An ninh hình sự

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước khai nhận hối lộ 5,2 triệu USD

18/11/2023, 09:23

Với tư cách là trưởng đoàn thanh tra, một cựu cục trưởng của Ngân hàng Nhà nước đã nhận hơn 118,1 tỷ đồng, bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.

Hối lộ hàng triệu USD để che giấu sự yếu kém của SCB

Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các đơn vị liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đề nghị truy tố bà Đỗ Thị Nhàn (SN 1966, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) về tội Nhận hối lộ.

Liên quan vụ án, 16 bị can khác, gồm nhiều cựu cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng, bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước khai nhận hối lộ 5,2 triệu USD - Ảnh 1.

Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân. Ảnh: Bộ Công an.

Theo cáo buộc, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB được phát hiện qua thanh tra và để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã gặp và bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn.

Bà Lan đồng thời chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhân và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Trong đó, Lan trực tiếp gặp, thỏa thuận và nhờ Đỗ Thị Nhàn giúp đỡ, sau đó chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn.

"Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn đã cố tình che giấu, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB theo hướng giảm nhẹ, có lợi cho Ngân hàng SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB được thực hiện tái cơ cấu", kết luận điều tra nêu.

Quá trình điều tra, bị can Trương Mỹ Lan thừa nhận có việc gặp gỡ riêng Đỗ Thị Nhàn, nhưng phủ nhận chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền cho bà Nhàn. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị can, những người có liên quan và tài liệu, chứng cứ, dữ liệu điện tử thu thập được, cơ quan điều tra có đủ cơ sở xác định Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo Văn đưa 5,2 triệu USD cho Đỗ Thị Nhàn.

Cựu cục trưởng bao che cho SCB như thế nào?

Đối với bà Nhàn, cơ quan điều tra xác định, bị can này với tư cách là trưởng đoàn thanh tra, đã nhận 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118,1 tỷ đồng), bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB.

Quá trình nhận hối lộ, bà Nhàn đã báo cáo các cấp không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho Ngân hàng SCB tiếp tục được tái cơ cấu.

Điều này dẫn đến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại nhà băng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu cục trưởng Ngân hàng Nhà nước khai nhận hối lộ 5,2 triệu USD - Ảnh 2.

Giao dịch tại quầy SCB.

"Các hành vi làm trái công vụ của Đỗ Thị Nhàn quy định của pháp luật thanh tra là phương thức, thủ đoạn để Nhàn giúp đỡ Lan, tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB và thực hiện thành công hành vi nhận hối lộ", kết luận của cơ quan điều tra cho thấy.

Quá trình điều tra, bị can Đỗ Thị Nhàn thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo và đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ. Bị can cũng phối hợp cơ quan điều tra làm rõ vụ án, phạm tội lần đầu và có nhiều thành tích trong quá trình công tác, đề nghị xem xét khi lượng hình.

Ngoài Đỗ Thị Nhàn, cơ quan điều tra còn cáo buộc bị can Nguyễn Văn Hưng (phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) đã nhiều lần nhận tổng cộng 390.000 USD từ SCB. Bị can đã chủ động khai báo, cùng gia đình nộp ngay lại toàn bộ số tiền này.

Còn Nguyễn Thị Phụng, phó trưởng đoàn thanh tra cũng chủ động khai báo việc nhận 20.000 USD và 210 triệu đồng cùng quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB (đồng hồ, túi xách, khăn). Hiện bị can đã cùng gia đình nộp ngay lại toàn bộ số tiền, quà... để khắc phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.