Pháp đình

Vụ Vạn Thịnh Phát: Tại sao 7 người nhận tiền nhưng không bị xử lý hình sự?

06/03/2024, 14:57

7 cá nhân này đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ SCB (từ trước khi khởi tố vụ án); tích cực hợp tác, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án.

Ngày 6/3, ngày thứ 2 phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục phần công bố cáo trạng.

Theo cáo trạng, trong số những người tham gia Đoàn thanh tra tại SCB, có 7 cá nhân dù nhận tiền từ ngân hàng này khi thanh tra, song không bị xử lý hình sự.

Cụ thể, Lại Văn Bách, Bùi Vũ Hồng Trang và Phạm Thị Thuỳ Linh thuộc Kiểm toán Nhà nước được phân công thực hiện thanh tra hoạt động tín dụng đối với khách hàng mới tại SCB Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch, giai đoạn 1.

Họ phát hiện SCB cho vay 20 khách hàng, dư nợ đến ngày 30/6/2017 là 28.460 tỷ đồng, đã vi phạm về thẩm định, phê duyệt, giải ngân cho vay và kiểm tra sử dụng vốn vay, đánh giá khoản vay có khả năng rủi ro cao.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Tại sao 7 người nhận tiền nhưng không bị xử lý hình sự?- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà.

Khi đó, Lại Văn Bách và Lê Thanh Hà - tổ trưởng đã báo cáo Kiểm toán Nhà nước và đơn vị này đã có văn bản ngày 29/1/2018 báo cáo Chính phủ về thực trạng vi phạm các khoản vay nhóm 71 khách hàng; đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, kiểm điểm các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đến giai đoạn 2, 3 cá nhân trên trực tiếp ký biên bản họp để trưởng đoàn Thanh tra Đỗ Thị Nhàn ban hành kế hoạch 99 sửa đổi kế hoạch 92. Họ không biết trong số 71 khách hàng, có 18 khách hàng phát sinh 26 khoản vay với dư nợ 14.303 tỷ đồng từ ngày 30/6/2017 đến ngày 31/3/2018; không tham gia việc dự thảo kế hoạch thanh tra, chỉ ký biên bản họp theo ý kiến chung của đoàn.

Đối với 3 cá nhân Phạm Quốc Thịnh, Phạm Hồng Linh, Nguyễn Lan Hương thuộc cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, được giao nhiệm vụ vụ thanh tra, đánh giá đối với hồ sơ cấp tín dụng thuộc dự án khu 5-2, phương án Times Square, phương án Windsor, dự án Mũi Đèn Đỏ, dự án 6A.

Quá trình thanh tra, 3 cá nhân này cùng tổ thanh tra số 3, ở giai đoạn 1 đã phát hiện nhiều sai phạm của SCB trong công tác thẩm định, xét duyệt cho vay, điều kiện cho vay, giải ngân… Họ đã có kiến nghị xử phạt hành chính, yêu cầu SCB chỉ đạo toàn hệ thống kịp thời khắc phục, chỉnh sửa các vi phạm, tồn tại.

Ở giai đoạn 2, các cá nhân này trực tiếp ký biên bản họp để trưởng đoàn Thanh tra Đỗ Thị Nhàn ban hành kế hoạch 99 sửa đổi kế hoạch 92.

Trong đó, nội dung thống nhất thanh tra dư nợ 71 khách hàng nói trên tại thời điểm ngày 30/6/2017 đã thu hẹp nội dung, phương pháp, biện pháp, phạm vi thanh tra.

Họ không biết trong số 71 khách hàng, có 18 khách hàng phát sinh 26 khoản vay với dư nợ 14.303 tỷ đồng.

Đối với Nguyễn Hà Linh, thanh tra viên Thanh tra Chính phủ, tại giai đoạn 1, được giao nhiệm vụ thanh tra các trình tự, thủ tục liên quan đến việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Dự án Chợ Vải và các khoản vay với khách hàng thông thường (12 công ty và 13 cá nhân) tại SCB Chi nhánh Chợ Lớn, Tân Định và Hà Nội với tổng dư nợ hơn 191 tỷ đồng. Quá trình thanh tra, Hà Linh đã phát hiện sai phạm tại Dự án Chợ Vải.

Phạm Quốc Thịnh, Phạm Hồng Linh, Nguyễn Lan Hương chủ động khai 4 lần nhận tiền, trong đó 2 lần trả lại, mỗi người đã nhận, sử dụng 100 triệu đồng.

Hà Linh nhận 4 lần, tổng cộng 6.000 USD và 50 triệu đồng từ SCB. Lại Văn Bách, Bùi Vũ Hồng Trang và Phạm Thị Thuỳ Linh được SCB đưa 5 lần, tổng cộng mỗi người 9.000 USD và 100 triệu đồng.

Theo cáo trạng, 7 cá nhân trên có sai phạm trong quá trình thanh tra, nhận tiền từ ngân hàng SCB. Tuy nhiên, quá trình tham gia đoàn thanh tra, họ là cấp dưới (thành viên đoàn), chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao chịu trách nhiệm đối với kết quả, phần việc được tham gia.

Các báo cáo gửi tổ trưởng và trưởng đoàn phản ánh trung thực nội dung, kết quả thanh tra. Họ không được Đỗ Thị Nhàn - trưởng đoàn; Nguyễn Thị Phụng - phó đoàn, phân công nhiệm vụ tổng hợp số liệu chung về thực trạng tài chính, nợ xấu và các sai phạm, vi phạm của SCB.

Mặt khác, khi ký biên bản họp đoàn chỉ được tham gia ý kiến đối với phần việc thực hiện nên không biết toàn bộ nội dung kết quả thanh tra của đoàn; không biết được thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm nghiêm trọng của SCB; Một số nội dung thanh tra đã bị tổ tổng hợp biên tập, cắt gọt, chỉnh sửa theo chỉ đạo của Đỗ Thị Nhàn.

Vì thế, xét tính chất, mức độ các thành viên này đều không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Đỗ Thị Nhàn trong quá trình thanh tra.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, họ đã thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền nhận từ SCB (từ trước khi khởi tố vụ án); tích cực hợp tác, giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án.

Do đó, căn cứ vào Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với 7 cá nhân này mà đề nghị xử lý nghiêm về Đảng và chính quyền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.