Tâm sự

Vụ tai biến khi chạy thận: Quặn thắt nỗi đau người ở lại

31/05/2017, 07:14

"Số ông ấy khổ, ngay cả lúc ra đi cũng không kịp nói một lời với vợ, con”, bà Nga nấc lên.

16

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân chạy thận đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Để tìm ra nguyên nhân vụ tai biến y khoa rất nghiêm trọng khiến 7 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình sáng 29/5, Bộ Công an và Bộ Y tế cùng khẩn trương, tích cực vào cuộc.

Quặn thắt nỗi đau tiễn biệt

Sáng 30/5, làm thủ tục đưa thi hài chồng từ BV Đa khoa Hòa Bình về nhà lo tang lễ, khuôn mặt bà Bùi Thị Nga (47 tuổi), vợ nạn nhân Bùi Đức Chính (50 tuổi, trú xã Bình An, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) vẫn thất thần như không tin nổi chồng mình đã ra đi. “Giờ này sáng qua, ông ấy còn điện thoại nói chuyện với tôi trước khi vào lọc máu. Ông ấy hẹn cuối tuần này về thăm nhà. Sự cố xảy ra, tôi ra đến BV thì chồng đã đi rồi. Số ông ấy khổ, ngay cả lúc ra đi cũng không kịp nói một lời với vợ, con”, bà Nga nấc lên.

7 năm phải chạy thận nhân tạo, gia cảnh ông Chính, bà Nga kiệt quệ. Để có tiền chữa bệnh, ông Chính rời xóm núi lên TP Hòa Bình trông rửa xe thuê, để lại 8 sào ruộng cho bà Nga chăm lo cày cấy. “Đường từ thành phố về nhà 130km đồi núi, vất vả lắm, mà 7 năm nay ông ấy đằng đẵng đi một mình”, bà Nga nghẹn ngào.

"Đây là sự cố y khoa trầm trọng chưa từng có. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình mời các chuyên gia đầu ngành của cả nước tham gia, thành lập hội đồng chuyên môn độc lập để sớm tìm ra căn nguyên, xử lý nghiêm sai phạm. Ngành Y tế chia sẻ với nỗi đau của gia đình nạn nhân và cam kết sẽ sớm tìm ra nguyên nhân và xử lý nghiêm trong tuần này”.

Bộ trưởng Y tế
Nguyễn Thị Kim Tiến

Ông Đinh Văn Tính, bố của nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng (SN 1981, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình) trầm giọng kể: Hằng hồi trẻ vốn là cô gái xinh xắn, nhiều người theo đuổi. 20 tuổi, Hằng lấy chồng, nhưng sau khi sinh con gái thì mắc bệnh thận. Thấy nhà nghèo, con nhỏ, vợ mang trọng bệnh, chồng nó lẳng lặng bỏ đi. “Vợ chồng tôi có quán nước nhỏ bèn đưa con cháu về bao bọc. Hằng chạy thận 3 lần/tuần đã 7 năm nay tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sáng 29/5, trước khi vào viện, Hằng còn nói với con “đợi mẹ về, chiều mẹ cho đi chơi”. Vậy mà Hằng đi luôn, bỏ lại con thơ dại…”, ông Tính buồn rầu.

Theo ông Tính, 18 nạn nhân trong ca nghi sốc phản vệ khi đang chạy thận đều có chung triệu chứng giống nhau là rét run, chóng mặt, huyết áp lên xuống bất thường, đau bụng, buồn nôn... “Lúc mới có những triệu chứng này, Hằng còn gọi điện cho vợ tôi. Khi bà ấy vào với Hằng, các bác sỹ đã sơ cứu để Hằng tỉnh, nói chuyện được bình thường. Trưa hôm đó, Hằng ăn được chục thìa cháo rồi lên cơn co giật, rồi tắt thở…”, ông Tính nghẹn giọng.

Bệnh nhân Trần Văn Quang (51 tuổi, ở TP Hoà Bình) đang điều trị tại BV Bạch Mai cũng cho biết, ông phải chạy thận 9 năm và có đến 7 năm chạy thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hoà Bình. “Hôm đó, khi đang chạy thận chu kỳ như thường lệ, tôi thấy nhức đầu, buồn nôn, buồn vệ sinh rồi rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó kiểm soát”.

Khẩn trương nhưng thận trọng

Tới thời điểm này, sau vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 18 bệnh nhân chạy thận nghi sốc phản vệ, đã có 7 bệnh nhân tử vong. Hiện ngoài một bệnh nhân nữ sức khỏe nguy kịch chưa thể chuyển viện đang được theo dõi sát sức khỏe tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, 10 bệnh nhân còn lại đã được chuyển xuống BV Bạch Mai ngay trong đêm 29/5, sức khỏe tiến triển tốt và dự kiến hôm nay (31/5) sẽ ổn định.

Trưa 30/5, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến BV Bạch Mai thăm hỏi các bệnh nhân và chỉ đạo đội ngũ y bác sĩ tăng cường cứu chữa, không để thêm bất kỳ bệnh nhân nào tử vong; đồng thời cam kết sớm tìm ra nguyên nhân vụ việc.

Trưa cùng ngày, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Ngay sau khi sự cố xảy ra, toàn bộ máy móc thiết bị, thuốc của Khoa Điều trị lọc máu, BV Đa khoa Hòa Bình đã bị niêm phong, đình chỉ hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Bộ Công an đã tăng cường lực lượng hỗ trợ công an tỉnh điều tra, củng cố hồ sơ làm rõ nguyên nhân, giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với Báo Giao thông, BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho hay, với chu trình lọc máu cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo, thống kê có khoảng 20 loại biến chứng có thể xảy ra, các tai biến này xảy ra nhanh và nghiêm trọng nếu không tìm hiểu kịp thời có thể tử vong. Ví dụ bệnh nhân trong quá trình lọc máu có thể tụt huyết áp, không phát hiện trong vòng 10 phút có thể tử vong; Bệnh nhân không may để khí lọt vào hệ thống lọc máu chỉ cần 10 ml khí đã gây biến chứng tắc mạch, hậu quả vô cùng lớn... “Biến chứng rất hiếm gặp, có hệ thống cảnh báo nhưng máy móc thì vẫn không thể loại trừ khả năng hỏng bộ phận nào đó. Đây là biến cố đồng loạt, triệu chứng đa dạng nên việc tìm nguyên nhân phải thận trọng. Đây là bài học cho toàn ngành thận nhân tạo rút kinh nghiệm. Chúng tôi đang cố gắng tham gia xác định sớm nguyên nhân”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, ước tính tỷ lệ người suy thận ở Việt Nam khoảng 6- 7% dân số, số người chạy thận khoảng 90 - 100 nghìn người, nhiều địa phương đã hình thành các trung tâm chạy thận nhân tạo. Để thành lập đơn vị thận nhân tạo rất công phu, phải được cấp phép của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Với Trung tâm Thận nhân tạo của BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình, cũng được bác sĩ từ BV Bạch Mai “cầm tay chỉ việc”, lên nằm vùng 3 tháng để ổn định về chuyên môn, kỹ thuật. “10 năm qua đơn vị đã làm rất tốt. Đây là sự cố rất đau lòng nhưng hi hữu”, ông Dũng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.