty Brawner Builders, một đơn vị xây dựng đã thực hiện nhiều dự án tại bang Maryland và đã bị phạt 7 lần kể từ năm 2018 vì vi phạm an toàn.

Tờ báo địa phương Baltimore Banner cho biết các nạn nhân ở độ tuổi 30-40 tuổi cùng gia đình từ các quốc gia Mỹ-Latinh như El Salvador, Guatemala, Honduras và Mexico, đến Mỹ. 

Trước thông tin toàn bộ nạn nhân của vụ sập cầu đều có nguồn gốc nhập cư, nhiều người bày tỏ không cảm thấy bất ngờ, dù số người nhập cư chỉ chiếm chưa đến 10% dân số thành phố Baltimore.

“Một trong những nguyên nhân khiến các nạn nhân đều là người gốc Latinh là vì người Latinh phải làm những công việc người khác không muốn làm. Chúng tôi phải làm, phải đến đây vì cuộc sống chứ không vì những ý định không tốt” - ông Lucia Islas, Chủ tịch Ủy ban người gốc Latinh tại TP. Baltimore chia sẻ.

Lao động nặng nhọc, nguy hiểm, mức lương bất bình đẳng vì “giấc mơ Mỹ”

Thảm kịch của 6 công nhân nhập cư trong vụ sập cầu kinh hoàng xảy ra giữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, khi vấn đề người nhập cư gây sức ép lớn với các ứng viên Tổng thống.

Chính quyền ông Biden phải vật lộn để giải quyết vấn đề lượng người nhập cư tăng kỷ lục thời gian qua, trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thường xuyên chỉ trích nặng lời những người nhập cư trái phép đến Mỹ, thậm chí còn gọi họ là những kẻ “đầu độc” đất nước và sẽ tăng cường trục xuất nếu tái đắc cử.

Trước quan điểm trên, nhà báo Stephen Collinson của CNN khẳng định hình ảnh về người di cư thực tế hoàn toàn khác với những luận điểm chưa đúng và có tính cực đoan trên.

Nhiều người thân của các nạn nhân đang phải vật lộn trong đau khổ. Chính quyền Mỹ đang phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân các nạn nhân tới Mỹ. (Ảnh: ABC News)

Nhiều người thân của các nạn nhân đang phải vật lộn trong đau khổ. Chính quyền Mỹ đang phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho thân nhân các nạn nhân tới Mỹ. (Ảnh: ABC News)

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, những người lao động gốc Hispanic (gốc Latinh và nguồn gốc Tây Ban Nha) đối mặt nguy cơ tử vong khi lao động cao hơn các nhóm chủng tộc khác, trong khi họ đóng góp tỷ lệ lớn trong các ngành nghề có tính chất nguy hiểm, nặng nhọc ở Mỹ dù chỉ chiếm hơn 10% dân số Mỹ, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Cụ thể, ngành xây dựng được đánh giá có tính chất đặc biệt nguy hiểm, tuy nhiên chỉ tính riêng người gốc Hispanic đã chiếm tới 51% đội ngũ công nhân. Tỷ lệ công nhân gốc Hispanic làm việc trong các lò mổ lên tới 34%, còn trong lĩnh vực chăm sóc cảnh quan (chăm sóc công viên, cây xanh, sân golf...), nhóm người này chiếm tới 61%.

Theo lãnh đạo các cộng đồng nhập cư, người gốc Latinh phải chấp nhận các công việc với mức lương ít ỏi, quyền lợi bèo bọt.

“Bạn sẽ đi làm với mức lương không giống như những công dân khác”, một thợ cơ khí 53 tuổi gốc Mexico chia sẻ. “Nhiều người không có thái độ tôn trọng cộng đồng chúng tôi, thậm chí coi chúng tôi sống dựa vào chính phủ. Nhưng điều đó không đúng, chúng tôi cũng phải đóng thuế” - người này nói. 

Nhà báo Stephen Collinson phân tích trên tờ CNN cho biết, người nhập cư thường phải làm công việc mà người khác không muốn làm như những công việc có mức lương thấp nhất và điều kiện tồi tệ nhất.

Họ vẫn chấp nhận những công việc này vì cuộc sống gia đình, xây dựng nền tảng cuộc sống ở Mỹ cho thế hệ con cháu, hoặc gửi tiền về nhà hỗ trợ người thân ở các nước kém phát triển hơn.

Điển hình như Mexico, quốc gia có gần 11 triệu người nhập cư vào Mỹ theo số liệu của Viện Nghiên cứu Chính sách Di cư Mỹ, đã thu hơn 60 tỷ USD kiều hối trong năm 2023.

Ông Collinson bày tỏ, 6 công nhân bảo trì trên cầu Francis Scott Key xứng đáng được tưởng nhớ chứ không phải những luận điệu chống lại người nhập cư như vừa qua. 

Và khi cầu Francis Scott Key tái thiết, không phải ai khác, chắc chắn những người nhập cư sẽ là người xây dựng - nhà báo Collinson bỏ ngỏ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.