Pháp đình

Vụ Tổng GĐ lừa đảo hơn 800 người: Đầu tư 90 triệu, nhận hoa hồng…8.000 đồng

12/03/2022, 08:03

Bằng nhiều chiêu trò, gã Tổng giám đốc đã lừa hơn 800 người với tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng.

Từ ngày 9/3/2022, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên xét xử (dự kiến trong 2 tuần) vụ án ông Võ Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty CP Cao Thắng lừa khoảng 800 người ở 39 tỉnh thành với hơn 160 tỷ đồng. Ông ta lừa bằng cách nào?

Năm 2012, Công ty CP Quốc tế Kim Trung Hải, Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt được thành lập. Lãnh đạo của 2 công ty này thực chất là 1: ông Võ Thanh Long. Để rồi 4 năm sau, Công ty CP Bất động sản Cao Thắng lại ra đời. Chỉ trong 5 năm, ông Long lập ra 3 công ty với mục đích gì?

img

Võ Thanh Long, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Cao Thắng. Ảnh: Internet

Hai nhân viên bảo trì đồ điện cho cả tỉnh!

Từ năm 2012, những người đầu tiên tham gia ký kết hợp đồng làm đại lý cho Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt luôn ở trong giấc mộng làm giàu. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, họ nhanh chóng hiểu ra đó thực sự là một cơn ác mộng.

Ông N.T.N. (ngụ TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) là chủ 1 cơ sở làm ăn vững vàng, có uy tín, quan hệ ở địa phương. Vốn là người hiểu biết nhưng ông cũng không tránh khỏi những sự mời gọi từ Công ty Ước Mơ Việt. Năm 2015, ông N. được người quen giới thiệu về những tấm phiếu bảo trì đồ điện gia dụng của Công ty Ước Mơ Việt.

Ngày 16/4/2019, TAND TP Cần Thơ xét xử phúc phẩm đối với bị cáo Phạm Lê Hoàng Uyển (42 tuổi, cựu phóng viên báo Hòa Nhập và Phát Triển, Văn phòng đại diện phía Nam) và Võ Hoàng Hà (40 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Hóa chất khử trùng châu Á), tuyên phạt Uyển 4 năm tù, Hà 2 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Từ ngày 31/7 - 4/8/2017, báo Phụ Nữ TP.HCM đăng liên tiếp 3 bài báo trên trang điện tử với tiêu đề: “Lần theo đường dây huy động 600 tỉ đồng, cho dự án ma” và “Ve sầu thoát xác”, “Vẽ khu du lịch 1.000 tỷ đồng bằng miệng” сó nội dung phản ánh về Công ty CP phần BĐS Cao Thắng và Công ty CP Ước Mơ Việt tại Hậu Giang do ông Võ Thanh Long làm Tổng giám đốc hoạt động kinh doanh, huy động vốn không minh bạch, có dấu hiệu lừa đảo.

Và ông Long đã gọi cho Uyển (do có quen biết) để nhờ gỡ các bài báo này. Dù không biết có gỡ bài được hay không nhưng Uyển vẫn ra giá 700 triệu đồng và 30 triệu đồng tiền chi phí đi lại cho Uyển. Đến này 6/8/2017, khi đang giao nhận tiền tại 1 quán café ở Cần Thơ thì bị bắt quả tang.

“Họ rủ tôi làm đại lý cho công ty này. Công việc tôi bận rộn, tôi không ham lắm. Nhưng thấy họ nói mãi, nên tôi giới thiệu cho 1 người bạn khác của tôi đang thất nghiệp đi làm coi sao. Rồi ông bạn tôi đi theo họ được một thời gian trở về bảo là đầu tư được. Tôi cân nhắc kỹ lưỡng rồi quyết định xuất 90 triệu để đầu tư”, ông N. nói.

Ông N. nhẩm tính, để bảo trì 8 món đồ điện trong nhà mà chỉ mất 300.000 đồng cho 1 năm, như vậy thì quá tốt! Một tấm phiếu lấy từ công ty với giá 150.000 đồng, bán ra 300.000 đồng - một lời một, khả năng thu hồi vốn là có thể.

Ông N. không quá tin vào những lời hứa hẹn về các khoản hoa hồng, phúc lợi sẽ vượt số vốn mình bỏ ra như công ty hứa. Ông chỉ nghĩ rằng mình sẽ bán được phiếu bảo trì và thu lời ngay.

Nhưng ông đã lầm, những tấm phiếu ông đem ra thị trường chào mời bán không ai mua. Với 600 tờ phiếu ông N. bán được vỏn vẹn gần 20 tờ mà người mua chủ yếu là bà con và bạn bè rất thân.

Ông N. kể: “Có 1 lần nhà tôi bị hư máy lạnh, tôi gọi thợ đến sửa. Họ kêu rằng Vĩnh Long không có thợ, phải chờ thợ từ Cần Thơ chạy qua mới được. Khách hàng, ai mà chịu, họ đâu chờ đợi được như vậy. Mà nếu công ty làm ăn như vậy, lợi nhuận đâu ra? Ai dám mua phiếu bảo trì nữa?”.

Trong vai trò đại lý, ông N. phản ánh với Giám đốc chi nhánh Ước Mơ Việt ở Vĩnh Long và tại nhiều cuộc hội thảo của công ty. Thấy thái độ ông N. cứng rắn, Giám đốc chi nhánh mới lập ra 1 đội kỹ thuật viên gồm… 2 người phục vụ cho cả tỉnh Vĩnh Long.

“Chừng đó nhân viên thì làm được gì? Khách hàng ở dưới mấy huyện xa hàng chục cây số, nhân viên nào chạy nổi? Đó là chưa kể, nhân viên phải phân loại từng nhóm đồ gia dụng như máy tính, máy lạnh, máy giặt, chứ đâu phải là thợ thì cái gì cũng sửa được.

Do đó, theo tôi biết, sau đó chi nhánh ở đây phải liên kết với một số tiệm điện tử ở bên ngoài để tìm thêm thợ. Nhưng do không có chế độ rõ ràng nên được mấy bữa họ không thèm làm ăn với công ty này nữa”, ông N. kể.

Một lần trong cuộc hội thảo tổ chức tại chi nhánh, chứng kiến 1 thanh niên trẻ từ Công ty Ước Mơ Việt ở Cần Thơ qua thuyết trình thao thao bất tuyệt, quá bất mãn, ông N. không kìm được bức xúc đứng lên tranh cãi gay gắt.

img

Các nạn nhân tại phiên tòa khai mạc ngày 9/3. Ảnh: Lê An

“Tôi nói với người thanh niên đó, em nói được mà em có làm được không? Bây giờ tôi đưa 1 phiếu bảo trì cho em ra ngoài bán với giá 50.000 đồng thay vì 300.000 đồng, em thử bán có ai mua không?

Với uy tín của tôi, tôi có thể bán được hết 600 phiếu mình lấy về. Nhưng bán rồi, tôi không còn bạn bè ở đất Vĩnh Long này nữa! Liệu điều đó có đáng cho tôi đánh đổi danh dự và uy tín của mình không? Tôi nói xong, thanh niên đó tắt đài luôn”, ông kể.

Đầu tư 90 triệu, nhận hoa hồng… 8.000 đồng/tháng

Đến lúc này, ông N. đã thấy rõ được bản chất thực sự của công ty. “Họ lấy tiền của mình rồi trả cho mình, kiểu như đa cấp vậy. Tôi thấy bán phiếu không được nên cũng không mời ai cùng làm đại lý.

Chỉ được tháng đầu tiên ở công ty không có chuyện gì, còn sau đó chỉ là cãi lộn nhau dữ dằn. Tôi thấy cái gì không đúng, thì tôi nói, không sợ ai cả. Tôi nói ngay cả trước mặt ông Tổng giám đốc luôn”, ông N. nhớ lại.

Về các khoản lợi nhuận, phúc lợi, hoa hồng… ông N. cho biết, ông không nhận được khoản nào đúng nghĩa. Tháng đầu tiên, ông nhận được khoảng 6 triệu đồng sau khi đã trừ thuế rồi sau đó im bặt. Đến khi ông thắc mắc, thì được biết công ty đã thay đổi chính sách. Những chính sách hoa hồng, lợi nhuận đã không còn như lúc trước mà đã áp dụng chính sách mới.

img

Phiên tòa triệu tập gần cả ngàn bị hại... Ảnh: Nguyên Việt

Ông N. phân tích: “Có lúc chi nhánh ở Cần Thơ gọi điện kêu tôi qua nhận tiền hoa hồng là… 8.000 đồng. Tôi không biết đó là tiền hoa hồng kiểu gì, rất nực cười. Tôi làm dữ với công ty vì phiếu bảo trì bán không được, các khoản tiền hứa chuyển cho đến lúc đủ vốn cũng không có.

Lúc này, công ty mới thông báo cho đổi chính sách mới. Họ bảo rằng, đầu tư 45 triệu thì sẽ nhận được 800.000 đồng mỗi tháng. Như vậy, tôi đầu tư 90 triệu thì nhận được 1,6 triệu, trừ thuế gì đó nữa thì chỉ còn gần 1,4 triệu. Tôi nhận đâu được 2 - 3 lần gì đó rồi lại ngưng. Thắc mắc thì lại được áp dụng chính sách mới với giá tiền thấp hơn.

Sau gần 2 năm tham gia, mỗi tháng tôi lại nhận được gần 700.000 đồng, mà cũng tháng có tháng không. Không biết bao giờ mới đủ vốn, chứ đến bây giờ tôi mới thu lại chưa đầy 20 triệu. Tôi nghĩ mình đấu tranh lắm mới được trả lại chừng đó tiền. Chứ tôi biết có người vay ngân hàng đầu tư cả mấy trăm triệu mà mấy tháng liền không nhận lại được một đồng”.

Mảnh đất 20 tỷ, thổi phồng lên 400 tỷ đồng

Cho đến khi sự phàn nàn, khiếu nại của những người dân mua phiếu bảo trì lên đến đỉnh điểm, các đại lý phản ứng dữ dội vì bị công ty thất hứa, thì thời điểm này, Công ty CP Bất động sản Cao Thắng chính thức được đưa vào hoạt động, nhằm thực hiện kế hoạch quy mô hơn.

Mục đích của Công ty Cao Thắng là huy động nguồn vốn từ người dân với số tiền lên đến 600 tỷ đồng để thực hiện dự án mà công ty này cho là lớn nhất ĐBSCL - Khu du lịch sinh thái Phú Hữu…

Từ năm 2017, Công ty Cao Thắng đẩy mạnh các buổi hội thảo, tổ chức nhiều chuyến đưa người dân đến Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đang trong giai đoạn sửa chữa, để kêu gọi người dân đầu tư. Những người dân đến tham dự, tham quan phần lớn là nông dân, ở thôn quê bị rủ rê, lôi kéo đến các buổi hội thảo.

Nghe những thanh niên bảnh bao thuyết trình “trên trời dưới đất” về mức lợi nhuận không tưởng khi đầu tư vào dự án này, rất nhiều nông dân mạnh dạn cầm cố đất đai, vay mượn tiền để đầu tư vào KDLST Phú Hữu với gói đầu tư thấp nhất là 50 triệu đồng/người.

KDLST Phú Hữu thực chất được tỉnh Hậu Giang cấp phép cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy Danh xây dựng và khai thác với diện tích hơn 20 ha (Công ty Cao Thắng quảng cáo là 30 ha). Được đưa vào khai thác từ giữa năm 2015, nhưng sau một thời gian hoạt động, Công ty Duy Danh đã không còn duy trì được lợi nhuận.

Thế nhưng, cũng với KDLST này, Công ty Cao Thắng gửi hồ sơ cho các khách hàng, kêu gọi đầu tư với tình trạng pháp lý hoàn toàn khác. Theo đó, trong hồ sơ gửi các khách hàng, Công ty Cao thắng có gửi kèm bản hợp đồng chuyện nhượng toàn bộ dự án KDLST Phú Hữu.

Cụ thể, Công ty Duy Danh đã chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Cao Thắng với tổng giá trị là 1.100 tỷ đồng. Trong đó, giá trị dự án là 700 tỷ đồng, giá trị 12 ha đất trên dự án này là 400 tỷ đồng.

Trong hợp đồng chuyển nhượng với Công ty Cao Thắng, bà Ngô Thị Cẩm Vân - Giám đốc Công ty Duy Danh là người đứng ra ký hợp đồng giao dịch với ông Võ Thanh Long (Chủ tịch HĐQT Công ty Ước Mơ Việt).

img

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Lê An

Trong khi đó, giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Hậu Giang cấp cho Công ty Duy Danh vào năm 2011 thì KDLST Phú Hữu chỉ có tổng vốn đầu tư là 150 tỷ đồng. Về phần 12 ha đất trong dự án mà Công ty Cao Thắng nhận chuyện nhượng có giá 400 tỷ thì ngành địa chính huyện Châu Thành cho biết chỉ có giá trị thị trường tầm 20 tỷ đồng vào thời điểm đó.

Điều quan trọng hơn, trong hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án KDLST Phú Hữu của Công ty Duy Danh cho Công ty Cao Thắng, PV phát hiện nhiều điều bất thường. Ông Nguyễn Xuân Thắng, công chứng viên (Văn phòng Công chứng Châu Thành) công chứng hợp đồng chuyển nhượng này lại tiết lộ sự thật hoàn toàn khác.

Ông Thắng cho biết mình chỉ công chứng nội dung Công ty Cao Thắng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của Công ty Duy Danh vào ngày 9/1/2017 chứ không chuyển nhượng hồ sơ dự án nào lên đến 700 tỷ đồng. Ông Thắng cũng khẳng định khi công chứng, ông phải ký tên trên từng trang của hợp đồng…

Việc Công ty Cao Thắng tự nhận mình là chủ đầu tư rồi huy động vốn từ người dân cũng không tuân thủ các quy định pháp luật. Ngành chức năng huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) cho biết dự án KDLST Phú Hữu được tỉnh cấp phép cho Công ty Duy Danh.

Việc Công ty Duy Danh chuyển nhượng cho Công ty Cao Thắng phải thông qua chủ trương của tỉnh. Đằng này, tỉnh Hậu Giang không hề hay biết việc chuyển nhượng toàn bộ dự án của 2 công ty này!

Và gần cả ngàn người đã mắc lừa khi góp tổng cộng hơn 160 tỷ đồng cho Công ty Cao Thắng do Võ Thanh Long làm Tổng giám đốc… Số tiền này, bị cáo dùng để chi trả lương cho nhân viên, tổ chức các cuộc họp… cho đến khi bị bắt.

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2017 đến 10/2019, Võ Thanh Long cùng 9 bị cáo đã lợi dụng dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để huy động vốn.

Đó là huy động theo phương thức đa cấp thông qua các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng, bán cổ phần Công ty Cao Thắng; bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch. Từ đó chiếm đoạt của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với tiền gần 160 tỷ đồng.

Trong vụ án Long được xác định là chủ mưu, chỉ đạo các bị can thực hiện hành vi; các bị can còn lại với vai trò giúp sức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.