Xã hội

Vướng mặt bằng, 13km đường trục trong KKT Thái Bình nguy cơ chậm tiến độ

29/04/2024, 06:18

Tuyến số 3 đường trục trong khu kinh tế (KKT) Thái Bình có chiều dài trên 13km từ đường ven biển đến quốc lộ 37B trải dài qua 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải đang được gấp rút thi công nhưng có nguy cơ chậm tiến độ vì vướng mắc mặt bằng.

Lo mặt bằng cản tiến độ dự án

Những ngày cuối tháng 4/2024, PV Báo Giao thông có mặt trên công trường thi công tuyến số 3 đường trục trong KKT Thái Bình (thuộc địa phận xã Nam Hải, huyện Tiền Hải) và ghi nhận, nhiều thiết bị máy móc được tập trung, hàng trăm cán bộ, công nhân kỹ thuật đang có mặt tại công trường. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đoạn tuyến, nhiều điểm, nhà thầu chưa thể tiến hành thi công do vướng mặt bằng, khiến dự án ngổn ngang, đình trệ, nguy cơ chậm tiến độ là rất lớn.

Vướng mặt bằng, 13km đường trục trong KKT Thái Bình nguy cơ chậm tiến độ- Ảnh 1.

Nhà thầu tập trung máy móc thi công nhưng chưa có mặt bằng sạch.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, tại nhiều khu vực trên dọc tuyến như nút giao quốc lộ 37B xã Nam Bình, (huyện Kiến Xương); ĐH30 xã Nam Hải, nút giao ĐT221A xã Nam Hưng (huyện Tiền Hải)… vẫn ngổn ngang công trình hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông.

Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, 5 tuyến đường trục trong KKT Thái Bình được đầu tư trên 2.500 tỷ đồng. Tuyến số 3 có chiều dài trên 13km từ đường ven biển đến quốc lộ 37B trải dài qua 2 huyện Kiến Xương và Tiền Hải được thiết kế theo tiêu chuẩn định hướng đường cao tốc. Theo hợp đồng, thời gian thực hiện dự án là 1.430 ngày (47,7 tháng).

"Trên phạm vi mặt bằng được bàn giao 11,5/13,07km, nhà thầu đã thi công xong đào nền đường và xử lý nền đất yếu bằng cọc cát, bấc thấm và đắp cát nền đường, hiện đang thi công các lớp đắp gia tải nền đường, các cấu kiện đúc sẵn. Đến nay giá trị xây lắp thực hiện đạt khoảng 560 tỷ đồng", đại diện Ban QLDA thông tin.

Vướng mặt bằng, 13km đường trục trong KKT Thái Bình nguy cơ chậm tiến độ- Ảnh 2.

Vướng mặt bằng sạch, khan hiếm nguồn cát nền, dự án tuyến số 3 đường trục trong KKT tỉnh Thái Bình có nguy cơ chậm tiến độ.

Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, hiện dự án còn khoảng gần 2km đang vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 238 hộ dân, trong khi thủ tục triển khai các khu tái định cư rất chậm.

Để giải quyết bài toán GPMB, huyện Kiến Xương đang điều chỉnh phương án thiết kế, giảm số hộ dân có đất thu hồi từ 33 hộ xuống còn 21 hộ so với phương án ban đầu. 

Huyện Tiền Hải phải thu hồi đất của 217 hộ dân, đã hoàn thành kiểm đếm đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu trên đất, đang hoàn thiện xác minh nguồn gốc đất và lập phương án GPMB, đang tổ chức lập dự án xây dựng 2 khu tái định cư xã Nam Hưng và Nam Hải, tuy nhiên chưa xong thủ tục phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường làm cơ sở duyệt dự án khu tái định cư. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nỗ lực tháo gỡ để sớm có mặt bằng sạch cho dự án", đại diện Ban QLDA cho biết.

Tháo gỡ dứt điểm vướng mắc về mặt bằng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Đình Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Xuân Quang, đại diện liên danh nhà thầu tuyến số 3 đường trục trong KKT Thái Bình cho biết, đến thời điểm hiện tại dự án chỉ mới thi công được hơn 35% tiến độ, không đạt yêu cầu đề ra.

Vướng mặt bằng, 13km đường trục trong KKT Thái Bình nguy cơ chậm tiến độ- Ảnh 3.

Một công trình trên tuyến số 3 thuộc địa bàn xã Nam Hồng chưa thể GPMB.

"Chúng tôi đang nỗ lực thi công gấp rút các hạng mục với số lượng công nhân, máy móc tối đa; công trình vẫn đang đảm bảo tiến độ. Thế nhưng việc không kịp thời GPMB sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ dự án", ông Hiếu cho biết.

Lý giải về khó khăn khi thực hiện công tác GPMB hiện đang chậm, ông Hiếu cho biết, thủ tục triển khai các khu tái định cư rất chậm, việc GPMB các trường hợp đất ở nằm rải rác xen kẹt trong đất nông nghiệp (xã Nam Trung 3 hộ, xã Nam Hồng 30 hộ, xã Nam Hải 5 hộ) đang còn nhiều vướng mắc.

Ngoài việc vướng mặt bằng, nhà thầu tiếp tục gặp khó về nguồn vật liệu chủ yếu là cát đắp nền. Ông Hiếu lý giải, vì 100% nguồn cung loại vật liệu này phải lấy nguồn từ Hà Nội, Phú Thọ, quãng đường xa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá. 

"Giá cát đắp nền tăng từng ngày, từ tháng 10/2023 khởi công công trình đến nay, nhà thầu đã phải chịu tác động điều chỉnh từ 6 - 7 lần giá, tương đương tăng từ 60 - 70 nghìn đồng/m3 giá cát thị trường. Tuy nhiên, giá thông báo của tỉnh Thái Bình chỉ tăng tổng cộng 15 nghìn đồng/m3. 

Trên tuyến còn khoảng gần 2km chưa được GPMB chủ yếu là đất ở, đất xen kẹt dẫn đến không thông tuyến, khó khăn điểm tập kết vật liệu, di chuyển máy móc, vận chuyển vật liệu phải đi đường vòng làm chi phí tăng cao", ông Hiếu cho biết thêm.

Vướng mặt bằng, 13km đường trục trong KKT Thái Bình nguy cơ chậm tiến độ- Ảnh 4.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Hải chưa thể GPMB khiến dự án phải dừng lại

Trước đó, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các địa phương phấn đấu giải quyết dứt điểm những vướng mắc về GPMB dự án trước ngày 30/4, chậm nhất là ngày 15/5. 

"Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến trong quý I/2024; triển khai ngay các thủ tục, quy trình GPMB trên diện tích đất ở cũng như đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án và xây dựng hạ tầng khu tái định cư", ông Hưng yêu cầu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ đấu thầu các mỏ cát; hỗ trợ, hướng dẫn các nhà thầu trong bảo đảm nguồn cung vật liệu để thi công dự án. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.