Pháp luật

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 2.200 người viết đơn xin giảm án cho Nguyễn Cao Trí

25/03/2024, 13:37

Hơn 2.000 giáo viên, nhân viên của hệ thống trường do bị cáo Nguyễn Cao Trí làm chủ tịch trước khi bị bắt đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị HĐXX khoan hồng cho bị cáo.

Sáng 25/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HQĐT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác.

Hơn 2.200 cán bộ, giảng viên hệ thống Văn Lang xin giảm án cho Nguyễn Cao Trí 

Phiên tòa bắt đầu với phần bào chữa của các luật sư cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (54 tuổi. Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella).

Trong vụ án, Nguyễn Cao Trí là bị cáo duy nhất bị cáo buộc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị VKSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt từ 10 - 11 năm tù. 

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 2.200 người viết đơn xin giảm án cho Nguyễn Cao Trí - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng, mức đề nghị án mà VKSND TP.HCM đưa ra là nghiêm khắc và quá nặng nề

Theo luật sư, trong suốt quá trình làm việc từ cơ quan điều tra đến khi đưa ra xét xử tại tòa, bị cáo Trí đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.

Trong các tình tiết giảm nhẹ của Nguyễn Cao Trí, luật sư cho rằng tình tiết khắc phục hậu quả nó không chỉ là yếu tố giảm nhẹ nói riêng giữa ông Trí đối với bà Trương Mỹ Lan, mà góp phần chung vào khắc phục hậu quả trong vụ án của bà Lan và SCB.

Đồng thời, gia đình ông Trí vừa thanh toán thêm 20 tỷ đồng, nâng số tiền mặt đã khắc phục cho bà Lan là hơn 757 tỷ đồng và còn 6 bất động sản đang kê biên, đảm bảo khắc phục hoàn toàn thiệt hại cho bà Lan.

Ngoài ra, vợ bị cáo Trí cam kết nộp hơn 242 tỷ đồng còn lại bằng tiền mặt trong thời gian xét xử vụ án, hoặc nếu gia đình không sắp xếp kịp thì chậm nhất là 3 tháng kể từ ngày án có hiệu lực, nên mong HĐXX ghi nhận.

Luật sư cũng cho rằng, xét về góc độ hậu quả trong vụ án thì hậu quả đó chỉ giới hạn giữa bị cáo Trí và bị cáo Trương Mỹ Lan. Hậu quả liên quan đến bị cáo Trí không có ảnh hưởng đến rủi ro của một ngân hàng đại chúng, không làm mất an toàn huy động vốn và không có ảnh hưởng gì đến an ninh tiền tệ quốc gia như các vấn đề xét xử chính trong vụ án này.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 2.200 người viết đơn xin giảm án cho Nguyễn Cao Trí - Ảnh 2.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại toà.

Hành vi của ông Trí gây thiệt hại gần như nhỏ nhất, khắc phục gần như triệt để nhất. Việc khắc phục không chỉ cho bị cáo mà còn góp phần khắc phục chung hậu quả vụ án. Ông Trí cũng được tặng nhiều bằng khen, huân chương.

Luật sư cho biết thêm,  hơn 2.000 giáo viên, nhân viên của hệ thống trường do bị cáo Trí làm chủ tịch trước khi bị bắt đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt và đề nghị HĐXX khoan hồng cho bị cáo.

Trong đó, có 1 đơn viết tay của Chủ tịch Hội đồng sáng lập Văn Lang, dù sức khỏe không được tốt, đang nằm viện nhưng vẫn viết đơn xin giảm án cho ông Trí.

Mong được khoan hồng

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Cao Trí cho rằng, sau khi nghe Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án, ông bất ngờ và thấy quá cao so với hành vi phạm tội của mình.

"Tôi đã thừa nhận mình đã phạm sai lầm. Đúng sai tôi xin nhận hết. Khi chị Lan và hệ thống của chị bị khởi tố khiến tôi bối rối và lo lắng vì sợ cho rằng hệ thống tôi có liên quan hệ thống chị Lan. Bối cảnh thời điểm đó tôi đắn đo, do dự, chần chừ để mong nhận được thông tin gì đó từ chị Lan để biết tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của chị với tư cách đối tác của tôi", bị cáo Trí trình bày.

Ông trí còn cho rằng, sự cố của bà Lan đẩy bị cáo vào bối cảnh ngặt nghèo, lo lắng thái quá nên đã phạm sai lầm. Tuy nhiên, đó là sai lầm giữa bị cáo và bà Lan, giữa doanh nhân với một doanh nhân. 

"Tình huống có thật trong cuộc đời làm doanh nhân khi xử lý khủng hoảng", ông Trí nói và cho rằng, sai phạm của bị cáo nếu đặt trong vụ án này là thiệt hại nhỏ nhất, giờ phút này đã đảm bảo khắc phục 100%. 

Vụ Vạn Thịnh Phát: Hơn 2.200 người viết đơn xin giảm án cho Nguyễn Cao Trí - Ảnh 3.

Các bị cáo khác tại phiên toà.

Bị cáo so sánh, trong vụ án liên quan đến bà Lan và SCB, có những thiệt hại hàng trăm tỷ đồng nhưng một số bị cáo lại được đề nghị án treo. Nhưng bị cáo lại bị bị nghị 1 mức án cực kỳ nghiêm khắc nên mong được HĐXX, Viện kiểm sát cân nhắc để có bản án phù hợp cho mình.

Bị cáo cho rằng, khi nghe bà Trương Mỹ Lan nói sẽ dùng 1.000 tỷ mà ông hoàn trả để chuyển cho bị cáo Trương Huệ Vân khắc phục thiệt hại nhằm giảm nhẹ hình phạt, ông thấy điều đó thật sự có ý nghĩa.

Theo cáo trạng, từ năm 2017 - 2020, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) nhiều lần thông qua nhân viên chuyển tiền mua cổ phần một số dự án của Nguyễn Cao Trí tại Công ty CP Cao su công nghiệp; Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh và hợp tác đầu tư dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, tháng 12/2017, ông Trí chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty CP Cao su công nghiệp (Đồng Nai) cho Trương Mỹ Lan với giá 45 triệu USD. Phía bà Lan đã 3 lần chuyển tổng số tiền 21,25 triệu USD (tương ứng 31,22% vốn điều lệ) cho bị can Trí.

Còn ở Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, cơ quan truy tố xác định Nguyễn Cao Trí đứng tên 58% vốn điều lệ, bị can đã bán toàn bộ cổ phần cho Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng. Quá trình chuyển nhượng, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, đặt cọc 1 triệu USD và 127 tỷ đồng.

Khoảng giữa năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings Group do Nguyễn Cao Trí làm Chủ tịch HĐQT được UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh và các sở, ngành liên quan có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Bến Thành triển khai nghiên cứu quy hoạch và hướng dẫn một số thủ tục liên quan.

Để tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, Trương Mỹ Lan thỏa thuận thanh toán theo tiến độ phát sinh chi phí và 2 lần chuyển tiền cho Nguyễn Cao Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD.

Sau đó, Trương Mỹ Lan không tiếp tục tham gia dự án và thống nhất với Trí chuyển số tiền 9,5 triệu USD để thanh toán mua 10% vốn điều lệ Công ty CP Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang.

Do nhận nhiều khoản tiền từ Trương Mỹ Lan nhưng không có giấy tờ biên nhận nên đến tháng 1/2021, Nguyễn Cao Trí gặp Trương Mỹ Lan tại nhà hàng Ngân Đình (tòa nhà Times Square) và thống nhất chốt các khoản bà Lan đã chuyển cho ông Trí tổng 1.000 tỷ đồng.

Sau khi Trương Mỹ Lan bị khởi tố, ngày 21 và 22/10/2022, ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo các văn bản thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư 31,22% vốn điều lệ Công ty Cao su công nghiệp, điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, từ ngày 26/12/2022 - 15/1/2023, Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan.

Khi kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, xác định chữ viết của Nguyễn Cao Trí trong các tài liệu do bị can lập để theo dõi, xác nhận số tiền đã nhận của Trương Mỹ Lan.

"Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan và cho rằng Trương Mỹ Lan đã vu khống, bôi nhọ danh dự mình, thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền đến cùng", cáo trạng nêu.

Sau đó, Trương Mỹ Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tài sản của mình và thu hồi 1.000 tỷ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tài liệu thu thập được, lời khai bị can và người liên quan, cơ quan điều tra đủ cơ sở xác định lợi dụng việc Trương Mỹ Lan bị bắt, Nguyễn Cao Trí đã có thủ đoạn gian dối chỉ đạo nhân viên lập, hoàn thiện hồ sơ thanh lý hợp đồng chuyển nhượng, thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư để xóa bỏ nghĩa vụ nợ, nhằm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng đã nhận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.